Quảng Ninh: Đảm bảo chất lượng xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
22/02/2022 | 09:13Thời gian qua, vai trò của các hương ước, quy ước ở mỗi khu dân cư ngày càng được khẳng định, góp phần củng cố hoạt động tự quản tại cộng đồng, xây dựng môi trường sống văn hóa, tiến bộ. Để các hương ước, quy ước bám sát yêu cầu đời sống, công tác xây dựng, tổ chức thực hiện phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định hiện hành.
Hương ước, quy ước là văn bản quy phạm xã hội quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân. Từ năm 2018, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh được tiến hành theo hướng dẫn tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, việc soạn thảo được tiến hành tại mỗi thôn, tổ dân phố, có sự góp ý của đông đảo nhân dân; thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước sau đó thuộc UBND cấp huyện; công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện sẽ do UBND các cấp chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp và các tổ chức thành viên của mặt trận. Đây cũng là quy trình cần thực hiện khi tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước. Mỗi cá nhân, hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố có trách nhiệm tự tìm hiểu, tôn trọng, tuân thủ theo hương ước, quy ước đã được cộng đồng thông qua, được công nhận theo đúng quy định.
Với cách làm này, 100% khu dân cư trong toàn tỉnh đều đã xây dựng được hương ước, quy ước với nội dung bám sát yêu cầu thực tế địa bàn dân cư. Nội dung các hương ước, quy ước ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để mọi người thuận tiện làm theo; chủ yếu tập trung vào điều chỉnh các quan hệ tự quản tại cộng đồng dân cư, như: Bảo vệ trật tự trị an, phát triển sản xuất, giải quyết các tranh chấp, phòng chống tệ nạn xã hội, chính sách dân số... Trong đó vừa nêu rõ nghĩa vụ của từng cá nhân đối với cộng đồng nơi cư trú, vừa xác định rõ trách nhiệm của tập thể trong việc bảo vệ, giúp đỡ từng thành viên trong cộng đồng. Ngoài ra, tùy theo đặc thù phong tục riêng theo vùng miền, dân tộc mà nội dung hương ước, quy ước còn có điểm khác nhau khi đi sâu vào hướng dẫn bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội...
Tiêu biểu trong năm 2021, nhân ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11), các ban công tác mặt trận của 100% thôn, khu phố trong toàn tỉnh đã tiến hành lấy ý kiến, biểu quyết của nhân dân về việc bổ sung vào hương ước, quy ước các quy tắc ứng xử theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 để phù hợp với tình hình mới. Nội dung này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, phản ánh rõ về tinh thần đoàn kết, nhận thức rất cao của các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ đẩy lùi đại dịch cần có sự chung tay, góp sức của mỗi người, bắt đầu từ việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt mỗi ngày. Đơn cử như tại huyện Đầm Hà, nội dung mới được bổ sung vào hương ước, quy ước các thôn, khu phố bao gồm: Mỗi người tự giác tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K; tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi đủ điều kiện sức khỏe; từng gia đình có trách nhiệm tìm hiểu, tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế, chính quyền địa phương; đảm bảo nguyên tắc “3 an toàn” (cá nhân an toàn, gia đình an toàn, cộng đồng an toàn)...
Trong năm 2022, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước sẽ được Sở VH&TT, các đơn vị, địa phương phối hợp kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn mới nhất của Bộ VH-TT&DL (Quyết định số 113/QĐ-BVHTTDL ngày 19/1/2022). Theo đó, Sở VH&TT sẽ trực tiếp tổ chức và chỉ đạo cơ quan cấp huyện, cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá về nội dung, quy trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; việc lồng ghép nội dung về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.