Quảng Ninh: Giữ bản sắc văn hóa trong dòng chảy hiện đại
15/02/2024 | 10:03Văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) tạo nên sự “đa dạng trong thống nhất” của văn hóa Quảng Ninh được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đối mặt với những thách thức trong quá trình đô thị hóa, Quảng Ninh luôn xác định văn hóa con người là nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Với trên 96% dân số là đồng bào DTTS đã tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa huyện Bình Liêu. Các lễ hội đình Lục Nà, Soóng cọ, Ngày hội Kiêng gió... của huyện được duy trì tổ chức thường niên, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, tạo nên một không gian lễ hội rực rỡ sắc màu, sản phẩm du lịch thu hút du khách thập phương. Năm 2013 nghi lễ Then của người Tày ở Quảng Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2019, di sản thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mới đây, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quảng Ninh còn có nhiều ngày hội văn hóa khác, như: Ngày hội văn hóa của người Sán Chỉ xã Đại Dực (huyện Tiên Yên); ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên; ngày hội văn hóa dân tộc Dao huyện Ba Chẽ... được tổ chức thường xuyên. Các lễ hội này không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, mà còn có sự giao thoa, đan xen; trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến 4 mùa. Kết quả này là “trái ngọt” từ tư duy đổi mới, sáng tạo, đột phá của tỉnh, đặt phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, coi văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội. Tỉnh đã quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng các thiết chế văn hóa; tăng cường quảng bá...
Đó là sự đồng lòng, thống nhất, chung tay chăm lo, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của cấp ủy, chính quyền và người dân trên cơ sở phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của Vùng mỏ anh hùng.
Hình ảnh cụ ông Lý Văn Sinh (80 tuổi, thôn Đá Bạc, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả) vẫn miệt mài truyền dạy, tham gia các hoạt động văn nghệ, nhằm lưu truyền làn điệu dân gian hát soọng cô của người Sán Dìu; chị Lục Thị Cọm (thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu) sưu tầm những làn điệu soóng cọ cổ để giữ “hồn”, đặt lời mới hàng chục ca khúc để phù hợp với nhịp sống hiện đại, đưa làn điệu soóng cọ càng trở nên gần gũi hơn với thế hệ trẻ; anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Am Váp farm “bỏ phố” lên rừng, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Dao thông qua các hoạt động tham quan nhà cộng đồng, nghe giới thiệu về văn hóa bản địa học thêu thổ cẩm thưởng thức ẩm thực tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long... đã thực sự thắp lên ngọn lửa văn hóa dân tộc trong cộng đồng.
Lịch sử phát triển lâu đời, giàu truyền thống văn hóa với 210 di tích lịch sử - văn hóa, song TX Quảng Yên là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng nhất trên địa bàn tỉnh. Hòa vào xu thế phát triển, những phong tục cũ đã được sáng tạo, thay đổi, phù hợp với nhịp sống hiện đại song vẫn giữ được hồn cốt.
Bà Ngô Thị Oanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cẩm Lũy (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) chia sẻ: Làng giờ đang dần lên phố, song nhiều tục lệ của làng vẫn được chính quyền và nhân dân gìn giữ. Cứ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm, xã lại tổ chức lễ hội tại miếu Tiên Công nhằm tưởng nhớ công lao của các vị Tiên Công đã tìm ra nước ngọt, khai sinh ra khu vực đảo Hà Nam trù phú ngày nay. Bên cạnh đó, các cụ đến tuổi thượng thọ 80, 90, 100 tuổi sẽ được địa phương, gia đình, dòng họ tổ chức đám rước theo nghi lễ truyền thống, làm lễ tạ tại miếu, tổ chức lễ mừng thọ tại gia đình. Lễ rước các cụ thượng thọ lên miếu Tiên Công là truyền thống văn hóa lâu đời của người dân vùng đảo Hà Nam.
Để giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc số hóa nhằm hòa nhịp công nghệ đang được tích cực thực hiện, như: Mã QR tại điểm du lịch, xây dựng ứng dụng du lịch, thiết lập cẩm nang du lịch trên nền tảng số, công nghệ thuyết minh tự động các hiện vật...
Xã lên phường, huyện lên thị xã, rồi thành phố nằm trong tiến trình tất yếu của đô thị hóa. Để văn hóa truyền thống trở thành sức mạnh nội sinh, động lực to lớn, tạo đà cho sự phát triển, tạo thành bản sắc trong dòng chảy văn hóa, điều quan trọng là chắt lọc những giá trị truyền thống, bồi đắp giá trị của thời đại, sáng tạo cùng thời gian, qua đó tạo hành trang văn hóa mới cho mỗi người dân khi bước vào một giai đoạn phát triển mới, xây dựng Quảng Ninh với các đặc trưng Thiên nhiên tươi đẹp- Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.