Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Bình: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

25/09/2023 | 09:06

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025, Sở Văn hóa-Thể thao được giao thực hiện dự án 6: "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch". Một trong những nội dung trọng tâm của dự án 6 là kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đang được tích cực triển khai.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, từ tháng 7/2023 đến nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tổ chức các đoàn đi thực địa để kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS thuộc 100 bản tại 14 xã vùng ĐBDTTS, gồm: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Hóa Tiến, Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa); Lâm Hóa, Thanh Hóa (Tuyên Hóa); Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch); Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh); Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy (Lệ Thủy).

Quảng Bình: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Bà Hồ Thị Chặng ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh) trong trang phục và trang sức truyền thống của dân tộc Bru-Vân Kiều.

Các di sản văn hóa truyền thống được kiểm kê, sưu tầm, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian (ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru…); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); tập quán xã hội (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian (bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác); các hiện vật lịch sử, văn hóa liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Đến thời điểm này, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã sưu tầm được gần 150 hiện vật, kiểm kê 6/7 loại hình. Qua công tác sưu tầm, kiểm kê hiện vật cho thấy, đối với người Bru-Vân Kiều, các lễ hội truyền thống: Đập trống của người Ma Coong, trỉa lúa, mừng cơm mới là 3 lễ hội đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hiện đang được đồng bào gìn giữ và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, còn có một số lễ hội khác, như: Lễ cúng làng, lễ giỗ họ (lễ Đam chay), lễ cúng tổ nghề... và một số món ăn vẫn được bà con chuẩn bị trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, như: Bánh mè đen (A Yơh), bánh nếp, bánh đòn...; phụ nữ Bru-Vân Kiều vẫn mặc váy, là trang phục truyền thống của đồng bào.

Tuy nhiên, ở một số lễ hội chỉ còn tồn tại phần lễ, phần hội không còn. Đối với người Chứt, có lễ cúng giang sơn là lễ hội lớn nhất tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đang tổ chức định kỳ. Bên cạnh đó, còn có một số phong tục, tập quán tốt đẹp, như: Tục thờ thần bếp đang được toàn bộ người Sách ở xã Hóa Sơn bảo lưu. Nhìn chung, di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chứt hiện tồn tại ít trong các bản làng. Hơn nữa, cái khó chung trong quá trình kiểm kê đối với cả người Bru-Vân Kiều và người Chứt là hiện chỉ tồn tại tiếng nói mà không có chữ viết.

Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình sưu tầm, kiểm kê, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đã có gần 150 hiện vật và 6 loại hình được sưu tầm, kiểm kê với kết quả bước đầu rất khả quan. Trong quá trình sưu tầm, kiểm kê, cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các DTTS rất ủng hộ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi; đồng thời kỳ vọng vào sự khôi phục, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.

Anh Đinh Tiến Dũng, công chức văn hóa-xã hội xã Trọng Hóa (Minh Hóa) chia sẻ: "Việc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiến hành kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó có xã Trọng Hóa, là tín hiệu vui, đáp ứng mong mỏi của địa phương và đồng bào. Chúng tôi hy vọng các giá trị  bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trong tỉnh nói chung, xã Trọng Hóa nói riêng, sẽ từng bước được khôi phục, bảo tồn, hướng tới mục tiêu lâu dài là phát triển du lịch. Làm được điều này sẽ góp phần nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần cho bà con!".

Quảng Bình: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Các hiện vật trang sức được sưu tầm

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho biết: Những năm qua, Sở Văn hóa-Thể thao luôn quan tâm thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là đơn vị trực tiếp thực hiện, tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Dự án 6 đã tiếp sức và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiếp tục triển khai nhiệm vụ hiệu quả.

“Theo kế hoạch, vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ tổ chức trưng bày các hiện vật để phục vụ nhân dân. Đây là dịp để người dân nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, khơi dậy lòng tự hào và chung tay gìn giữ, phát huy, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của dự án 6, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững!”, ông Mai Xuân Thành cho biết thêm.

Theo Báo Quảng Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×