Quảng Ninh: Phát triển hạ tầng phục vụ du lịch biển đảo
24/06/2022 | 09:17Xác định du lịch biển đảo chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, thời gian qua, Quảng Ninh đã chủ động đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Qua đó, từng bước hoàn thiện hạ tầng, tạo sức hút với du khách.
Với nhiều lợi thế về du lịch biển đảo, thời gian qua, Vân Đồn đã không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ du lịch. Trong đó, phải kể đến hạ tầng giao thông trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với địa phương, như: Đường 334, đường du lịch xuyên đảo Minh Châu - Quan Lạn, tuyến tàu cao tốc, Cảng tàu khách du lịch Cái Rồng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Bến xe điện, Khu nghỉ dưỡng Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas trên đảo Quan Lạn...
Bên cạnh đó, huyện còn tích cực thu hút các nhà đầu tư thực hiện những dự án phát triển hạ tầng du lịch biển từ nguồn vốn ngoài ngân sách, như: Khu du lịch Hòn Rồng; tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (phân khu 1); khu du lịch sinh thái Bãi Dài (xã Hạ Long); trang trại kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại thôn 6, xã Hạ Long…
Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, Vân Đồn đã tổ chức lễ khởi công 4 dự án trọng điểm trong khu vực với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, gồm: Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn; Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí nằm trong khu đô thị Ao Tiên; Hạng mục khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng thuộc dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại xã Hạ Long và Cụm công nghiệp Vân Đồn. Ba trong số bốn dự án kể trên sẽ bổ sung một lượng lớn phòng lưu trú cho khách du lịch và các sản phẩm giải trí, thương mại, nghỉ dưỡng tại địa phương.
Tương tự, huyện đảo Cô Tô cũng đã được tỉnh quan tâm đầu tư về hạ tầng với nhiều dự án lớn như đường xuyên đảo, kết nối khu trung tâm với các điểm đến; Khu dịch vụ thương mại rộng 1,3ha; Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ; chỉnh trang Khu Di tích lịch sử Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô; Cảng tàu khách Cô Tô... Gần đây, nguồn vốn dành để đầu tư phát triển kinh tế du lịch, nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM tiếp tục giúp Cô Tô nâng cấp, bổ sung mới những tuyến đường tới các thôn, xóm, các điểm danh lam thắng cảnh, bãi biển, các vùng canh tác nông nghiệp. Đây chính là điều kiện để các mô hình kinh tế du lịch Cô Tô hiện đại hơn.
Theo ông Nguyễn Hải Linh, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cô Tô, tính đến nay, huyện có gần 230 cơ sở lưu trú với trên 2.800 phòng nghỉ; 35 cơ sở ăn uống và 32 điểm giải trí, đủ đáp ứng 4.000-5.000 lượt khách lưu trú. Bên cạnh việc phát triển dịch vụ homestay do các hộ dân kinh doanh theo hình thức du lịch cộng đồng, hiện nay, huyện đang tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở lưu trú từ 3-4 sao. Đồng thời, xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch đêm tại tuyến phố đi bộ để có thêm nhiều điểm đến phục vụ du khách.
Cùng với hạ tầng du lịch trên đảo, Cô Tô cũng chú trọng phát triển đội tàu, rút ngắn khoảng cách giữa đất liền và biển đảo. Các tàu chở khách thường xuyên được bảo dưỡng, nâng cấp, nhiều tàu có thể chạy trong cả điều kiện gió cấp 7-8, đảm bảo an toàn và tạo sự thoải mái cho du khách trong hành trình trên biển. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Cô Tô trở thành điểm đến được ưu tiên trong lựa chọn của du khách.
Với sự đầu tư bài bản, trong 6 tháng đầu năm, Cô Tô đón khoảng 82.000 lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, khách quốc tế ước đạt 500 lượt, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu ước đạt 205.350 triệu đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện khu vực ven biển của tỉnh có gần 1.200 cơ sở lưu trú, cung ứng trên 19.000 buồng, phòng, nhiều công trình, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trong đó Vân Đồn, Cô Tô là những trọng điểm đang dần hoàn thiện.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể du lịch Quảng Ninh đến 2020, tầm nhìn 2030, hiện Sở Du lịch đang phối hợp với Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án hoạch định phát triển sản phẩm du lịch biển đảo cụ thể cho khu vực Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô đến năm 2030. Qua đó, định hướng phát triển các sản phẩm cụ thể, đặc thù cho thị trường trong nước và quốc tế, kết nối phát triển du lịch các khu vực này, trọng tâm là khu vực Vân Đồn - Cô Tô.
Theo đó, các sản phẩm du lịch biển, đảo hướng đến những giá trị mới, được thiết lập trên cơ sở tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản của các giá trị văn hóa truyền thống… Đề án cũng đưa ra mức dự báo trong thu hút khách du lịch quốc tế, cụ thể năm 2025, huyện Vân Đồn đón 70.000 lượt khách; huyện Cô Tô đón 20.000 lượt khách. Bên cạnh đó, Đề án đưa ra các định hướng đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông; chú trọng nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng ngư dân ở các làng chài; phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao...
Ngoài ra, Đề án đưa ra định hướng về không gian và sản phẩm, hạ tầng phát triển sản phẩm, thị trường… Trong đó, tập trung nhóm thị trường cao cấp, đối tượng khách thương mại, du lịch MICE kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng; một số thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ…