Quảng Ninh: Bảo tồn, phát huy lễ hội để phát triển du lịch miền núi, hải đảo
28/12/2023 | 10:37Các địa phương khu vực miền núi, hải đảo của Quảng Ninh có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số. Đây chính là điều kiện, nguồn tài nguyên quý để thúc đẩy du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Việc bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có các hoạt động lễ hội, gắn với phát triển du lịch đã mang lại nhiều hiệu quả, dấu ấn riêng.
Sức hút từ các lễ hội đậm màu sắc dân tộc
Với đặc điểm của vùng đất ngã ba sông, nơi có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của 13 dân tộc anh em, huyện Tiên Yên rất quan tâm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số. Đưa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vào trong các nhiệm vụ của Nghị quyết, Tiên Yên còn xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý nhà nước về lễ hội; phục dựng các lễ hội truyền thống; tích cực gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Trong năm 2023, địa phương này đã tổ chức thành công 4 lễ hội cấp huyện gắn với đặc trưng văn hóa của người dân tộc thiểu số bản địa. Đó là Lễ hội Đồng Đình gắn với Ngày hội văn hóa thể thao (VHTT) dân tộc Tày thời điểm tháng 2 đầu xuân, Lễ hội VHTT dân tộc Sán Chỉ gắn với mùa vàng vùng cao Đại Dực vào tháng 10, Lễ hội văn hóa dân tộc Dao trong tháng 12 gắn với chợ phiên vùng cao Hà Lâu, Lễ hội đền Đức ông Hoàng Cần gắn với Ngày hội VHTT dân tộc Sán Dìu tại xã Hải Lạng trong tháng 11.
Đặc biệt, trong tháng 8, diễn ra Tuần VHTT các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV với chủ đề “Tiên Yên - nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh” có sự tham gia của 9 địa phương trong tỉnh và 3 địa phương của tỉnh Lạng Sơn, mang theo những sắc màu văn hóa riêng có, tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc. Sự kiện kết hợp với chuỗi các hoạt động như: Hội thi Vua gà, Lễ hội Nghệ thuật đường phố... đã thực sự trở thành ngày hội lớn của người dân Tiên Yên và thu hút đông đảo du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Các lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân và từng bước xây dựng thương hiệu Tiên Yên là điểm đến du lịch văn hóa, nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc. Nhờ đó, năm 2023, lượng khách du lịch đến Tiên Yên đã đạt 121 ngàn lượt khách.
Chị Đinh Thị Quỳnh Hương, du khách đến từ Hạ Long, chia sẻ: Lần đầu tiên đến Tiên Yên tham gia hoạt động của Tuần VHTT các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, tôi thấy các trải nghiệm đều vô cùng thú vị. Vừa được xem nghi lễ của các dân tộc thiểu số trình diễn trên sân khấu, lại vừa được hòa vào dòng người trong Lễ hội đường phố với các trang phục dân tộc độc đáo, rất ấn tượng.
Không riêng ở Tiên Yên, trong năm 2023, nhiều địa phương miền núi, hải đảo trong tỉnh đã tổ chức các sự kiện lễ hội VHTT mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, vừa để giữ gìn nét văn hóa đặc trưng, vừa tạo sản phẩm hấp dẫn khách du lịch.
Khởi động du lịch hè 2023, từ ngày 29/4 đến gần hết tháng 5, huyện Bình Liêu tổ chức Ngày hội VHTT các dân tộc huyện với Hội Soóng cọ, Hội Kiêng gió cùng nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc Dao, Sán Chỉ. Đến thời điểm mùa du lịch thu đông, địa phương này lại tiếp tục tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng huyện Bình Liêu gồm nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo xuyên suốt tháng 10 tới đầu tháng 11 tại xã Lục Hồn như: Trải nghiệm lễ mừng cơm mới; trải nghiệm leo núi và cắm trại; tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; trình diễn trang phục dân tộc tại các khu ruộng bậc thang, nhà văn hóa thôn, sân thể thao; trải nghiệm và biểu diễn dù lượn “Bay trên Mùa vàng”...
Còn tại Ba Chẽ, giữa tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên Ngày hội văn hóa dân tộc Tày được tổ chức đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người Tày tại địa phương. Đồng thời, huyện vẫn duy trì Lễ hội Bàn Vương độc đáo của người Dao… Các lễ hội đều thu hút rất đông người dân, du khách muốn khám phá bản sắc dân tộc về với các huyện miền núi này để trải nghiệm, vui chơi.
Cùng với đó, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều khôi phục và phát huy các lễ hội của đồng bào các dân tộc nhằm hút du khách. Tiêu biểu như: Xã Quảng An (Đầm Hà), xã Hải Sơn (Móng Cái), xã Bằng Cả (Hạ Long)…
Đẩy mạnh khai thác, quảng bá tiềm năng du lịch từ lễ hội
Cụ thể hóa Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn. Đặc biệt với khu vực miền núi, hải đảo, vốn là địa bàn khó khăn trong phát triển kinh tế, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, các địa phương đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho phát triển du lịch bền vững.
Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn). Đây sẽ là những “bảo tàng sống” nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch bền vững.
Ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, khẳng định: Huyện Tiên Yên rất quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Huyện đã triển khai có hiệu quả các đề án về văn hóa, chú trọng đi vào văn hóa của 4 dân tộc chiếm dân số đông, 4 lễ hội lớn, bố trí nguồn lực để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong huyện.
Có thể thấy, thời gian qua nhiều địa phương miền núi, hải đảo của tỉnh đã có sự sáng tạo, chủ động trong khâu tổ chức, đầu tư nhân lực, vật lực để nâng tầm các lễ hội vừa mang đậm dấu ấn văn hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. Các hoạt động trong lễ hội được tổ chức hấp dẫn trên cơ sở khôi phục giá trị, nét đặc sắc văn hóa các dân tộc bản địa, từ đó tăng cường hoạt động trải nghiệm cho du khách. Du khách đến với các sự kiện đều ấn tượng với các tiết mục biểu diễn âm nhạc dân tộc như: Hát then, hát soóng cọ…; các nghi lễ Cầu mùa, Cấp sắc, lễ rước dâu… của đồng bào dân tộc Dao; lễ Đại phan của dân tộc Sán Dìu; lễ thôi nôi của người Tày… trong các sự kiện. Chính các nghi lễ được sân khấu hóa đã góp phần tạo điểm nhấn cho các sự kiện và thu hút du khách bởi điểm độc đáo, riêng có.
Không chỉ vậy, du khách còn được hòa mình vào các hoạt động lễ hội như chính những người dân bản địa bằng việc trải nghiệm ẩm thực, các trò chơi dân gian của các dân tộc, khoác lên mình những trang phục rực rỡ sắc màu của từng dân tộc, "check-in" tại những nơi diễn ra lễ hội đầy hào hứng...
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Mặc dù đã thu hút được đông du khách song huyện Bình Liêu vẫn tiếp tục quan tâm nâng cao dịch vụ, sản phẩm du lịch để níu chân du khách ở lại lâu hơn bằng cách nỗ lực khôi phục lại các lễ hội truyền thống gắn với sự tham gia của người dân. Đồng thời, sưu tầm một số nét văn hóa, món ăn, nguyên liệu, dược liệu theo mùa, theo vùng để bảo tồn và chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc sắc.
Cùng với đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá về các lễ hội cũng được các địa phương đổi mới, đa dạng hóa cả nội dung, hình thức trên cả phương tiện truyền thông đại chúng và các trang mạng xã hội; đưa lễ hội của các dân tộc thiểu số "đi xa" hơn, được du khách trong và ngoài tỉnh biết tới.
Việc tổ chức các lễ hội trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch không chỉ tạo không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Đây được coi là hướng đi để phát triển du lịch bền vững cho các địa phương miền núi, hải đảo của tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa từ chính giá trị văn hóa của họ, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao hơn ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại.