Quảng Nam: Thúc đẩy du lịch nông thôn
27/04/2021 | 15:31Phục hồi các thiết chế văn hóa truyền thống, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, nghiên cứu nâng cấp, phục dựng các lễ hội dân gian đặc sắc sẽ giúp du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn tiếp tục khởi sắc.
Thăm thú gì ở làng quê xứ Quảng?
Khi tác động của dịch Covid-19 vẫn đang âm ỉ, xu thế chuộng các điểm đến có không gian thông thoáng, không quá đông đúc ngày càng được du khách ưa chuộng. Không gian làng quê của Quảng Nam rất đa dạng, nhưng các điểm đến cũng cần phải có đặc trưng nổi trội, không trùng lắp thì mới có khả năng phát triển du lịch tốt.
Ở làng du lịch cộng đồng Tam Hải (Núi Thành), rạn san hô khoảng 96ha là một tài nguyên du lịch quý giá. Tại làng du lịch sinh thái cộng đồng Hố Giang Thơm lại có đàn vọoc chà vá chân xám hiền lành, tạo điểm nhấn thú vị.
Về làng Hương Trà (TP.Tam Kỳ), những hàng sưa và vườn cừa cổ thụ có tuổi đời lên đến 300 năm là phong cảnh khó bỏ qua. Còn ghé làng Đại Bình (Nông Sơn), du khách chắc hẳn mong muốn được lạc vào những vườn cây trái lúc lỉu quả và mát rười rượi…
Nhiều năm qua, những ngôi làng xứ Quảng như Cẩm Thanh (Hội An), Triêm Tây (Điện Bàn), Lộc Yên (Tiên Phước)… đã chinh phục được trái tim của du khách. Rong ruổi nơi đâu cũng thấy bạt ngàn xanh mướt của rừng dừa, bờ tre, hàng chè tàu, cổng ngõ bờ đá.
Và điều quan trọng là những người làm du lịch đã lồng ghép được giá trị đó vào các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách để họ được trải nghiệm một cách tự nhiên, chân thực nhất.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, làm du lịch cộng đồng dễ mà khó, ở đó rất cần sự tâm huyết và vào cuộc đồng bộ chứ không chỉ riêng ngành du lịch.
"Ở loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp khó nhất là khâu giải phóng mặt bằng; nếu xong rất dễ triển khai và sớm có sản phẩm tốt. Còn với du lịch làng quê, cộng đồng, việc duy trì đam mê làm du lịch của người dân cũng như chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các chủ thể là điều không dễ dàng" - ông Lê Trí Thanh nói.
Kiến tạo cho điểm đến
Những giá trị văn hóa, tự nhiên đặc sắc ở nông thôn xứ Quảng tựa như "viên ngọc thô" cần được mài giũa trước khi trình làng đến khách du lịch. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, hỗ trợ kinh phí để thành lập câu lạc bộ dân ca bài chòi và truyền dạy tại tất cả các xã xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo ngành giáo dục đưa dân ca vào giảng dạy ở trường học…
Để xây dựng được du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn không chỉ là điểm đến nhất thời theo xu thế hoặc theo mùa, là điều không thể một sớm, một chiều.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, huyện đã và đang triển khai lấy làng Đại Bình làm điểm trung tâm để lan tỏa không gian du lịch rộng hơn. Địa phương cũng đang hợp đồng với một kiến trúc sư xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản trong thời gian tới.
Còn ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ thông tin, ngoài sản phẩm đặc sắc nhất là hoa sưa, địa phương cũng quan tâm chỉnh trang làng mạc, cây bản địa, tường rào xanh để tạo điểm nhấn cho khách khi đến với làng Hương Trà. Hiện nay, thành phố đang triển khai làm quy hoạch 56ha làng Hương Trà, từ đó mới có thể xây dựng các sản phẩm công trình kiến trúc, cảnh quan, nghệ thuật… phù hợp phục vụ du lịch bền vững.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, người dân làm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh hầu như vẫn thụ động và lệ thuộc vào Nhà nước rất nhiều.
"Ngoài sự hỗ trợ thiết thực, cơ quan chức năng cần tập trung nguồn lực xây dựng các cơ chế thì hay hơn và nó rất quan trọng. Đơn cử như một doanh nghiệp sẵn sàng bảo trợ một ngôi làng để làm du lịch. Doanh nghiệp sẽ đưa giá trị làng lồng ghép với thương hiệu sản phẩm của họ, khi đó điểm đến sẽ có một nguồn tài chính dồi dào hơn để hỗ trợ xây dựng sản phẩm hiệu quả cho điểm đến. Tất nhiên, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm làm thế nào thương hiệu của làng tương đồng với thương hiệu sản phẩm của họ" - ông Phan Xuân Thanh nói.