Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thuỷ nội địa

14/08/2012 | 13:16

(VP) - Ngày 26/6/2012, Bộ VHTTDL và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thuỷ nội địa. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Thông tư 22/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ra đời nhằm bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa và áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó quy định cụ thể đối với cảng, bến thủy nội địa kinh doanh vận tải khách du lịch và khu vực neo đậu phương tiện phải có bảng thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về tuyến, điểm du lịch, các công trình phụ trợ đảm bảo mỹ quan vệ sinh môi trường; khu vực neo đậu phải có các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và các phương tiện khác đảm bảo an toàn và được cơ quan có thẩm quyền công bố giấy phép hoạt động tại khu vực neo đậu.

Một điểm mới tại Thông tư này quy định đối với loại phương tiện có dịch vụ lưu trú thì phải có phòng ngủ đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ theo quy định hiện hành; có bảng chỉ dẫn vị trí bố trí, bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường...

Phương tiện có thiết bị theo dõi thời tiết, thông tin liên lạc; có hệ thống thông tin nội bộ từ phòng thuyền trưởng đến các khu vực dịch vụ, phòng ngủ của khách và số điện thoại của các cơ quan tìm kiếm cứu nạn...

Trên tàu phải bố trí đầy đủ định biên thuyền viên theo quy định, có sổ danh bạ thuyền viên và nhân viên phục vụ được ghi chép đầy đủ. Đối với thuyền viên người lái phương tiện đều phải được đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Riêng đối với nhân viên phục vụ hoặc các thuyền viên làm thêm chức năng phục vụ thì phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch do Sở VHTTDL cấp.

Thông tư này cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan từ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đến trách nhiệm của thuyền viên, nhân viên phục vụ và khách du lịch trong suốt hành trình hoặc khi gặp sự cố để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.

Tổng cục Du lịch đề nghị Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn thực hiện Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, bất cập đề nghị phản ánh về Tổng cục Du lịch để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×