Quảng Ninh: Chuyển đổi số - Hướng đi tất yếu để phát triển bền vững du lịch
23/04/2022 | 08:01Phương thức tiếp cận khách hàng, quảng bá, giao dịch, thanh toán dịch vụ… đang được ngành du lịch Quảng Ninh dịch chuyển dần sang môi trường số, thay vì phương thức truyền thống như trước. Cùng với đó là nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, với mục tiêu đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến Quảng Ninh.
Đa dạng cách thức quảng bá, giới thiệu
Thay vì mua vé giấy như trước kia, bắt đầu từ ngày 1/4/2022, du khách tham quan Vịnh Hạ Long sẽ được áp dụng hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan vịnh và dịch vụ hành khách qua cảng. Với tiện ích này, các thông tin về du khách sẽ được số hóa và lưu trữ bảo mật, thuận tiện cho công tác quản lý, tra cứu, xử lý tình huống phát sinh một cách nhanh chóng. Đây cũng là bước tiến quan trọng để du lịch Hạ Long ngày một hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập.
Trải nghiệm tiện ích mới này, du khách Nguyễn Hương Giang đến từ tỉnh Hòa Bình, chia sẻ: Việc triển khai hóa đơn điện tử đã thể hiện sự chuyên nghiệp của du lịch Quảng Ninh. Điều này cũng khẳng định Quảng Ninh đang tích cực thay đổi để bắt nhịp với xu thế chung của thế giới, khi công nghệ ngày càng phát triển và trở thành công cụ đắc lực cho các lĩnh vực.
Không chỉ áp dụng hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan Vịnh Hạ Long, tới đây ngành du lịch Quảng Ninh cũng dự kiến đưa vào hoạt động hệ thống bán vé tự động, cổng điện tử tra cứu thông tin tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng khách quốc tế Hạ Long, nhằm tạo thuận tiện cho du khách trên hành trình tham quan Vịnh Hạ Long.
Nhận thấy chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là hướng đi tất yếu, những năm gần đây, ngành du lịch Quảng Ninh đã chú trọng mục tiêu này. Bước đi đầu tiên phải kể đến Dự án ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch triển khai từ năm 2018.
Theo đó, tỉnh đã đầu tư hơn 100 điểm phát wifi công cộng miễn phí tại các khu vực sân bay, bến xe bus, địa điểm du lịch trên địa bàn để hỗ trợ người dân, du khách trong tra cứu các điểm đến. Cùng với đó là lắp đặt hệ thống camera giám sát ở một số hang động lớn như Đầu Gỗ, Thiên Cung… và hệ thống định vị GPS trên các tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được ngành du lịch đẩy mạnh trên cơ sở tận dụng tối đa nền tảng công nghệ số. Cuối năm 2021, huyện Cô Tô đã tổ chức livestream trực tuyến, giới thiệu điểm đến qua fanpage Du lịch Cô Tô - Quảng Ninh. Suốt chương trình trực tuyến, du khách được tham quan nhiều địa điểm, danh thắng và trải nghiệm các dịch vụ ẩm thực độc đáo của địa phương thông qua “hướng dẫn viên online”. Đây được xem là hướng đi mới, sáng tạo của ngành du lịch nhằm tăng cường kết nối với du khách.
Không chỉ riêng Cô Tô, hiện tỉnh cũng đang vận hành, khai thác hiệu quả fanpage Thông tin Du lịch Quảng Ninh trên mạng xã hội facebook để quảng bá, giới thiệu các điểm đến. Fanpage này đang có hơn 30.000 người theo dõi và được đánh giá là kênh quảng bá du lịch tin cậy của Quảng Ninh. Song song với đó là cổng thông tin du lịch tại 2 địa chỉ website: halongtourism.com.vn và discoverhalong.com.
Tại các địa chỉ này, du khách có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin về điểm đến, dịch vụ giải trí, các lễ hội, ẩm thực độc đáo, cơ sở lưu trú, mua sắm... cùng bản đồ số du lịch, hướng dẫn đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch…
Cơ hội cho du lịch bứt phá
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng từ trải nghiệm chân thực, phong phú, đến cam kết tính minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện, mà còn mang lại nhiều lợi ích trong quá trình phục hồi, cũng như định hướng phát triển ngành du lịch. Vì vậy, việc đầu tư cho chuyển đổi số sẽ giúp du lịch của Quảng Ninh bắt kịp với sự phát triển của các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực.
Xác định rõ mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ du lịch thông minh như: Thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... vào phục vụ du khách. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D…
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Trong năm 2022, sở sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách, tạo môi trường du lịch an toàn tối đa. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, sử dụng các tiện ích phục vụ tốt hơn đối với người dân và du khách.
Sắp tới, ngành du lịch Quảng Ninh cũng đang xây dựng phương án triển khai thí điểm mô hình phố thông minh không dùng tiền mặt tại khu du lịch Tuần Châu (TP Hạ Long). Dự kiến sẽ có khoảng 140 điểm kinh doanh, mua sắm, cửa hàng kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia mô hình này. Mô hình được triển khai thành công không chỉ tạo thuận lợi cho du khách khi trải nghiệm các dịch vụ tiện ích trong quá trình du lịch tại Quảng Ninh, mà còn giúp ngành du lịch Quảng Ninh ghi điểm đối với bạn bè trong nước, quốc tế, là điểm đến lý tưởng, thân thiện, hiện đại và chuyên nghiệp.