Quảng Bình: Tìm hướng đột phá phát triển du lịch nông thôn, cộng đồng
18/12/2024 | 10:45Nằm ở miền Trung Việt Nam, tỉnh Quảng Bình có nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bên cạnh thế mạnh là những sản phẩm du lịch gắn với hoạt động khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng…, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình hướng đến phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng để tạo bước đột phá. Tìm ra điểm riêng biệt, hút khách để xây dựng các tour, tuyến du lịch nông nghiệp, cộng đồng là mục tiêu của ngành du lịch tỉnh Quảng Bình, cũng là trăn trở của các đơn vị lữ hành đang khai thác tour, sản phẩm du lịch tại đây.
Điểm đến mới, đẹp hoang sơ hút khách du lịch
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, trong số hơn 40 khu, điểm, sản phẩm du lịch tại Quảng Bình có nhiều yếu tố gắn với khu vực nông thôn miền núi, văn hóa của dân tộc thiểu số, thích hợp để phát triển các loại hình du lịch như: Nông nghiệp, cộng đồng, trải nghiệm, trang trại (farm)... Thời gian gần đây, du khách đến với địa phương ngày càng tăng cao và có nhiều ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất và con người nơi đây. Du lịch đã và đang tạo ra nhiều sinh kế mới với nguồn thu vững chắc, góp phần phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
Hiện nay, tại khu vực phía Tây tỉnh Quảng Bình, những vùng nông nghiệp dưới chân dãy Trường Sơn của các cộng đồng dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều được nhiều đơn vị khai thác du lịch. Tại những điểm đến còn hoang sơ, việc làm du lịch mang tính chất tự phát là khó tránh khỏi, đặc biệt trong giai đoạn khai phá để xây dựng nên những điểm, sản phẩm du lịch mới. Đây là cảm nhận của nhiều chuyên gia du lịch khi đi khảo sát những điểm du lịch tiềm năng với mục tiêu xây dựng được những tour du lịch có thể biến tiềm năng thành sản phẩm chủ đạo cho du lịch nông nghiệp, cộng đồng tại Quảng Bình.
Đoàn khảo sát du lịch do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức đã đến Bản Còi Đá (thuộc địa phận xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) trong một ngày mưa tháng 12/2024. Điểm đến này cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 40 km (di chuyển bằng ô tô tầm 60 phút).
Từ điểm dừng ô tô, trên quãng đường đi bộ chừng nửa km để đến với Thung lũng tình yêu, Bản Còi Đá, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy bất ngờ, thú vị về những nét nguyên sơ, độc đáo “đủ để hút ánh mắt, níu bước chân du khách” khi đến đây.
Thung lũng tình yêu xanh mướt, như một ốc đảo được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi với nhiều hang động lớn nhỏ và những dòng suối mát lạnh trong vùng khí hậu ồn hòa, mát mẻ. Điểm đặc biệt, bất ngờ nhất là trong thời đại 4.0, tại đây chưa có điện, chưa có internet. Do vậy cuộc sống của cộng đồng người Bru Vân Kiều còn nhiều nét nguyên sơ. “Mặc dù mới bắt đầu làm quen với việc làm du lịch nhưng với bản tính hiền lành, chịu khó, ham học hỏi, với sự mộc mạc, chân chất của mình, đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Còi Đá đã để lại nhiều thiện cảm, yêu mến trong lòng du khách. Dù tiếng người đồng bào nói không dễ nghe, dễ hiểu nhưng bù lại, những cử chỉ thân thiện, nụ cười rạng rỡ, sự tiếp đón đơn sơ mà nhiệt tình khiến du khách cảm thấy thoải mái”, anh Trần Dương Duy (Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Gia Linh Luxury – Gia Linh Luxury Travel) nhận xét.
Trong làn sương mù bao phủ Bản Còi Đá, ẩn hiện vài nếp nhà sàn của người dân tộc Bru Vân Kiều. Khu vực này còn có nhiều dòng thác, con suối nước mát lành, cùng hệ thống hang động trên cạn tự nhiên thích hợp cho hoạt động khám phá. Buổi tối, trên vùng thảo nguyên rộng rãi, cỏ cây xanh mướt, người dân bản địa nấu những món ăn dân giã, độc đáo mời du khách thưởng thức và cùng tìm hiểu về văn hóa của cộng đồng dân cư đang sinh sống nơi đây. Với thế mạnh khai thác tour du lịch mạo hiểm, du lịch moto…, các chuyên gia đều nhìn thấy nhiều tiềm năng có thể khai thác tại Bản Còi Đá thành điểm du lịch cộng đồng.
Chị Lê Thị Như Oanh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Du lịch Hương Sen Việt (tỉnh Tây Ninh) cho biết: Tour du lịch khám phá những vùng đất còn hoang sơ với những nét văn hóa đặc biệt luôn kích thích du khách. Để đưa được nhiều hơn nữa các đoàn khách đến đây, chính quyền, người dân địa phương cần kết hợp với các đơn vị làm du lịch nghiên cứu, thiết kế chương trình tour hợp lý, đảm bảo cung đường di chuyển, các điểm ăn, nghỉ và các hoạt động trải nghiệm tại các điểm. Nhận thấy những điểm đến tại Quảng Bình có nhiều yếu tố phù hợp với dòng khách đơn vị đang khai thác, sau chuyến khảo sát, chị Như Oanh sẽ cùng các đơn vị liên kết, quyết tâm xây dựng tour lịch trình kết nối nhiều điểm đến trong hành trình du lịch nông nghiệp, cộng đồng tại Quảng Bình.
Đồng hành để khai thác du lịch xanh
Thời gian tới, để đa dạng hóa thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình xác định tập trung đầu tư, hướng đến phát triển thêm các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Hơn 1 năm trước, khi tour “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru - Vân Kiều” được đưa vào khai thác cũng là thời điểm người Bru Vân Kiều bắt đầu làm quen với du lịch. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nettin là đơn vị được phép khai thác tour đã đồng hành cùng người dân, hướng dẫn nhiều gia đình trong bản làm du lịch. Từ việc tư vấn, hỗ trợ sửa sang cơ sở vật chất để đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cho đoàn khách, đơn vị cũng tích cực khảo sát, thiết kế các hoạt động trải nghiệm, cùng khám phá nét đẹp văn hóa của người Bru - Vân Kiều để quảng bá tới du khách.
Ông Hồ Văn Hầu, Phó Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong năm 2024, điểm Hang Chà Lòi (bản Khe Sung) và Thung lũng tình yêu tại Bản Còi Đá đón được hơn 270 lượt khách du lịch, trong đó 2/3 là đoàn khách nội địa, 1/3 là khách quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng, là niềm khích lệ người bản địa tham gia làm du lịch để có thêm sinh kế mới thay vì trước đây chỉ đi rừng. Từ việc có nguồn thu mới ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, người dân đã yêu thích và làm du lịch một cách tự nhiên, thuần phác.
Theo ông Hồ Văn Hầu, để phát triển du lịch theo hướng bền vững dựa trên khai thác thiên nhiên và giá trị văn hóa của người bản địa, chính quyền xã xác định việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về giữ gìn bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên là yếu tố quan trọng. Theo đó, chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình”, “Mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch” được địa phương triển khai sâu, rộng theo cách “cầm tay chỉ việc” đến từng người dân trên địa bàn, đặc biệt là tại các điểm khai thác du lịch.
Theo chia sẻ của Tiến sỹ Trần Tự Lực, Khoa Kinh tế du lịch, Trường Đại học Quảng Bình: Trong mô hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng, người dân, người nông dân là yếu tố then chôt quyết định sự thành công của loại hình du lịch này. Do vậy, đội ngũ “nông dân làm du lịch” cần được sự đào tạo để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Bởi lẽ, người nông dân là người làm chủ và tham gia trực tiếp vào toàn bộ quá trình phát triển du lịch nông thôn.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với với các đơn vị liên quan đi khảo sát các địa phương có tiềm năng để phát triển. Sở sẽ định hướng và mời gọi các doanh nghiệp vào, cùng cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xây dựng các tiêu chí, mục tiêu, đề án sản phẩm, phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt cấp huyện, xã để xây dựng các sản phẩm, điểm, mô hình du lịch. Khi đã có sản phẩm du lịch, Quảng Bình sẽ tổ chức quảng bá, quảng cáo trên các kênh thông tin chính thông cũng như mạng xã hội nhằm giúp cho du khách biết đến Quảng Bình có thêm các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn, cộng đồng mới chắc chắn thu hút được lượng khách nhiều hơn.
Có điểm đến hấp dẫn, có định hướng phát triển của cơ quan quản lý, có sự đồng hành của các doanh nghiệp lữ hành và quan trọng nhất, có sự hào hứng của người dân tham gia làm du lịch, trong tương lai, những điểm đến du lịch nông nghiệp, cộng đồng tại Quảng Bình sẽ nhanh chóng hút khách, góp sức để ngành du lịch địa phương bật cao hơn, phát triển bền vững hơn theo hướng du lịch xanh, du lịch tuần hoàn.