Quảng Ninh: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
05/09/2023 | 10:26Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, đầu tư, xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển văn hóa mang bản sắc của Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Gìn giữ vốn quý
Những ngày cuối tháng 8 vừa qua, không khí rộn ràng, vui tươi của Tuần Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV, Ngày hội Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh năm 2023 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách bốn phương.
Với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc như: Hội thi Vua gà huyện Tiên Yên, Hội thi ẩm thực gà Tiên Yên, Liên hoan ẩm thực đường phố, Lễ hội nghệ thuật đường phố... Sự kiện đã mang đến một không gian sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, nhiều màu sắc, góp phần khẳng định dấu ấn Quảng Ninh - một vùng đất giàu bản sắc văn hóa.
Bà Nông Thị Hảo (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) chia sẻ: Được tham gia các hoạt động của Tuần Văn hóa -Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh chúng tôi rất phấn khởi. Từ nhiều năm nay, dịp này đã thực sự trở thành ngày hội, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, để mỗi người dân chúng tôi thêm yêu, tự hào về truyền thống văn hóa quê hương.
Kết quả này có được đã phần nào minh chứng cho sự đầu tư, dành nguồn lực xứng đáng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc đưa tài nguyên văn hóa được khai thác đúng hướng, hiệu quả.
Văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp của hai yếu tố: Những nét văn hóa truyền thống chắt lọc tinh hoa của khắp các vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời từ sản xuất, và mang đậm hơi thở của cuộc sống công nghiệp hiện đại, góp phần làm cho kho di sản văn hóa của Quảng Ninh ngày càng thêm phong phú, đa dạng.
Từ năm 2018, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; trở thành nguồn lực quan trọng để hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh cũng tiếp tục xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể. Trước hết thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ. Theo đó, các địa phương đã triển khai xây dựng các đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Tày, Dao, Sán Chỉ (Bình Liêu); Sán Dìu (Vân Đồn)...
Tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 600 di tích lịch sử và danh thắng và 362 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 7 loại hình. Trong 5 năm (2018-2022), tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học và đã được xếp hạng 25 di tích. Đặc biệt, UBND tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” công nhận là Di sản thế giới để trình lên UNESCO trước ngày 30/9/2023 và hồ sơ chính thức sẽ được trình lên UNESCO trước ngày 31/12 năm nay.
Cùng với đó, tỉnh và các địa phương đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh với tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, địa phương và xã hội hóa gần 3.300 tỷ đồng.
Phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa
Quảng Ninh có lợi thế hiếm có khi sở hữu hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, là Vịnh Hạ Long đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là Yên Tử đang trên hành trình vươn tới danh hiệu di sản thế giới... Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, những giá trị văn hóa quý giá, khác biệt, này luôn được tỉnh trân trọng, bảo tồn và phát huy.
Việc phát huy “sức mạnh mềm văn hóa”, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững được Quảng Ninh tập trung thực hiện thông qua việc thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các tầng lớp nhân dân; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện...
Theo đó, tỉnh đã có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại với các công trình nổi bật như Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Quảng trường 30/10; Thư viện, Bảo tàng Quảng Ninh; Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc... Qua đó, tạo những điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh và đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm thu hút tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế.
Tỉnh cũng đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị một số Làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” gắn với quan tâm phục dựng các lễ hội truyền thống, lễ hội đồng bào các dân tộc, bảo tồn một số bộ môn nghệ thuật dân tộc để trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên như lễ hội Carnaval, lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội Hoa sở, Lễ hội Trà hoa vàng... vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa, du lịch riêng có, độc đáo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.