Quảng Trị: Tọa đàm khoa học xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội A Riêu Piing
18/07/2022 | 16:42Vừa qua, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa, Đakrông tổ chức tọa đàm khoa học xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội A Riêu Piing.
A Riêu Piing là lễ hội văn hóa phi vật thể, ăn sâu vào tiềm thức trong mỗi gia đình, cộng đồng tộc người Tà Ôi/Pa Kô sinh sống ở phía Tây Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Thông qua lễ hội giúp nhận diện được quá trình cư trú và hình thành các làng bản nơi đây; thể hiện phong tục tập quán, quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan, nhất là quan niệm về sự sống và cái chết của con người; là sự cố kết cộng đồng, bền chặt về mặt tâm linh. Từ đó, con người sống với nhau có nhân, có nghĩa và hướng đến chân, thiện, mỹ tốt đẹp hơn. Đây là quan niệm đặc trưng, riêng biệt của người Tà Ôi/Pa Kô.
Lễ hội còn là nơi sáng tạo, lưu giữ, trao truyền những kỹ năng, tập tục, tri thức và giá trị về mặt vật thể và phi vật thể. Chính việc lưu giữ những yếu tố này làm cho con người đồng cảm, đoàn kết, thống nhất trong mọi việc tốt. Đó là cách bảo tồn di sản văn hóa theo quan điểm của Đảng, Nhà nước ta.
Lễ hội A Riêu Piing khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, địa phương có thể phục hồi và tổ chức, tạo nguồn lực phát triển cho du lịch, mang lại những lợi ích thiết thực về KT - XH. Theo khảo sát hiện nay, lễ hội này chủ yếu được người dân ở các xã Lìa, A Dơi (Hướng Hóa), A Bung, A Ngo, Tà Rụt và A Vao (Đakrông) duy trì.
Đến nay, tất cả các phần việc liên quan đến việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội A Riêu Piing của người Tà Ôi/Pa Kô đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đang được triển khai thực hiện tốt.
Theo đó, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các đoàn đi thực tế nghiên cứu, thu thập tư liệu về lễ hội tại địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông. Hiện nay, đơn vị đang thực hiện công tác biên soạn các thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ lễ hội.
Tại buổi tọa đàm, cán bộ quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến, hiểu biết, kinh nghiệm liên quan đến lễ hội A Riêu Piing như: Ý nghĩa tên gọi của lễ hội; những địa bàn thường xuyên tổ chức lễ hội; công tác tổ chức, thời gian, quy trình thực hành lễ hội.
Đồng thời, tập trung đánh giá thuận lợi cũng như khó khăn trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của lễ hội hiện nay; đề xuất giải pháp, kiến nghị đến cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đối với lễ hội A Riêu Piing.
Các ý kiến tại buổi tọa đàm là nguồn tư liệu quý, phản ánh được giá trị lịch sử văn hóa, khoa học của lễ hội A Riêu Piing, giúp Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh tổng hợp, chuẩn bị nội dung cần thiết để trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội A Riêu Piing.