Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế thúc đẩy phát triển du lịch xanh
28/07/2023 | 15:49Việc Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế liên kết phát triển du lịch xanh được kỳ vọng sẽ giúp phát huy tiềm năng du lịch của các địa phương; xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, bền vững, tạo sức hấp dẫn của điểm đến; góp phần quảng bá hình ảnh du lịch 3 địa phương với thông điệp “Du lịch xanh - Kết nối và phát triển”.
Hội thảo liên kết phát triển du lịch xanh Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế diễn ra mới đây tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) thu hút sự tham gia của các Sở VHTTDL/Sở Du lịch; Hiệp hội Du lịch; các cơ sở đào tạo du lịch; hơn 40 doanh nghiệp du lịch của Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; đại diện các phòng, ban một số huyện thuộc tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, việc liên kết phát triển du lịch xanh giữa Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc 3 địa phương cùng nghiên cứu, trao đổi, đề xuất thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch xanh có thể được xem là một trong những giải pháp thiết thực nhằm phục hồi, phát triển du lịch sau COVID-19; chuyển đổi cơ cấu thị trường du lịch, thu hút nguồn khách du lịch chi tiêu cao…
Theo đó, 3 địa phương đưa ra những nội dung hợp tác như: hợp tác quản lý nhà nước về du lịch; hợp tác xây dựng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch xanh; hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
3 địa phương, 1 điểm đến
Ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay, tỉnh Quảng Nam xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch. UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh của tỉnh - bộ tiêu chí du lịch xanh đầu tiên của Việt Nam ở 6 lĩnh vực: khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan.
Đến nay, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam có những chuyển biến rất tích cực trong việc xanh hóa sản phẩm du lịch. Nhiều sản phẩm/mô hình du lịch được quan tâm đầu tư như: mô hình lưu trú du lịch xanh kết hợp hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian, mô hình du lịch làng quê, làng nghề, du lịch cộng đồng…
Đơn cử, huyện Duy Xuyên có lợi thế về tài nguyên du lịch với Khu du lịch sinh thái Đồng Lớn - Trà Lý (xã Duy Sơn); làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh); Kinh đô Trà Kiệu - di tích cấp Quốc gia; Quần thể lăng mộ thời Chúa Nguyễn (xã Duy Trinh); Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa; cùng hàng loạt làng nghề truyền thống và lễ hội truyền thống.
Các điểm du lịch văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng tại huyện Duy Xuyên được hình thành sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu tăng cao của du khách. Việc phát triển du lịch Duy Xuyên được đặt trong mối quan hệ mật thiết với vùng du lịch Hội An và Đà Nẵng. Hiện nay, lượng khách đến Duy Xuyên ngày càng tăng, bình quân năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng sức hấp dẫn chính vẫn chỉ là Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, thành phố này định hướng quy hoạch không gian phát triển du lịch xanh đồng bộ với cấu trúc đô thị, ưu tiên nguồn lực, dành quỹ đất phù hợp với đặc thù phát triển du lịch xanh và hài hòa với các ngành kinh tế khác, bảo đảm giữ gìn tài nguyên và cảnh quan tự nhiên.
Trên địa bàn Đà Nẵng, một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đã được hình thành và đưa vào khai thác như: mô hình An Phú Farm và Banarita Glamping Farm (xã Hòa Phú); Vườn nho thung lũng Nam Yên, khu cắm trại Yen Retreat (xã Hòa Bắc); Làng du lịch sinh thái Thái Lai (xã Hòa Nhơn).
Song, một số khu, điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp chỉ ở mức độ bước đầu khai thác, phát triển, chưa hoàn thiện nên chưa thể đánh giá về chất lượng. Các hoạt động dịch vụ hiện có chỉ thu hút, đáp ứng được khách du lịch nội địa và nội vùng.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định địa phương có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh. Ngoài nét cổ kính của lăng tẩm đền đài và hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, còn có cảnh quan thân thiện môi trường ngay giữa lòng đô thị: cây xanh, công viên xanh bố trí trải đều khắp thành phố, dọc các con sông…, gây ấn tượng mạnh với du khách.
"Bên cạnh đó, ở Huế, người dân không phải lo lắng nhiều bởi tiêu chuẩn không khí luôn được bảo đảm. Điều này đã phần nào khẳng định Huế xứng đáng là thành phố xanh của Việt Nam, khẳng định thương hiệu của một thành phố du lịch xanh hàng đầu cả nước", ông Phúc nói.
Định hướng phát triển du lịch xanh bám sát mục tiêu Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: "Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh".
Tỉnh Thừa Thiên Huế định hướng phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Cần có Bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng trên cả nước
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam lý giải thêm: Khái niệm "du lịch bền vững" khá rộng, dựa trên 3 trụ cột về kinh tế, môi trường, xã hội.
"Chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức về môi trường, nên Quảng Nam lựa chọn môi trường là khía cạnh ưu tiên cần tập trung thực hiện đầu tiên để bảo đảm tính bền vững trong ngành du lịch. Ý tưởng về xây dựng Quảng Nam thành một điểm đến du lịch xanh bắt nguồn từ thực tế đó", ông Thanh nói.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, do tác động nặng nề của COVID-19, phần lớn các doanh nghiệp du lịch địa phương đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả.
Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình sang hướng phát triển du lịch xanh chưa nằm trong mối quan tâm ưu tiên của doanh nghiệp. Đây là rào cản lớn ảnh hưởng đến việc vận động doanh nghiệp tham gia thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh trong thời gian qua.
Để thuyết phục doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh, ông Thanh đề nghị, cần xác định rõ những lợi ích mà họ nhận được. Cần có thêm sự động viên, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Hiệp hội Du lịch để doanh nghiệp có thêm động lực áp dụng các bộ tiêu chí du lịch xanh.
"Về dài hạn, tỉnh Quảng Nam cần xây dựng một chiến lược bài bản để phát triển du lịch bền vững. Chiến lược này liên quan đến cả vấn đề quy hoạch, chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm, truyền thông và marketing. Tất cả đều phải bảo đảm tính bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường", ông Thanh nêu.
Phía tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao; các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, bảo đảm nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất Bộ VHTTDL xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cho các mảng: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành, điểm du lịch và áp dụng trên cả nước. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng Bộ tiêu chí này trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời, đó cũng là căn cứ công nhận sản phẩm du lịch xanh như "tour xanh", "khách sạn xanh", "nhà hàng xanh", "khu nghỉ dưỡng xanh"… để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng.