Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam: Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch ở Mỹ Sơn

25/07/2023 | 17:59

Khu di sản Mỹ Sơn vừa khai trương hệ hống thuyết minh đa ngôn ngữ tự động (Audio Guide) phục vụ khách tham quan. Đây không chỉ là một sản phẩm du lịch mới mẻ mà còn thể hiện bước tiến trong quá trình chuyển đổi số mà Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đang hướng đến.

Quảng Nam: Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch ở Mỹ Sơn - Ảnh 1.

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại Mỹ Sơn giúp mang đến nhiều tiện ích cho du khách.

Sản phẩm du lịch mới

Khu đền tháp Mỹ Sơn là điểm du lịch đầu tiên ở Quảng Nam triển khai Audio Guide với 4 ngôn ngữ Anh, Pháp, Hàn, Việt. Với các tiêu chí thuận tiện, trực quan, hấp dẫn và ứng dụng công nghệ, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại quét mã QR được bố trí tại nhiều địa điểm trong khu di tích là có thể dễ dàng truy cập và nghe được các thông tin về Mỹ Sơn, kể cả xem hình ảnh đa phương tiện và hệ thống bản đồ định vị, chỉ đường trong khu di tích.

Bà Lê Minh Thảo - Giám đốc phụ trách sản phẩm thuyết minh tự động, Công ty Vietsoftpro (đối tác xây dựng sản phẩm Audio Guide cho Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn) cho biết: “Khoảng 40 câu chuyện đã được khai thác gắn với lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc… liên quan Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được đưa vào nội dung Audio Guide. Ưu điểm của sản phẩm là giúp du khách chủ động chọn nghe chủ đề quan tâm chính xác nhất, đồng thời có thể nghe lại bài thuyết minh bằng ngôn ngữ phù hợp”.

Trước đó, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với đối tác xây dựng website thực tế ảo VR360, đưa vào hoạt động du lịch qua thực tế ảo dựa trên nền tảng công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hướng đến phục vụ tốt nhất yêu cầu của khách tham quan.

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, chuyển đổi số được đơn vị xác định là yêu cầu quan trọng giúp giải mã những giá trị hiện vật, góp phần quảng bá di sản văn hóa đến công chúng, du khách. Những năm qua, đơn vị đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Ngoài xây dựng các sản phẩm du lịch thông minh dựa trên nền tảng công nghệ hay bán vé hóa đơn điện tử, thanh toán vé qua mã QR và thẻ visa, đơn vị cũng đã số hóa hàng nghìn hiện vật tại khu di tích và các bảo tàng, thực hiện cải cách hành chính, kể cả ứng dụng các tiện ích số vào tuần tra, quản lý rừng cảnh quan, hiệu quả mang lại rất khả quan.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch dù là xu hướng và mang tính cấp thiết nhưng không phải dễ dàng thực hiện. Từ năm 2016, TP.Hội An trang bị thiết bị thuyết minh tự động cho du khách nhưng kết quả chưa như mong đợi. Năm 2022, Quảng Nam cũng đã xây dựng hệ thống du lịch thông minh, tuy nhiên đến nay kết quả cũng chỉ bước đầu.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL thừa nhận, so với một số địa phương khác trong nước, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của Quảng Nam tương đối chậm. Việc Mỹ Sơn đẩy mạnh triển khai các sản phẩm du lịch dựa trên công nghệ và chuyển đổi số được xem là mô hình đáng ghi nhận.

Theo ông Phan Hộ, thời gian qua công tác chuyển đổi số đã được đơn vị tích cực đẩy mạnh, nhất là trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như tăng cường quảng bá thông tin qua hệ thống website, các trang mạng xã hội…

Qua đó, hình ảnh Mỹ Sơn xuất hiện nhiều hơn, lan tỏa đến du khách, doanh nghiệp lữ hành. Có thể nhìn nhận, việc đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ, ứng dụng kỹ thuật, chuyển đổi số vào hoạt động du lịch đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực; trong đó Audio Guide chính là sản phẩm tiêu biểu, điển hình cho công tác chuyển đổi số thành công mà đơn vị đã thực hiện được du khách đánh giá cao.

“Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trên lĩnh vực du lịch không chỉ mang đến những tiện ích, tăng trải nghiệm cho du khách mà còn giúp công tác quản lý, điều hành, phục vụ cung cấp dịch vụ của đơn vị tiện lợi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Qua đó, góp phần giải quyết hài hòa bài toán phát triển du lịch nhưng không mâu thuẫn với bảo tồn. Thời gian đến, công tác chuyển đổi số tại Mỹ Sơn sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực từ bảo tồn, phát huy giá trị di sản đến quản lý bảo vệ rừng…, hướng đến xây dựng Mỹ Sơn thành điểm du lịch xanh theo tiêu chí của tỉnh” - ông Phan Hộ nói.

Theo Báo Quảng Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×