Quảng Ninh: Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa truyền thống
21/01/2021 | 15:28Không chỉ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Quảng Ninh còn có truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa vô cùng phong phú. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để tỉnh đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) với những nét đặc trưng giàu bản sắc văn hóa của địa phương. Qua đó, xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm đến hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.
Từng bước phát huy lợi thế
Gần 10 năm triển khai và phát triển mô hình du lịch sinh thái, DLCĐ, khu du lịch Làng quê Yên Đức (TX Đông Triều) đã không còn xa lạ với nhiều du khách. Đặc biệt, nơi đây còn là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế khi muốn trải nghiệm DLCĐ tại Quảng Ninh.
Khu du lịch làng quê Yên Đức hấp dẫn du khách bởi chính khung cảnh, không gian thanh bình, yên ả, mộc mạc, mang đậm bản sắc văn hóa của làng quê Bắc Bộ. Đến với nơi đây, du khách không chỉ được thưởng ngoạn không khí trong lành, hít hà mùi lúa mới, thong dong đạp xe trên những con đường nhỏ uốn quanh làng, qua những bụi tre già xào xạc nghiêng mình trong nắng, mà còn được trải nghiệm các hoạt động một ngày làm nông dân với việc xay thóc, giã gạo, úp nơm, bắt cá, làm vườn; xem múa rối nước, tìm hiểu và được các diễn viên hướng dẫn thực hành nghệ thuật múa rối nước và thưởng thức những món ăn bình dị, đặc trưng của làng quê.
Xuất phát từ việc khai thác hiệu quả chất liệu, bản sắc văn hóa đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc Bộ cùng sự đầu tư bài bản, Khu du lịch Làng quê Yên Đức đã trở thành một trong những mô hình DLCĐ đầu tiên và thành công nhất của tỉnh, với các sản phẩm và dịch vụ được phát triển theo thời gian và đến nay đã hoàn thiện.
Vài năm gần đây, Bình Liêu cũng là địa phương được nhắc đến khá nhiều với các mô hình DLCĐ khi từng bước khai thác hiệu quả nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ), Bình Liêu có thế mạnh lớn trong phát triển DLCĐ dựa trên giá trị văn hóa truyền thống. Tuy chưa có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp như Làng quê Yên Đức, song với sự vào cuộc tích cực của địa phương, Bình Liêu đã bước đầu tạo dấu ấn với du khách bốn phương. Thông qua các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch được tổ chức thường niên như Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà, Hội hoa Sở, hội Mùa vàng... được tổ chức với rất nhiều hoạt động trải nghiệm nếp sống, sinh hoạt của bà con đến các trò chơi dân gian đã góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao.
Cùng với đó, địa phương đang tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc: Bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô), bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái (xã Vô Ngại), Sông Moóc (xã Đồng Văn), hình thành các cơ sở lưu trú, homestay đặc sắc, có dấu ấn riêng biệt... Tại các địa điểm này sẽ khôi phục, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm các nét sinh hoạt cộng đồng của bà con dân tộc để tìm hiểu giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu...
Ngoài Đông Triều, Bình Liêu, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, có điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển DLCĐ và đã triển khai tạo những kết quả bước đầu tại một số địa phương như: Quảng Yên, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà... Ngoài mô hình Làng quê Yên Đức còn có mô hình Hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo đò đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long, Ban du lịch sinh thái cộng đồng đảo Quan Lạn...
Tạo sức bật phát triển cho du lịch cộng đồng
Trong những năm qua, các mô hình DLCĐ phát triển dựa trên giá trị văn hóa truyền thống ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân các địa phương và sự phối hợp tích cực từ du khách. Song trên thực tế, các mô hình vẫn còn manh mún, chưa bền vững, chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng bởi hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phục vụ phát triển DLCĐ còn thiếu đồng bộ, đội ngũ nhân lực thiếu và yếu...
Để khắc phục những mặt còn hạn chế, phát huy mạnh mẽ lợi thế DLCĐ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu của đề án hướng đến: Phát triển DLCĐ theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phát triển DLCĐ theo hướng đa dạng và chuyên nghiêp; không mang tính cạnh tranh lẫn nhau và phải có tính liên kết, kết nối chặt chẽ thông qua sự hấp dẫn của những sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng góp phần thúc đẩy du lịch phát triển... Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 lượt khách quốc tế (khách DLCĐ). Tổng thu từ hoạt động DLCĐ đạt 6.000 tỷ đồng và tạo ra 4.200 việc làm.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích tiềm năng, hiện trạng hạ tầng, định hướng phát triển sản phẩm, không gian DLCĐ của Quảng Ninh được xác định chia thành 3 phân khu chính. Trong đó, không gian du lịch phía Đông định hướng phát triển DLCĐ dựa trên giá trị văn hóa bản địa vùng miền núi và sinh thái khu vực ven biển phía Đông, tập trung vào các địa phương: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái. Không gian du lịch phía Tây định hướng phát triển DLCĐ kết hợp du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, tập trung vào các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long (khu vực Hoành Bồ cũ). Không gian du lịch trung tâm bao gồm TP Hạ Long và huyện Vân Đồn với mục tiêu là trung tâm thu hút khách du lịch, là địa điểm kết nối với các địa phương.
Để đảm bảo việc phát triển các điểm DLCĐ có tính khả thi cao, tránh trùng lặp, đảm bảo sự kết nối với các địa bàn trung tâm du lịch, đề án cũng đã xác định 9 khu vực ưu tiên phát triển DLCĐ tại 8 địa phương gồm: DLCĐ thôn Bản Cáu, thôn Ngàn Pạt (xã Lục Hồn) và điểm DLCĐ tại thôn Khe Vằn, thôn Lục Ngù (xã Húc Động) của huyện Bình Liêu; Khu văn hóa dân tộc thiểu số vùng cao Quảng An huyện Đầm Hà; Điểm du lịch sinh thái Thác Pạc Sủi gắn với làng văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán xã Yên Than (Tiên Yên); DLCĐ Hải Sơn, xã Hải Sơn (Móng Cái); Du lịch sinh thái cộng đồng đảo Quan Lạn (Vân Đồn); Khu bảo tồn văn hóa người Dao, thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn (Ba Chẽ); Mô hình trải nghiệm tìm hiểu văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, thôn Khe Sú 1, thôn Khe Sú 2, thôn Nam Mẫu 2 (xã Thượng Yên Công), TP Uông Bí; DLCĐ nông nghiệp xã Tiền An (TX Quảng Yên).
Cùng với đó, Sở Du lịch cũng tiếp tục tham mưu cho tỉnh xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ như hỗ trợ quy hoạch, đầu tư hạ tầng tại các điểm phát triển DLCĐ; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch...
Tin tưởng với những định hướng quy hoạch, đầu tư bài bản, cụ thể, bám sát với định hướng phát triển du lịch chung của tỉnh mà Đề án đề ra sẽ là tiền đề tạo sức bật cho DLCĐ Quảng Ninh bứt phá mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.