Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quốc hội, nhân dân và cử tri chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang thực hiện

07/06/2019 | 06:39

Kết thúc phiên chất vấn liên quan tới nhóm nội dung về văn hóa, thể thao và du lịch, các ĐBQH đã trao đổi chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

Phiên chất vấn: Trả lời thẳng vào những vấn đề được nêu

Đánh giá chung phiên chất vấn lần này, các ĐBQH cho rằng các Bộ trưởng, trưởng ngành đã đạt yêu cầu. Các ĐBQH đã đặt câu hỏi ngắn, đi thẳng vào vấn đề mình muốn hỏi, tìm hiểu và các Bộ trưởng có nghiên cứu và nắm rõ những vấn đề trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Do đó, cách trả lời đểu đi thẳng vào vấn đề.

Riêng với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ĐBQH Nguyễn Hữu Thái (Bạc Liêu) chia sẻ, về cơ bản, ông hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

"Thông qua chất vấn và trả lời chất vấn đó bản thân tôi sẽ có nhiều điều về thưa chuyện với cử tri  địa phương Bạc Liêu. Trong đó, tôi tâm đắc với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đó là hiện nay phát triển văn hóa không thể nào chỉ là câu chuyện nội tại của ngành VHTTDL mà phải có sự chung tay, chỉ đạo và tạo điều kiện của Chính phủ cũng như sự liên kết của Bộ, ngành và bản thân chúng ta, mỗi người trước hết phải tự xây dựng cho mình một cái phông văn hóa trong điều kiện môi trường văn hóa nhiều thuận lợi thì bản thân càng củng cố nền tảng đó hơn"- ĐB Nguyễn Hữu Thái chia sẻ.

Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Hữu Thái, "một số câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện liên quan đến nhiều lĩnh vực khác trong đó một số bất cập liên quan đến giáo dục, kinh tế…, đây là lĩnh vực đa ngành, không thể nào Bộ trưởng trả lời một cách rõ ràng khi liên kết đa ngành như vậy được.

Phiên chất vấn với nhóm nội dung về Văn hóa, thể thao và du lịch thể hiện sự trăn trở, mong muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thái, đoàn Bạc Liêu.

Trong khi đó, theo ĐBQH đoàn TP HCM Dương Ngọc Hải chia sẻ, ông quan tâm tới các giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra về nhóm vấn đề liên quan tới ngành du lịch.

"Tôi quan tâm tới những giải pháp mà Bộ trưởng Thiện đưa ra trong việc đón tiếp khách du lịch, tổ chức, điều hành khách du lịch ở Việt Nam cũng như đưa khách du lịch ra nước ngoài để làm sao ngành du lịch ngày càng phát triển. Trong thời gian tới sẽ đóng góp 10% GDP ngân sách như các Bộ trưởng đã lời hứa"- ĐB Dương Ngọc Hải nói.

Trong khi đó, với ĐBQH Triệu Thế Hùng thì, phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nắm được vấn đề về chính sách vĩ mô, những giải pháp về ngành nghề, tăng đầu tư cho phim lịch sử dân tộc, cho trẻ em, đảm bảo tỉ trọng phim trong nước so với phim ở nước ngoài đang chiếm lĩnh trên thị trường hiện nay, giải pháp cho vấn đề phim ngoại lấn át phim nội.

"Văn hóa là lĩnh vực rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội, để giải quyết một cách căn cơ, khoa học, tôi nghĩ rằng ngành văn hóa phải đi vào thực tiễn cơ sở để giải quyết được những bất cập chứ không chỉ dựa vào thực tiễn pháp luật"- ông Triệu Thế Hùng nói.

Phiên chất vấn thể hiện sự trăn trở, mong muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Kết thúc phiên chất với với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngành cần tập trung vào một số vấn đề như rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để quản lý văn hóa, thể thao và du lịch; chú trọng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó lưu ý đến việc ban hành các văn bản phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết những nội dung có tính chất liên bộ, liên ngành.

Phiên chất vấn với nhóm nội dung về Văn hóa, thể thao và du lịch thể hiện sự trăn trở, mong muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 2.

ĐBQH Dương Ngọc Hải, đoàn TP HCM.

Ngành cũng cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống, hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, phát hành phim, ảnh về truyền thống lịch sử, dân tộc…

Tăng cường công tácquản lý, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp, người mẫu trái quy định và không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung quy định về các cuộc thi sắc đẹp, quy định về các hoạt động biểu diễn. Có các biện pháp tuyên truyền, lên án, chấn chỉnh các biểu hiện của lối sống "lệch chuẩn", ứng xử thiếu văn hóa, nhất là thông qua các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh;

Ngành tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp, truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có các giải pháp, biện pháp đồng bộ trong việc phòng, chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính; chấn chỉnh các hành vi lợi dụng tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật…; Làm tốt công tác quy hoạch bảo tồn, nhất là các khu di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị lịch sử, văn hóa để bổ trí nguồn lực cho duy tu bảo trì, ưu tiên các công  trình đang xuống cấp.

Phiên chất vấn với nhóm nội dung về Văn hóa, thể thao và du lịch thể hiện sự trăn trở, mong muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Nam Nguyễn

Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới…; Tiếp tục triển khai kế hoạch quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch; có các biện pháp phối hợp để quản lý chặt chẽ việc lợi dụng tổ chức các Tour du lịch ra nước ngoài để vi phạm pháp luật, cần xử lý triệt để các Tour du lịch không đồng, xử lý các loại hình du lịch biến tướng, lợi dụng tổ chức Tour du lịch để có các hành vi lừa đảo, kiếm lời...

"Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển. Những nội dung chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội hôm nay vừa thể hiện sự trăn trở, mong muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mong muốn Việt Nam trở thành điểm đến của du lịch thế giới"- Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch cũng cho biết thêm, "để biến các chương trình, mục tiêu thành hiện thực, có những giải pháp có thể làm ngay nhưng cũng có những nội dung cần phải có chiến lược dài hạn, có sự phối hợp thống nhất của nhiều bộ, ngành và sự ủng hộ của xã hội và nhân dân. Với mong muốn đó, Quốc hội, nhân dân và cử tri chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang thực hiện, đồng thời mong muốn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ VHTTDL làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao"./. 

Song Đào

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×