Quảng Ninh: Thêm nhiều sản phẩm du lịch mới
16/05/2023 | 08:46Thực hiện mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách với doanh thu đạt khoảng 32.400 tỷ đồng trong năm 2023, tỉnh đã và đang thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long…
Theo kế hoạch, riêng trong quý II/2023, Quảng Ninh phấn đấu đón 3,65 triệu lượt khách, doanh thu gần 8.000 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác, hoạt động nhằm tạo sự phong phú, đa dạng sản phẩm, hấp dẫn du khách. Theo đó, các nhóm sản phẩm du lịch mới được đề xuất thuộc 5 địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà.
Hiện TP Hạ Long đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, như: Điểm tham quan, ngắm cảnh, check in ở hồ Hải Thịnh; bộ môn thể thao thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long… Đặc biệt, dịch vụ nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long đã mang đến nhiều màu sắc mới mẻ, thu hút du khách. Chị Nguyễn Thanh Hường (du khách từ Hà Nội) cho biết: Tôi rất ấn tượng khi được nghe nhạc trên du thuyền. Đây là trải nghiệm vô cùng mới lạ, khác biệt, giúp du khách vừa cảm nhận vẻ đẹp về đêm của TP Hạ Long và Vịnh Hạ Long; lắng nghe những giai điệu du dương hay hòa mình vào âm thanh sôi động mà ca sĩ mang lại. Dịch vụ trên tàu cũng rất tốt, từ nhân viên thân thiện, chuyên nghiệp đến đồ ăn vô cùng tươi ngon. Chắc chắn, tôi sẽ trải nghiệm dịch vụ này thêm nhiều lần mỗi khi đến Hạ Long.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố, với mục đích khẳng định Hạ Long là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Mến khách”, thu hút 8,5 triệu lượt khách du lịch đến với TP Hạ Long, doanh thu du lịch đạt 18.700 tỷ đồng vào năm 2023, thành phố đã ban hành kế hoạch kích cầu và phát triển du lịch TP Hạ Long năm 2023 với nhiều hoạt động và sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Trong đó, tập trung đưa vào sử dụng, thu hút đầu tư và hình thành phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, phù hợp với từng phân khúc thị trường khách du lịch, nâng cao khả năng chi trả và kéo dài thời gian lưu trú của khách, hạn chế tính mùa vụ và tăng tính bền vững cho du lịch. Thành phố sẽ đưa vào hoạt động chính thức “Phố đêm du thuyền” tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; leo núi Bài Thơ, ngắm cảnh thành phố từ trên cao; trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Khu bảo tồn bản văn hóa người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả…
Không chỉ ở Hạ Long, các sản phẩm du lịch biển đảo mới được đưa vào hoạt động cũng đã thu hút lượng lớn du khách, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua. Tại Vân Đồn, cùng với các hoạt động kích cầu hấp dẫn, sự kiện khai trương 2 tuyến phố đi bộ ở xã Minh Châu và Quan Lạn kết nối với các bãi biển Quan Lạn, Minh Châu đã hình thành một không gian mở, trải nghiệm mới cho người dân và du khách. Nhờ vậy, các xã đảo này đã đón lượng khách tăng cao, khoảng 11.000 lượt du khách, nâng tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Vân Đồn trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua là 55.900 lượt.
Còn tại Cô Tô, các doanh nghiệp du lịch cũng đưa ra nhiều sản phẩm mới, khai thác các tour du lịch chú trọng nâng cao trải nghiệm cho du khách, tạo thêm hoạt động hấp dẫn để quảng bá và thu hút khách tới đảo. Trong đó, nổi bật như các tour tham quan hòn Cá Chép, bãi Đông đảo Cô Tô con, khám phá các bãi biển hoang sơ tại đảo Thanh Lân, lặn biển ngắm san hô… Anh Phạm Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Khám phá Cô Tô, chia sẻ: Vùng biển Cô Tô sở hữu rất nhiều rạn san hô đẹp ở gần các hòn đảo nhỏ. Để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây và tạo sức hút mới cho sản phẩm du lịch biển đảo, Công ty đã tiên phong thiết kế tour lặn biển với nhiều cấp độ: lặn với ống thở, lặn với mặt nạ dưỡng khí… Bên cạnh đó, tổ chức cắm trại, tăng sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên. Qua sản phẩm này mong muốn gia tăng trải nghiệm cho du khách và góp phần bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển đa dạng của huyện đảo.
Được biết, thời gian gần đây, chính quyền và các doanh nghiệp tại Cô Tô quyết tâm làm mới hình ảnh, tạo sức hút du khách bằng những sản phẩm du lịch khác biệt. Đặc biệt, xã Thanh Lân đã tăng cường xúc tiến, tuyên truyền và quảng bá rộng rãi về các sản phẩm mới, như: Khai thác tour du lịch lặn biển ngắm san hô, tham quan các đảo gần bờ, chương trình tham quan đảo Cô Tô lớn - đảo Thanh Lân - đảo Cô Tô con - đảo Cá Chép. Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, riêng xã Thanh Lân đã đón trên 1.400 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, báo hiệu một bước chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ của ngành du lịch địa phương.
Còn tại huyện Hải Hà, địa phương và doanh nghiệp sẵn sàng đưa vào hoạt động Khu dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng Đầu Rồng vào ngày 15/5. Được biết, khu nghỉ dưỡng này có diện tích 20,1ha với nhà hàng công suất 200 khách, 42 bungalow, bể bơi cùng các phân khu dịch vụ, vui chơi giải trí, đường đi dạo bên bãi biển, công viên xanh nội khu, khu vực thể thao, bãi tắm Đầu Rồng. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 50% sản phẩm du lịch mới đã sẵn sàng đưa vào hoạt động, phục vụ khách du lịch trong dịp hè. Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, các địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo đảm bảo công tác ANTT, bảo vệ môi trường và an toàn cho khách du lịch tại các điểm du lịch; thực hiện bình ổn giá, niêm yết giá cả tại nhà hàng, quán ăn, các điểm bán hàng phục vụ du khách, tạo tâm lý an tâm, tin tưởng; tổ chức rà soát, đánh giá lực lượng lao động, phối hợp tổ chức đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng lao động du lịch, bổ sung lực lượng còn thiếu hụt để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du khách.