Quảng Ninh: Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững
30/06/2022 | 14:34Du lịch cộng đồng không chỉ mang lại giá trị kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Để phát triển bền vững, du lịch cộng đồng cần thêm nhiều nguồn lực, nhất là sự chung tay của chính quyền và người dân.
Với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, Bình Liêu là một trong những địa phương tiêu biểu phát triển được nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc của địa phương. Trong đó phải kể đến việc duy trì hiệu quả nhiều hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch thường niên, như: Ngày hội Kiêng gió, hội hát Soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà, hội hoa sở, hội mùa vàng... Cùng với đó, trên địa bàn cũng đã hình thành các cơ sở lưu trú, homestay đặc sắc, có dấu ấn riêng biệt, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm nét sinh hoạt cộng đồng của bà con để hiểu hơn giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu...
Theo ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện: Khi du lịch mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, huyện Bình Liêu đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thu hút đông người dân và du khách. Có thể kể đến: Hội Soóng cọ 16/3 âm lịch của người Sán Chỉ tại Húc Động; chuỗi sự kiện kích cầu, phục hồi du lịch dịp 30/4 và 1/5 với ngày hội di sản then Tày, hội Kiêng gió, Đại hội thể dục thể thao. Ước tính lượng khách đến du lịch trong thời gian tổ chức các sự kiện kích cầu, phục hồi đạt gần 16.200 khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. 5 tháng đầu năm, số khách đến Bình Liêu đạt gần 27.200 lượt người, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 14 tỷ đồng.
Tại Tiên Yên, vùng đất ngã ba sông vừa thuận lợi về giao thông, vừa hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh đặc sắc, khác biệt có nhiều triển vọng xây dựng nên các sản phẩm thú vị, kích thích sự phát triển của du lịch cộng đồng. Đặc biệt, huyện đã chủ động triển khai và thực hiện các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, như: Đề án xây dựng chợ phiên văn hóa vùng cao xã Hà Lâu; làng văn hóa dân tộc Tày (thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ); phục dựng Lễ hội đình Đồng Đình (xã Phong Dụ); bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu (xã Hải Lạng)...
Tiên Yên còn đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó đầu tư gần 10 tỷ đồng hoàn thành tuyến đường mòn, các điểm nhấn cảnh quan của thác Pạc Sủi; mở rộng đường vào xã đảo Đồng Rui; đưa Trung tâm văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tại Tiên Yên với tổng diện tích trên 9ha vào hoạt động. Cùng với đó, nâng cấp chỉnh trang phố đi bộ Tiên Yên; quy hoạch, giải phóng mặt bằng các di tích lịch sử, đền thờ; phục dựng, nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống...
Ngoài các địa phương trên, toàn tỉnh có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, có điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, các mô hình du lịch cộng đồng vẫn còn khá manh mún, chưa được phát triển bài bản, chuyên nghiệp để tương xứng với tiềm năng và các giá trị văn hóa của địa phương. Đặc biệt, ở khu vực miền núi do đặc điểm địa hình khiến việc làm đường giao thông đến một số thắng cảnh du lịch tự nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa chuyên nghiệp, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khi đó, việc kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ phát triển KT-XH nói chung còn hạn chế. Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch chưa rõ nét. Bên cạnh đó, văn hóa bản địa, nhất là các giá trị truyền thống của các dân tộc, như: Nhà cổ, nét văn hóa, sinh hoạt bản địa, trang phục… đang bị mai một.
Để khắc phục những mặt còn hạn chế, phát huy mạnh mẽ lợi thế du lịch cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu của đề án hướng đến: Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện theo hướng đa dạng và chuyên nghiệp, không mang tính cạnh tranh lẫn nhau và phải có tính liên kết, kết nối chặt chẽ thông qua sự hấp dẫn của những sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển...
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 lượt khách quốc tế tham gia du lịch cộng đồng với tổng thu từ hoạt động du lịch cộng đồng đạt 6.000 tỷ đồng và tạo ra 4.200 việc làm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai du lịch cộng đồng, quan tâm đến chính sách hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nghề, hình thành sản phẩm du lịch. Đặc biệt, phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương nghiên cứu kỹ các mức hỗ trợ ở từng hạng mục cụ thể như: Đường đi lại, nhà vệ sinh, cảnh quan, điểm dừng chân, bãi đỗ xe…; quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; khảo sát ý kiến các hộ dân tham gia. Bên cạnh đó, xây dựng chiến dịch truyền thông cho các địa điểm du lịch cộng đồng; có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, hãng lữ hành…