Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Văn hóa là nguồn tài nguyên, là động lực cho phát triển

30/01/2023 | 08:41

Văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp, kết hợp bởi nhiều yếu tố, như văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân mỏ và sự hội tụ, giao thoa giữa nền văn minh sông Hồng với văn hóa vùng Đông Bắc... Với đánh giá này của những nhà nghiên cứu, quản lý về văn hóa cho thấy, nguồn tài nguyên văn hóa giàu có của Quảng Ninh đã được hội tụ, tích lũy và chọn lọc lâu dài để tạo ra những giá trị riêng có.

Quảng Ninh: Văn hóa là nguồn tài nguyên, là động lực cho phát triển - Ảnh 1.

Du khách tham quan động Thiên Cung trên Vịnh Hạ Long.

Gìn giữ, trân trọng các di sản văn hóa

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Quảng Ninh có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt. Theo các dữ liệu khảo cổ, Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ với 3 nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000-3.500 năm, là văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Thương cảng Vân Đồn ra đời cùng với trang Vân Đồn vào năm 1149 (thời vua Lý Anh Tông). Khi ấy, thuyền buôn của 3 nước Trảo Oa, Lộ Lạc và Xiêm La đã xin cư trú buôn bán và lập trang ở đây để buôn bán. Đây là thương cảng đầu tiên của người Việt ở thời kỳ độc lập tự chủ.

Đông Triều được xem là khởi nguồn của vương triều nhà Trần. Vùng đất Quảng Ninh đã chứng kiến chiến thắng lịch sử của tướng Trần Khánh Dư trước giặc Nguyên Mông tại Vân Đồn và trên dòng sông Bạch Đằng. Đặc biệt, Yên Tử được xem là đất tổ của Phật giáo Việt Nam, nơi vua Trần Nhân Tông tu hành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, tông phái thuần Việt với tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời. Suốt thời kỳ phong kiến tiếp theo, dù thăng hay trầm, Quảng Ninh với các tên gọi khác nhau, vẫn luôn được các triều đại coi trọng...

Quá trình lịch sử ấy còn để lại trên vùng đất này tới hôm nay hơn 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Các di tích này đã được kiểm kê, phân loại và xếp hạng, trong đó có 6 khu di tích quốc gia đặc biệt (gồm cả Di sản thế giới Vịnh Hạ Long) và khoảng 150 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Những năm qua, tỉnh và các địa phương đã quan tâm, bền bỉ huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa với trị giá hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư tu bổ, tôn tạo lại. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa tri ân các di sản do tiền nhân để lại, giúp các công trình bền vững hơn trước mưa nắng thời gian, mà còn khiến các di tích này trở thành điểm đến có sức hấp dẫn, thu hút trung bình 6 triệu lượt khách du lịch hằng năm, tiêu biểu như Yên Tử, Cửa Ông, Cái Bầu, Ba Vàng...

Quảng Ninh: Văn hóa là nguồn tài nguyên, là động lực cho phát triển - Ảnh 2.

Trang sức phát hiện qua khảo cổ tại một số địa điểm của Quảng Ninh, thuộc văn hóa Hạ Long cách ngày nay hơn 4.000 năm, đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Các di sản lớn của tỉnh như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bạch Đằng đều đã và đang được định hướng để trở thành những di sản thế giới liên vùng. Trong đó, Di sản thế giới Vịnh Hạ Long được định hướng mở rộng sang khu vực quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), vốn là khu vực biển đảo có mối quan hệ mật thiết với Vịnh Hạ Long về giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa; di sản Yên Tử mở rộng theo không gian văn hóa trong lịch sử bao gồm 4 khu di tích lớn ở Quảng Ninh (Yên Tử, nhà Trần tại Đông Triều), Hải Dương (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai), Bắc Giang (khu di tích Tây Yên Tử).

Nhiều di tích tiếp tục được định hướng nâng tầm giá trị, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt giai đoạn tới, như khu di tích Thương cảng cổ Vân Đồn, đình Trà Cổ. Đồng thời, nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này gắn với phát triển du lịch và giao lưu văn hóa quốc tế. Nối tiếp những bước đi giai đoạn trước, Quảng Ninh còn định hướng trong việc ưu tiên phát triển và hình thành các khu du lịch quốc gia gắn với các di sản lớn, như Vịnh Hạ Long, Vân Đồn (gắn với di sản Thương cảng cổ Vân Đồn), Yên Tử (gắn với khu di tích - danh thắng Yên Tử).

Quảng Ninh còn có hơn trăm di sản văn hóa phi vật thể các loại, trong đó có 7 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có Then nghi lễ người Tày Bình Liêu) được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều hơn cả trong đó là các lễ hội. Quảng Ninh hiện có 119 lễ hội, trong đó có 76 lễ hội đã được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Các lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống được các địa phương huy động các nguồn lực tổ chức hiệu quả, trong đó có nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên, như Carnaval, hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, hoa sở, trà hoa vàng... vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa riêng có.

Quảng Ninh: Văn hóa là nguồn tài nguyên, là động lực cho phát triển - Ảnh 3.

Tháp Tổ tại Yên Tử.

Nhiều lễ hội đã được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc, như lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... Từ việc duy trì, phục dựng các lễ hội truyền thống, nhiều giá trị văn hóa đã mai một được bảo tồn, sống lại trong đời sống hôm nay, như các trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống, các trang phục truyền thống được đồng bào gìn giữ, trân trọng và sử dụng thường xuyên hơn... Có sức sống mạnh mẽ và sôi động nhất có lẽ phải kể tới các lễ hội ở khu vực miền Đông của tỉnh. Lễ hội ở đây không chỉ ở một xã, một vài xã hay một huyện, mà có sức lan tỏa rộng khắp, trở thành ngày hội chung của đồng bào các dân tộc. Với những giá trị văn hóa độc đáo, một số thôn, làng, bản ở khu vực miền Đông đã, đang được xây dựng để trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch.

Định hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch của tỉnh là một hướng đi đúng, hiệu quả, để các giá trị văn hóa lan tỏa sức sống mạnh mẽ trong đời sống hôm nay; nguồn thu từ du lịch được đầu tư trở lại cho bảo tồn các giá trị văn hóa. Đây là cơ sở để văn hóa tự nuôi sống mình, từng bước giải bài toán khó nhiều năm qua về nguồn kinh phí ngân sách đầu tư cho văn hóa, thổi luồng gió mới vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Quảng Ninh: Văn hóa là nguồn tài nguyên, là động lực cho phát triển - Ảnh 4.

Lễ hội Bạch Đằng là một trong 7 di sản của Quảng Ninh, đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đầu tư mạnh cho các thiết chế văn hoá

Quảng Ninh đang trong giai đoạn hội nhập, phát triển mạnh mẽ, tư duy, nhận thức về phát triển văn hóa đã có nhiều thay đổi trên cơ sở đánh giá cao vai trò của văn hóa, đóng góp vào định hướng phát triển kinh tế xã hội xanh, bền vững của tỉnh. Từ nhận thức, tư duy ấy, những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao của Quảng Ninh đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện về số lượng, được nâng cấp, cải tạo một cách đồng bộ. Nhiều công trình văn hóa lớn, có tính đột phá của tỉnh đã được xây dựng từ khoảng chục năm gần đây, trở thành điểm nhấn trên bản đồ văn hóa, du lịch cả nước; tiêu biểu như Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh... Đặc biệt là Bảo tàng Quảng Ninh với thiết kế hiện đại, mang biểu trưng văn hóa vùng than nằm bên bờ Di sản Vịnh Hạ Long xinh đẹp, cùng hệ thống trưng bày hiện đại, số lượng hiện vật phong phú, giá trị cao, đã dần trở thành điểm đến không thể thiếu với du khách bốn phương.

Không chỉ ở cấp tỉnh, 13/13 địa phương cấp huyện của tỉnh có thư viện; 12/13 địa phương cấp huyện, khoảng 50% số xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao, tỷ lệ đạt chuẩn gần 30%; gần 100% số thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao, tỷ lệ đạt chuẩn khoảng 60%. Nhiều công trình có kiến trúc đẹp, quy mô, thể hiện nét đặc sắc về văn hóa vùng miền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần của nhân dân, trở thành các sản phẩm văn hóa - thể thao chất lượng phục vụ du khách.

Quảng Ninh: Văn hóa là nguồn tài nguyên, là động lực cho phát triển - Ảnh 5.

Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ là điều kiện thuận lợi cho các địa phương khu vực miền Đông của tỉnh phát triển văn hóa, du lịch.

Những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ, với các tuyến đường cao tốc, đường bao biển, hầm đường bộ, hệ thống cầu giúp tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi, kết nối trực tiếp tới các công trình văn hóa trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa gắn với du lịch tại các địa phương, nhất là khu vực miền Đông như Tiên Yên, Vân Đồn, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái...

Chăm lo đời sống văn hóa cơ sở

Quảng Ninh hiện là địa phương có sự phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ, là một trung tâm du lịch lớn trong nước. Vì vậy, không chỉ là gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa xưa, mà xây dựng đời sống văn hóa mới cũng rất được quan tâm chăm lo.

Xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình đến cộng đồng dân cư gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển có chiều sâu, được nhân rộng với các mô hình điển hình, tiêu biểu. Năm 2021, toàn tỉnh có 98,9% số gia đình đăng ký thi đua, trong đó có 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% khu dân cư đăng ký thi đua, trong đó 95% khu dân cư đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, tổ chức tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh, khơi dậy và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong 2 năm 2020, 2021 dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ý thức tự giác thực hiện các quy định phòng chống dịch, sự tích cực đóng góp, ủng hộ về sức người, sức của cho công tác phòng chống dịch tại địa phương, tinh thần sẵn sàng hỗ trợ các địa phương bạn của nhiều cá nhân, tập thể đã tiếp tục khẳng định việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên địa bàn đã dần trở thành ý thức, trách nhiệm của mỗi người, mỗi nhà...

Quảng Ninh: Văn hóa là nguồn tài nguyên, là động lực cho phát triển - Ảnh 6.

Lễ hội Xuân Yên Tử.

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa trong kinh doanh cũng có nhiều khởi sắc. Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư uy tín, tiềm năng đến nghiên cứu và đầu tư trên địa bàn. Cùng với đó, tỉnh chú trọng chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, tổ chức đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, trọng tâm là cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, có phong cách ứng xử chuẩn mực trong thực thi công vụ...

Mục tiêu của tỉnh hiện nay là phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Quảng Ninh cũng xác định, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.

Giai đoạn từ nay đến 2030, tỉnh đặt mục tiêu huy động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa kết hợp với bảo đảm sinh kế bền vững. Theo đó, xây dựng các làng văn hóa - du lịch của đồng bào các dân tộc thiểu số Dao, Tày, Sán Chay, Sán Dìu trở thành “bảo tàng sống” có bản sắc văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc), trang phục, tri thức dân gian về lâm - nông - ngư nghiệp và văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào; tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm văn hóa dân gian các cộng đồng.

Quảng Ninh định hướng quy hoạch bảo tồn và phát triển không gian văn hóa trên địa bàn tỉnh theo các đặc trưng tiểu vùng văn hóa biển đảo, văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số, văn hóa công nghiệp vùng mỏ và văn hóa đô thị - du lịch. Từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật cấp vùng, điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa khu vực châu Á và thế giới...

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×