Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Xây dựng thương hiệu du lịch từ lễ hội văn hóa

05/08/2024 | 08:15

Quảng Ninh là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với trên 70 lễ hội được tổ chức hằng năm. Những lễ hội, ngày hội truyền thống được thực hiện bài bản, quy mô, mang đậm dấu ấn, nét đẹp văn hóa, con người mỗi vùng đất từ lâu không chỉ là nơi để người dân sinh hoạt, thụ hưởng văn hóa cộng đồng mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương. Qua đó, góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu du lịch riêng cho mỗi địa phương.

Quảng Ninh: Xây dựng thương hiệu du lịch từ lễ hội văn hóa - Ảnh 1.

Hội Trà hoa vàng được tổ chức vài năm trở lại đây trở thành dấu ấn văn hóa đặc sắc của huyện Ba Chẽ.

Trong nhiều năm trở lại đây, tài nguyên văn hóa đã góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch lễ hội, tâm linh của Quảng Ninh phát triển. Du lịch qua các lễ hội, sự kiện văn hóa cũng đang trở thành xu thế, là tiền đề để phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí tại các địa phương trong cả nước nói chung. Tại Quảng Ninh nhiều lễ hội truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chỉ cần nhắc đến tên đã gợi nhớ đến vùng đất văn hóa. Tiểu biểu như: Lễ hội Đền Cửa Ông (Cẩm Phả), lễ hội Yên Tử (Uông Bí), các lễ hội Tiên Công, Bạch Đằng, Xuống đồng (Quảng Yên), lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội đình Quan Lạn (Vân Đồn), lễ hội Đức ông Trần Quốc Nghiễn (Hạ Long)…

Là địa phương có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Bình Liêu sở hữu “kho tàng” văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Nhắc đến Bình Liêu, nhiều du khách đều nhớ đến các ngày hội Kiêng gió, Soóng cọ, hội Hoa sở, hội Mùa vàng... với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hát dân ca, trò chơi dân gian, ẩm thực bản địa phong phú, độc đáo đã làm nên thương hiệu của vùng đất này.

Quảng Ninh: Xây dựng thương hiệu du lịch từ lễ hội văn hóa - Ảnh 2.

Ngày hội Kiêng gió của dân tộc Dao Thán Phán (Bình Liêu) được tổ chức hằng năm luôn thu hút du khách tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa.

Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, chia sẻ: Gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ đồng thời phát triển, tổ chức các hoạt động ngày hội mới trên cơ sở khai thác các giá trị, nét đẹp văn hóa địa phương như hội hoa Sở, hội mùa vàng là cách thức hiệu quả mà Bình Liêu đã thực hiện để quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp, hình ảnh thiên nhiên, văn hóa, con người địa phương đến với bạn bè trong và ngoài nước. Du lịch qua các lễ hội, sự kiện văn hóa không chỉ đóng góp doanh thu cho ngành kinh tế, mà còn thúc đẩy từng bước hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa tại Bình Liêu.

Tại Hạ Long, bên cạnh các lễ hội truyền thống, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua. Mỗi năm một chủ đề với những màn biểu diễn nghệ thuật được dàn dựng đặc sắc, công phu, ấn tượng, Carnaval Hạ Long đã tạo nên sức sống mới, diện mạo riêng và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách về vẻ đẹp vùng đất di sản. Qua đó, góp phần gắn kết văn hóa với du lịch, đưa các hoạt động lễ hội trở thành không gian văn hóa đặc sắc, hội tụ tinh hoa truyền thống và hiện đại.

Quảng Ninh: Xây dựng thương hiệu du lịch từ lễ hội văn hóa - Ảnh 3.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Carnaval Hạ Long 2024 với chủ đề "Bừng sáng cùng kì quan". Ảnh: Đỗ Phương

Đặc biệt, vừa qua, TP Hạ Long đã phê duyệt Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội”. Theo đó, Đề án sẽ được thực hiện từ năm 2025 với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là Thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.

Để thực hiện Đề án, thành phố sẽ bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng riêng của TP Hạ Long. Đồng thời, nâng cấp một số lễ hội có giá trị, sự kiện tiêu biểu để tổ chức thường niên ở quy mô cấp thành phố. Thành phố cũng sẽ lựa chọn phục dựng lại một số lễ hội truyền thống có giá trị tiêu biểu; huy động có hiệu quả các nguồn lực (tài trợ, xã hội hoá...) để tổ chức lễ hội, sự kiện. Thành phố sẽ duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có; điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các mùa thấp điểm của du lịch Hạ Long. Đồng thời, lựa chọn, tổ chức các lễ hội, sự kiện tiêu biểu, phù hợp với nhu cầu của người dân và nguồn lực của thành phố, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Đưa hoạt động lễ hội, sự kiện trở thành hoạt động văn hóa, du lịch thường niên, quảng bá hình ảnh đất nước, mảnh đất, con người, văn hóa Hạ Long - Quảng Ninh.

Quảng Ninh: Xây dựng thương hiệu du lịch từ lễ hội văn hóa - Ảnh 4.

Lễ hội Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) được tổ chức thường niên bài bản, quy mô.

Mỗi địa phương, điểm đến với nét văn hóa, lễ hội đặc sắc riêng và không ngừng đổi mới không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, thụ hưởng của người dân, du khách mà còn góp phần đánh thức các giá trị văn hóa, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho du lịch địa phương. Điều đó cũng là minh chứng cho sự sáng tạo dựa trên tài nguyên văn hóa để thúc đẩy công nghiệp văn hóa tại Quảng Ninh.

Theo Báo Quảng Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×