Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới
20/10/2022 | 10:35Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045 để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Cần một Chương trình mục tiêu quốc gia
Các đối tượng lập quy hoạch văn hóa gồm Mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bao gồm 12 đối tượng: Bảo tàng, thư viện, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm văn hóa trong nước, trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, di sản thế giới và di tích quốc gia đặc biệt, làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa, trụ sở cơ quan về văn hóa.
Quy hoạch dựa trên quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, Phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế của thời đại, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao trong nhân dân; đảm bảo tính liên thông, kết nối hiệu quả giữa các cơ sở văn hóą, với cơ sở thể dục thể thao và du lịch; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền; khuyến khích phát triển các tài năng văn hóa nghệ thuật, sự sáng tạo của đội ngũ tri thức, văn nghệ sỹ; tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và tăng cường tính sáng tạo cho nền kinh tế.
Gắn kết các hoạt động phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia với các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tình hữu nghĩ giữa các quốc gia, dân tộc; Tạo môi trường hòa bình, an ninh, giữ vững chủ quyển quốc gia, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế
Đánh giá chính sách về nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, để phát triển mạng lưới các cơ sở văn hóa và thể thao thì một trong những yêu cầu quan trọng là phải có đủ nguồn lực để đầu tư, xây dựng, bao gồm cả nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa.
"Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho các lĩnh vực văn hóa đã được quy định khá rõ trong các Luật và văn bản dưới Luật. Triển khai thực hiện các quy định này, thời gian qua Nhà nước đã có những chương trình, dựa án cụ thể để đầu tư phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, nguồn lực còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó, rất cần một Chương trình mục tiêu quốc gia có tính chất tổng thể nhằm chấn hưng văn hóa trong thời gian tới", Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thanh Sơn phát biểu.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Võ Trọng Nam nhấn mạnh, TP.HCM đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Theo ông Nam, TP.HCM hiện có trên 300 công trình, trong đó có 27 công trình đạt chuẩn đăng cai tổ chức, biểu diễn, thi đấu các giải quốc gia, quốc tế chính thức. Bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, sự phát triển các công trình văn hóa, thể thao trong thời gian qua còn gắn liền với sự phát triển của hoạt động xã hội hóa, trở thành một "thương hiệu" của Thành phố. Đến nay, TP.HCM có trên 2.500 cơ sở (không tính các địa điểm có cơ sở vật chất TDTT tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…), trong đó nổi bật là mô hình kết hợp hoạt động TDTT với các loại hình văn hóa xã hội. Hệ thống rạp chiếu phim hiện đại do các công ty liên doanh đầu tư càng ngày càng phát triển. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng nhiều quảng trường, góp phần chỉnh trang cảnh quan kiến trúc đô thị, tạo điều kiện cho du khách đến tham quan thành phố… Trong quy hoạch, Thành phố luôn chú trọng gìn giữ, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến nay, thành phố có 185 công trình có quyết định xếp hạng di tích.
Trong giai đoạn đầu tư trung hạn 2021-2025, Thành phố đã có chủ trương cho phép đầu tư xây dựng trên 30 công trình văn hóa và thể thao. TP.HCM phấn đấu trở thành Thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án phát triển văn hóa và thể thao, qua đó nghiên cứu, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, quỹ đất quy hoạch đầu tư, nhu cầu sử dụng và định hướng phát triển; từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình, thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Thiết chế văn hóa cơ sở nâng cao chất lượng đời sống người dân
Tại Hội thảo, bà Vi Thanh Hoài- Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, hiện cả nước có khoảng 7.035 Trung tâm Văn hóa- Thể thao (VHTT) xã trong đó có 5030 Trung tâm VHTT đạt tiêu chuẩn của Bộ VHTTDL, chiếm 71,4%. Các địa phương quan tâm xây dựng hội trường đa năng để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Có khoảng 72.952 Nhà văn hóa- khu thể thao ở thôn, trong đó có 47.724 Nhà văn hóa- khu thể thao đạt chuẩn của Bộ VHTTDL. Thiết chế văn hóa cấp thôn có nội dung hoạt động đa dạng, gắn với đời sống cộng đồng, là nơi sinh hoạt chính trị- xã hội của người dân.
Theo bà Vi Thanh Hoài, việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết chế văn hóa làng, thôn, bản với các tên gọi khác nhau, tùy theo đặc điểm địa phương, cho thấy, dù với tên gọi khác nhau nhưng các địa phương đều chung một mục đích khi chỉ đạo, tổ chức xây dựng các thiết chế thôn, làng, bản là xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, điều kiện về cơ sở vật chất cũng như tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, thể lực của người dân, tạo được môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở.
Bà Vi Thanh Hoài chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của các thiết chế này như quy hoạch đất và quy mô xây dựng ở nông thôn, miền núi chưa phù hợp với điều kiện thực tế; một số thiết chế ở địa phương được đầu tư xây dựng mới nhưng thiếu kinh phí vận hành nên hoạt động cầm chừng, gây lãng phí....
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ vui mừng vì trong thời gian vừa qua, phát triển văn hóa, quan tâm đến văn hóa đã có bước phát triển rất lớn. Theo thống kê từ các tỉnh, sự chuyển biến văn hóa đã đi sâu vào đời sống, các địa phương đã có những nguồn kinh phí, nguồn lực để phát triển văn hóa.
Thứ trưởng nhận định, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045 là đề án quan trọng, khó khăn và phức tạp. Khi hoàn thành, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045 sẽ nhập với các quy hoạch khác để làm nên một tổng thể quy hoạch chung của cả nước. "Đây là một việc hết sức khó khăn, phức tạp, có rất nhiều điểm giao thoa với nhau mà chưa có giải pháp triệt để. Trên cơ sở vừa làm vừa tìm hiểu thêm để khắc phục các tồn tại, Bộ VHTTDL rất vui mừng khi Hội thảo hôm nay được kết nối với 43 điểm cầu trên cả nước, các đồng chí ở các cơ sở, các tỉnh, thành phố cũng đã quan tâm theo dõi và góp ý kiến cho Đề án"- Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, Hội thảo đã nhận được 34 bài tham luận, 2 tập tham luận dày dặn và tổng thể của quy hoạch gồm 900 trang. "Tôi mong muốn qua Hội thảo này, ban soạn thảo cũng nhìn nhận được thêm nhiều vấn đề và tuyên truyền tới các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao ở các địa phương để hiểu thêm về hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045 nhằm hướng tới sự phát triển. Ban soạn thảo vẫn tiếp tục nhận thêm các ý kiến đóng góp của các ban ngành, các cơ sở để hoàn thiện bản Quy hoạch trong thời gian nhanh nhất để trình Chính phủ" - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh./.