Quảng Nam: Giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch
12/09/2023 | 09:13Gia tăng các trải nghiệm hướng đến du khách và cơ cấu du lịch theo hướng bền vững là hai trong số những điểm nhấn đáng chú ý của Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ về phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn Quảng Nam (gọi tắt là Kế hoạch số 5869) vừa được ban hành.
Làm sao để cơ cấu du lịch theo hướng bền vững?
Kế hoạch 5869 vừa được UBND tỉnh ban hành xác định phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế.
Trong số các nhiệm vụ và giải pháp để cụ thể hóa mục tiêu được đề cập có việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững.
Thực tế thời gian qua, ngành du lịch địa phương cũng đã có định hướng để nâng sức đề kháng trước các rủi ro phi truyền thống có thể tác động đến ngành.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL, thời gian tới ngành sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Với thị trường quốc tế, ngoài thị trường truyền thống sẽ chú trọng các thị trường đã được miễn visa, có khả năng chi tiêu cao, nghỉ dưỡng dài ngày cũng như mở rộng khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông…
Hội An - “hạt nhân” của du lịch Quảng Nam cũng đang có những động thái cơ cấu lại ngành du lịch theo như định hướng trong Kế hoạch 5869 của tỉnh. Trong các nhóm giải pháp triển khai Nghị quyết xây dựng Hội An thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch cũng xác định sẽ tái cơ cấu ngành du lịch.
Trong đó, chú trọng nâng chất lượng hoạt động tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để giảm thiểu rủi ro, tránh trường hợp một bộ phận lớn cư dân của thành phố hoàn toàn điêu đứng trong thời gian dài khi ngành kinh tế du lịch “đóng băng” do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Với nhiều điểm đến cách xa trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh, câu chuyện làm sao để người dân tại các điểm đến “sống được” từ nguồn thu của hoạt động du lịch, để điểm đến tồn tại bền vững vẫn là bài toán loay hoay.
Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty du lịch EMIC Travel nhận định, người dân ở các điểm đến đó, nhất là các làng nghề trước hết cần xác định sống ổn bằng công việc truyền thống của mình đã, lợi ích từ du lịch mang lại nếu có chỉ nên xem là nguồn thu nhập tăng thêm theo lộ trình dài hạn.
Hầu hết cư dân ở các điểm đến chưa đủ kinh nghiệm để vận hành theo quy trình du lịch và cần có đội ngũ chuyên nghiệp hợp tác để “xây dựng và bán sản phẩm” phù hợp với kênh khách hàng, thị trường khách tiềm năng thì mới có thể phát triển bền vững.
Chờ đột phá về chất lượng trải nghiệm
Kế hoạch 5869 của tỉnh có đề cập một chi tiết rất quan trọng đến việc tạo đột phá cho du lịch địa phương trong bối cảnh mới. Đó chính là đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh và bền vững với phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Đây thực sự là mệnh đề rất quan trọng có tác động quyết định đến việc nâng cao số ngày lưu trú, doanh thu du lịch… của du lịch Quảng Nam. Bởi lâu nay, doanh thu du lịch của Quảng Nam khá “đuối” so với nhóm địa phương có thế mạnh về du lịch, còn bình quân số ngày lưu trú vẫn chỉ dao động ở ngưỡng hơn 2 ngày đêm/du khách mà ít tiến triển trong hàng chục năm nay.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, sao chép sản phẩm trong du lịch là câu chuyện khó tránh khỏi nên chúng ta cần đi sâu vào hệ giá trị để tìm ra sự khác biệt cho mô hình của mình.
Hiện nay phân khúc thị trường khách có chi tiêu cao, sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho chuyến đi để chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương nhưng vấn đề là sản phẩm, trải nghiệm của chúng ta có đủ thuyết phục họ hay không.
Câu chuyện khan hiếm trải nghiệm đặc sắc ở nhiều điểm đến sở hữu hệ giá trị tự nhiên - lịch sử vô cùng phong phú như Cù Lao Chàm, Khu đền tháp Mỹ Sơn, biển Tam Thanh… đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn đang bỏ ngỏ trong việc cải thiện.
Câu chuyện này tất yếu dẫn đến tour tuyến của các điểm đến trên thường chỉ gói gọn trong ngày, một buổi thậm chí là rời đi chóng vánh vì du khách không có nhiều cơ hội được khám phá các trải nghiệm ấn tượng. Do đó, trên bước đường hướng đến trung tâm du lịch vùng và quốc gia, Quảng Nam rất cần “lấy trải nghiệm của khách làm trung tâm” để xây bước đi vững chắc cho ngành du lịch./.