Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Đưa lễ hội, phong tục đẹp đến với du khách

10/06/2024 | 11:29

Ngoài cảnh quan, ngày càng có nhiều lễ hội truyền thống, các phong tục đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được các địa phương chú trọng bảo tồn, phát huy trở thành "đặc sản" gây thương nhớ cho du khách.

Quảng Ninh: Đưa lễ hội, phong tục đẹp đến với du khách - Ảnh 1.

Đám cưới người Sán Chỉ cùng nhiều lễ hội, nét đẹp phong tục được Bình Liêu quan tâm phục dựng, phục vụ phát triển du lịch.

Một trong những địa phương tiêu biểu là huyện Bình Liêu với các lễ hội truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương. "Để nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS đi vào cuộc sống, chúng tôi quan tâm bảo tồn, sưu tập, phục dựng những giá trị đặc sắc; chọn lựa và đưa chúng thành nguyên liệu cho các sản phẩm, trải nghiệm cho các hành trình du lịch. Điều thú vị là du khách rất ưa thích" - ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng VH-TT Bình Liêu, chia sẻ.

Theo đó, các lễ hội truyền thống được tổ chức với phần lễ trang nghiêm và phần hội sôi nổi, đặc sắc cùng nhiều hoạt động đa dạng theo truyền thống, chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử bất biến theo thời gian, như Lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ (16/3 âm lịch), Ngày hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán (4/4 âm lịch)... Đến đây, du khách được thưởng thức tiếng hát then - đàn tính, các làn điệu soóng cọ, sán cố, tấu kèn Piêng diệt...

Ngoài Bình Liêu, nhiều địa phương cũng dần "định vị" được thương hiệu điểm đến bằng các lễ hội đặc sắc. Ba Chẽ có các Lễ hội Bàn Vương, miếu Ông - miếu Bà, đình Làng Dạ, Ngày hội văn hóa dân tộc Tày, Sán Chay... Tiên Yên có sức hút của Lễ hội mùa vàng vùng cao Đại Dực, lễ hội các dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu... gắn với nghi lễ đặc trưng, như: Lảu then, cầu mùa, cấp sắc, đại phan. Hay đó là lễ hội cầu an Sóng Mun người Dao Thanh Y (Hải Hà), lễ hội hoa sim vùng cao Hải Sơn (Móng Cái)... Tới đây, du khách được đắm chìm trong cảnh đẹp, sắc màu trang phục thổ cẩm của các cô gái Tày, Sán Chay; ấn tượng với các nghi thức đặc sắc của lễ cấp sắc, nhảy lửa...

Không chỉ vậy, nhiều nét đẹp phong tục, các nghi lễ đặc sắc của đồng bào cũng được lựa chọn, phục dựng và trở thành nguyên liệu cho những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút sự tò mò khám phá của khách du lịch, như: Đám cưới người Dao ở xã Hà Lâu, người Sán Dìu ở xã Hải Lạng (Tiên Yên), đám cưới người Sán Chỉ trên rẻo cao xã Lục Hồn (Bình Liêu); lễ cơm mới, trình diễn trang phục người Dao và các dân tộc ở Bình Liêu; tục leo dao trong lễ Đại Phan người Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn), lễ nhảy lửa ở xã Nam Sơn (Ba Chẽ)...

Hiện nay, nhiều địa phương đang nỗ lực khôi phục, tổ chức thường niên các lễ hội truyền thống tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa. Đơn cử, ở TP Hạ Long có các lễ hội văn hóa truyền thống như hội làng Bằng Cả, lễ cầu an đầu năm của người Sán Dìu (phường Hà Phong); TX Đông Triều tổ chức trình diễn nghệ thuật dân gian người Tày (xã Tràng Lương) phục vụ du khách ở Quảng Ninh Gate...

Quảng Ninh: Đưa lễ hội, phong tục đẹp đến với du khách - Ảnh 2.

Lễ Đại phan với các nét văn hóa độc đáo, tạo điểm nhấn thu hút du khách trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên năm 2023.

Tuy nhiên, hiện việc phát huy các giá trị trên phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế. Nhiều lễ hội, nét đẹp phong tục tập quán được phục dựng, tổ chức thiếu đặc sắc, còn chung chung hoặc chưa được quan tâm do thiếu nguồn kinh phí.

Được biết, gần đây UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, quan tâm phát huy giá trị văn hóa người DTTS bằng việc tiếp tục tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với phát triển du lịch; quan tâm các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người DTTS; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy... văn hóa phi vật thể.

Giai đoạn I, từ năm 2021-2025 (triển khai năm 2024-2025), tỉnh cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng một số hạ tầng khác, phục vụ phát triển du lịch. Tin rằng, dự án sẽ là đòn bẩy giúp giữ gìn, khai thác tốt những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS cho phát triển du lịch, góp phần để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững của đồng bào trong thời gian tới đây.

Theo Báo Quảng Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×