Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

18/04/2022 | 14:32

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Điều đó vừa tạo ra thách thức song cũng là cơ hội để văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ, không ngừng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, gìn giữ một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Quảng Ninh: Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Ban Tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh năm 2021 trao giải cho các thí sinh đoạt giải. Ảnh: Phạm Học

Đa dạng hoạt động hưởng ứng

“Phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số” là chủ đề của Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022. Các hoạt động hưởng ứng tổ chức từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4. Ngày 10/4 vừa qua, Đoàn Thanh niên các đơn vị Thư viện tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Tham mưu Công an tỉnh, Công ty CP Than Hà Tu đã phối hợp tổ chức chương trình “Thanh niên và văn hóa đọc” tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh thu hút sự tham gia của trên 300 giáo viên, học sinh nhà trường.

Tại chương trình, các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như: Trao tặng “Tủ sách Tri thức” với 300 bản sách cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; trao đổi, tọa đàm về “Thanh niên và văn hóa đọc” chia sẻ những phương pháp, thói quen và kỹ năng đọc sách hiệu quả; trao tặng 50 thẻ, tài khoản thư viện số cho học sinh nhà trường... Qua đó, không ngừng khuyến khích, đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong thanh niên, học sinh hiện nay.

Cũng trong tháng 4 này, rất nhiều các hoạt động hướng tới chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I năm 2022 được tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể: Lễ khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào ngày 15/4 tại Trường Đại học Hạ Long. Trong đó, nổi bật là chương trình giao lưu với chủ đề “Sách trong kỷ nguyên số” xung quanh vấn đề chuyển đổi số với việc sáng tác, xuất bản, phát hành, đọc sách và phát động cuộc thi “Tìm hiểu những cuốn sách viết về Quảng Ninh”.

Quảng Ninh: Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - Ảnh 2.

Học sinh Trường Tiểu học Húc Động (Bình Liêu) đọc sách tại thư viện xanh của trường.

Cùng với đó, các ngành, đơn vị, địa phương sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động như: Trưng bày sách với chủ đề “Sách - Hành trang của tuổi trẻ” theo hình thức trực tiếp tại Thư viện tỉnh và trực tuyến trên Website, Fanpage Thư viện tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” và “Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022”, tổ chức hội sách nửa giá; tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về sách, văn hóa đọc; quyên góp tặng tủ sách cho trẻ em; tạo diễn đàn trực tuyến thông qua việc thiết lập và duy trì Fanpage trên mạng xã hội Facebook để kết nối những người thích đọc sách, có nhu cầu giao lưu, chia sẻ về sách trên địa bàn tỉnh...

Chị Vũ Thị Hà Thư, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long hào hứng, cho biết: Là một người yêu sách nên tôi luôn tạo dựng sở thích và thói quen đọc sách cho các con. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên đưa các con đi Thư viện tỉnh đọc sách tôi thường xuyên cập nhật các thông tin về các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức trên địa bàn tỉnh hàng năm để cùng các con tham gia. Từ đó, tạo cơ hội, môi trường để các con đến gần hơn với sách, luôn coi sách là người bạn đồng hành không thể thiếu trong học tập và cuộc sống.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số

Những năm gần đây, các sở, ngành, đơn vị tại Quảng Ninh đều dành sự quan tâm cho việc phát triển văn hóa đọc thông qua nhiều chương trình ý nghĩa đặc biệt vào các dịp Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4... Các hoạt động đều hướng tới tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Song trong thời đại công nghệ 4.0 với sự lên ngôi của điện thoại thông minh, máy tính bảng nhỏ gọn, tiện dụng, nhu cầu giải trí tăng cao thông qua sử dụng mạng xã hội, các kênh giải trí đa dạng trên internet đã đặt ra thách thức đối với việc duy trì thói quen đọc sách truyền thống của mỗi người.

Quảng Ninh: Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - Ảnh 3.

Giờ đọc sách của cô và trò Trường Mầm non Bạch Đằng (TP Hạ Long).

Vì vậy, để biến thách thức thành cơ hội, các cấp, ngành liên quan đặc biệt là ngành thư viện của tỉnh đã chủ động thay đổi, phát huy chính lợi thế của internet để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Theo đó, Thư viện tỉnh mở rộng kết nối và hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin với các đơn vị cùng dạng, đặc biệt là liên kết với tailieu.vn - website chia sẻ tài liệu lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, liên kết với cơ sở dữ liệu thư viện số của thư viện các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc; tăng cường khả năng khai thác của thư viện số bằng cách quảng bá nguồn tài nguyên số đến các trường học, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, Thư viện tỉnh hiện có tổng số gần 250.000 bản sách, 150.000 trang tài liệu địa chí số hóa, 200 loại báo, tạp chí, thuê quyền truy cập 1,5 triệu tài liệu điện tử.

Đặc biệt, đơn vị cũng tích cực đổi mới, đa dạng hóa các phương thức phục vụ bạn đọc thông qua hình thức trực tuyến như: Cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn bạn đọc sử dụng Thư viện số trên Website, Fanpage Thư viện; thiết lập kênh Youtube của Thư viện với đa dạng hóa các nội dung dành cho nhiều đối tượng bạn đọc như: Giới thiệu tác phẩm tiêu biểu; cung cấp phần mềm sách nói; tổ chức triển lãm sách trực tuyến, các cuộc thi online về sách...

Quảng Ninh: Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - Ảnh 4.

Đọc sách điện tử đang trở thành xu hướng của giới trẻ trong thời đại công nghệ số, phục vụ nhu cầu học tập, giải trí một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng với những ảnh hưởng của dịch bệnh suốt hơn 2 năm qua, thì xu hướng đọc sách điện tử đang là một hướng đi phù hợp, đã và đang trở thành thói quen của một bộ phận không nhỏ độc giả, đặc biệt là giới trẻ.

Song, bên cạnh những thế mạnh về sự tiện lợi về thiết bị đọc sách nhỏ gọn, cung cấp hàng nghìn đầu sách cùng lúc, giúp người đọc được chọn lựa thoải mái, thay đổi liên tục theo nhu cầu... thì sách điện tử cũng có những hạn chế mà người đọc cần lưu ý. Đó là, những thông tin trên internet thường không được chọn lọc, thiếu độ tin cậy và chính xác; nhiều thông tin, tài liệu có giá trị không phải lúc nào cũng được cung cấp miễn phí trên internet... Do đó, để đảm bảo việc đọc sách hiệu quả, văn minh, mỗi người đọc cần chủ động trong việc lựa chọn đầu sách có nội dung phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu, trình độ...

Đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức tiếp nhận thông tin, kiến thức mà còn là một trong những hoạt động văn hóa cần được gìn giữ và phát triển. Vì thế, dù bằng hình thức nào thì việc đọc sách cũng cần hướng đến mục đích đáp ứng nhu cầu giải trí, giúp mỗi cá nhân tích lũy tri thức, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh.

Theo Cổng TTĐT Quảng Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×