Quảng Ninh: Đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân
12/06/2023 | 10:00Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của đời sống xã hội, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Thấm nhuần quan điểm đó, trong những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư, chăm lo cho công tác phát triển văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Chăm lo toàn diện
Những năm qua, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa gắn liền với triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được các địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được nâng lên. Điểm nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở những năm qua là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, các tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, đã tạo được phong trào thi đua rộng lớn từ trong mỗi gia đình, trên địa bàn dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học.
Theo đó, từng đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn, triển khai nội dung thi đua, tập trung vào những vấn đề thực tiễn tại cơ sở như: Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng các tuyến đường tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp; duy trì tổ hòa giải ở cơ sở để giải quyết kịp thời những mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng hoạt động, tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao... 100% các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh cũng được hoàn thành xây dựng và ban hành hương ước, quy ước. Với nội dung được sửa đổi, bổ sung, loại bỏ những điều, khoản cũ, bổ sung những điểm mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật, các hương ước, quy ước tiếp tục phát huy vai trò là thiết chế tự quản của cộng đồng, góp phần tăng thêm tinh thần cố kết cộng đồng, xây dựng nếp sống ngày càng văn minh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 338.234/355.805 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 95%; 1.394/1.452 làng, khu phố văn hoá, đạt 96%; 98/98 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 100%; 54/79 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 68,4%...
Cùng với đó, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao quần chúng được duy trì tổ chức thường niên thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh, các ngành, liên hoan Tiếng hát khu dân cư, hội thi Họa mi vàng; Ngày Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân... Qua đó, nhằm thúc đẩy phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong cộng đồng, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng tài năng về văn hóa, nghệ thuật, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống.
Những chuyển biến tích cực
Dạo quanh một vòng đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) từ khu vực Quảng trường 30/10 đến khu vực Bãi tắm Hòn Gai vào tối cuối tuần từ thứ 6, thứ 7, chủ nhật, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được không khí vui tươi, nhịp sống hiện đại, văn minh của người dân thành phố bên bờ di sản. Đó là hình ảnh từng nhóm các chị em đang tập thể dục với những bài tập aerobic, nhảy dân vũ sôi động; hình ảnh trẻ trung, vui tươi của những bạn trẻ đang tham gia chương trình âm nhạc đường phố tại Quảng trường 30/10; hay hình ảnh gần gũi, bình dị của những gia đình từ ông bà, cha mẹ, con cháu đang cùng nhau đạp xe, đi bộ thư giãn hay tập thể dục với những dụng cụ thể thao ngoài trời vừa vui vẻ trò chuyện…
Chị Nguyễn Thị Thư (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) chia sẻ: Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ngày càng đồng bộ, các hoạt động văn nghệ thể thao lành mạnh do địa phương tổ chức thường xuyên đã mang đến không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích, phù hợp với mọi lứa tuổi, giúp mọi người, nhất là thanh thiếu nhi chủ động tránh xa tệ nạn xã hội.
Không chỉ tại Hạ Long, nhiều địa phương trong tỉnh cũng tổ chức và duy trì hiệu quả các mô hình sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ vào dịp cuối tuần như Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái, Cô Tô… với các hoạt động như: Tổ chức các chương trình ca nhạc miễn phí phục vụ nhân dân, giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, ẩm thực, mua sắm…. Chiếm phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, sở hữu nền văn hóa truyền thống đặc sắc, các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ… thời gian qua đều duy trì việc tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; xây dựng các đề án bảo tồn văn hóa, từng bước khai thác và đưa tài nguyên văn hóa thực sự trở thành động lực cho phát triển KT-XH.
Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, trong đó tập trung xây dựng và nâng cấp các công trình thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn, nhiều công trình mang tầm khu vực và quốc tế. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh cơ bản đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Cấp tỉnh có hệ thống thiết chế Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh, Sân vận động Cẩm Phả; Cung Văn hóa thanh thiếu nhi, Cung Văn hóa lao động Việt - Nhật. Cấp huyện có 13/13 thư viện, 12/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất Trung tâm Văn hoá, thể thao. Cấp xã có 75/177 Nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn. Cấp thôn có 1.448/1.452 Nhà văn hóa thôn, khu phục vụ hiệu quả nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa, thể thao của nhân dân.
Vai trò lãnh đạo, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân đã và đang khơi dậy, phát huy tinh thần chủ động, tính tích cực, vai trò tự quản và sáng tạo của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.