Quảng Nam: Nỗ lực hoàn thành các hạng mục chính tại di sản Mỹ Sơn trước mùa mưa
20/07/2021 | 08:04Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo các Đền - Tháp A1, A12, A13 thuộc Nhóm A tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam Phan Hộ cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, Đoàn chuyên gia kỹ thuật thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khảo sát, Khảo cổ học Ấn Độ và các chuyên gia Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo các Đền - Tháp A1, A12, A13 thuộc Nhóm A tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, nỗ lực hoàn thành việc trùng tu các hạng mục chính trước mùa mưa lũ năm nay.
Đoàn chuyên gia kỹ thuật thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khảo sát, Khảo cổ học Ấn Độ, chuyên gia Việt Nam và hàng trăm công nhân lành nghề tập trung thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo các Đền - Tháp A1, A12, A13 thuộc Nhóm A tại Khu Đền Tháp Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Các chuyên gia thực hiện các hạng mục chính như: Sắp xếp lại Đài thờ A1, Phục dựng, tái định vị gồm trụ đỡ, lối vào đền A1, hoàn thành trùng tu các tháp A2, A4, A5, A6 và A7 xung quanh Đền A1, tiến hành trùng tu phần đế tháp A13.
Tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, nhóm tháp A gồm 13 ngôi đền, tháp, được đánh ký hiệu từ A1 đến A13, nằm ở vị trí Đông Nam của dòng suối chính chảy ngang phân đôi khu vực giữa nhóm tháp A và nhóm tháp B, C, D. Nhóm tháp A đối diện với nhóm tháp B, C, D là một nhóm đền, tháp quan trọng nhất của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Trong đó, Đền A1 là đền thờ chính (Kalan) của nhóm tháp A. Theo mô tả của Henri Parmentier, Đền A1 có chiều cao 24m, mỗi cạnh rộng 10m, với nghệ thuật trang trí phong phú, tráng lệ, hài hòa đã khiến nó trở thành một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Phần trên ngôi đền có ba tầng thu hẹp dần, trên cùng là một đỉnh tháp bằng đá sa thạch.
Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn kiêm Điều phối viên Dự án trùng tu tôn tạo Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết: Ngôi đền A1 đã bị bom đánh sập năm 1969, hiện chỉ còn lại lòng tháp, bệ thờ, trụ cửa ngổn ngang. Lòng tháp có mặt bằng hình vuông, cao hơn sân khoảng 2m. Giữa lòng Kalan là một bệ thờ Yoni bằng đá, phần Linga phía trên đã mất. Phần tường tháp còn lại có độ dày từ 85cm đến 100cm và cao hơn nền tháp từ 2m đến 2,5m. A1 mở hai cửa ra vào ở hai hướng Đông - Tây. Hai mặt tường Nam và Bắc là những cửa giả, được tạo bởi 2 trụ hình chữ nhật, đỡ một vòm cuốn cong, nhọn trên đỉnh. Bên trong ô cửa giả được chạm khắc thẳng trên gạch một hình người đứng chắp tay cầu đảo. Trên thân đền là những trụ áp tường được kéo dài ra khiến cho ngôi tháp thêm cân xứng. Trang trí trên mỗi trụ áp tường là những đường chỉ chạy dọc theo thân, chia đôi mỗi trụ, xen vào đó là những hoa dây hình chữ S càng tăng thêm sự duyên dáng cho cả ngôi đền. Giữa hai trụ áp tường vẫn là những dải hoa văn xen kẽ những khoảng trống, vừa được sự đa dạng, phong phú lại vừa toát lên vẻ thanh thoát.
Ông Nguyễn Công Khiết cho biết thêm, các vật trang trí phụ quanh A1 là những hình tượng Makara sinh động, kỳ dị, những vũ nữ Apsara duyên dáng, những tượng sư tử ngồi xổm một cách oai vệ, mạnh mẽ quanh góc tháp. Phần chân tháp gồm hai tầng, trang trí bằng những đóa hoa sen cách điệu. Phần trên của chân tháp có chạm những con sư tử, voi duyên dáng, ngộ nghĩnh, đứng trước những tòa sen. Những trang trí trên Kalan A1 đã hình thành nên một phong cách nổi tiếng của nghệ thuật Chămpa thế kỷ X.