Quảng Ninh: Đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới
18/01/2024 | 10:04Những năm qua, cùng với thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, Quảng Ninh đã tích cực triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025”. Qua đó đã góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ vùng DTTS được tham gia bình đẳng các lĩnh vực đời sống xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giới trên địa bàn.
Để tránh sự trùng lặp, chồng chéo về mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ thực hiện, sự phân công nhiệm vụ cho các đơn vị; đồng thời tiết kiệm ngân sách trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới từ các dự án, chính sách, kế hoạch có cùng mục tiêu, UBND tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 04/6/2018 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào Kế hoạch số 255/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Trên cơ sở các kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Dân tộc đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao thực hiện; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai, trong đó đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở cấp xã, thôn, bản; tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới; thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lý nhà nước.
Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp nhịp nhàng. Các hoạt động truyền thông (hội nghị, sân khấu hóa, phát thanh, truyền hình, báo chí...) tiếp tục được tăng cường triển khai thực hiện nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống bất bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể về công tác bình đẳng giới tại địa phương.
Đơn cử trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh và Sở Tư pháp đã tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền, phổ biến và tập huấn về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tới 770 đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, trưởng thôn/khu, trưởng ban công tác mặt trận và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, bản, khu phố, tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín tại 8 địa phương. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa “Hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” tại địa bàn 2 xã vùng DTTS và miền núi của huyện Ba Chẽ và huyện Đầm Hà.
Trung tâm Truyền thông tỉnh đã tổ chức sản xuất nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên các hạ tầng của đơn vị; lồng ghép trong các chương trình “Dân tộc và miền núi”, “Truyền hình tiếng Dao”, “Dân số và hạnh phúc”…
Các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú đã phối hợp với các ngành chức năng (Dân số, Công an, Tư pháp, Y tế...) tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; duy trì hoạt động của CLB Sức khỏe sinh sản vị thành niên, tổ tư vấn tâm lý; lồng ghép nội dung bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào môn học...
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, các giải pháp khác được quan tâm thực hiện. Việc quan tâm, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực cán bộ nữ, được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Cùng với đó, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị các cấp, giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Trong lĩnh vực kinh tế, tiến hành lồng ghép giới trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo; tập trung nhiều giải pháp để nâng tỷ lệ phụ nữ được vay vốn phát triển sản xuất. Vấn đề hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho nữ thanh niên, đặc biệt là đối với nữ thanh niên khu vực nông thôn, khu vực miền núi được quan tâm triển khai. Phụ nữ vùng DTTS và miền núi đã được vay vốn ưu đãi, đặc biệt hầu hết phụ nữ làm chủ hộ đã được vay vốn phát triển sản xuất, được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và nâng cao tính bền vững trong xóa đói giảm nghèo.
Năm 2023, toàn tỉnh có 288 nữ cán bộ DTTS được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 11 nữ cán bộ DTTS được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo đúng quy định. Hiện nay, trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh đang duy trì 3 mô hình thí điểm phòng chống bạo lực giới, tình trạng tảo hôn, ép hôn trong nhóm đồng bào DTTS với 9 CLB tại 3 địa phương Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS ở Quảng Ninh không phải là vấn đề nóng, phức tạp. Bởi nhận thức trong nhân dân vùng DTTS và miền núi đã được thay đổi, cải thiện rõ rệt trong nhiều năm qua. Song vẫn còn tồn tại, khó khăn, một số hộ gia đình do trình độ nhận thức, cố hữu, định kiến giới vẫn còn nặng nề.
Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các ngành, địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình thực tế, phát hiện những khó khăn, bất cập để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách cụ thể liên quan đến công tác bình đẳng giới trong đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.