Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Bình chuyển đổi số trong du lịch: Không nhanh, sẽ tụt hậu

22/05/2023 | 10:14

Nếu như nhiều năm trước, du lịch (DL) Quảng Bình vẫn đang loay hoay với những phương thức quảng bá truyền thống thì nay, xu hướng marketing DL đang chuyển dịch mạnh mẽ theo sự phát triển của công nghệ và nội dung số. Chuyển đổi số (CĐS) trong DL trở thành vấn đề sống còn, nếu không nhanh, sẽ tụt hậu. Đó không còn là câu chuyện của riêng một đơn vị, doanh nghiệp (DN) mà trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu không ngừng của du khách.

Nắm bắt xu thế

DL là ngành kinh tế năng động, đòi hỏi người làm DL phải thay đổi tư duy từng ngày để bắt kịp với nhịp độ phát triển. Tại thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu được kiểm soát, DL mở cửa trở lại, nhiều đơn vị DL Quảng Bình đã triển khai các hoạt động kinh doanh theo phương thức DL “không chạm”. Đặt phòng online, thanh toán không dùng tiền mặt… nhằm hạn chế tối đa những tiếp xúc trực tiếp dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Khi DL bắt đầu những bước phục hồi cũng là thời điểm các DN kinh doanh DL bước vào cuộc đua quảng bá trên các nền tảng số để thiết lập lại thị phần. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các website như nhiều năm trước mà các nền tảng số như tiktok, zalo, youtube, facebook… là “mảnh đất vàng” để các DN khai thác trong quảng bá sản phẩm.

Trong đó, một số DN, như: Netin Travel, Jungle Boss, Oxalis, Phong Nha Explorer… là một trong những đơn vị phát huy tốt khả năng marketing trên website của mình. Với giao diện khá bắt mắt, mang đặc trưng của DL khám phá, các website này tích hợp đầy đủ các tính năng mà một website DL cần có, như: Đặt tour trực tuyến, tối ưu hóa với tất cả các thiết bị công nghệ... Nhiều website còn có tính năng hỗ trợ, tư vấn trực tuyến 24/24 và liên kết với các trang mạng xã hội. Một số DN đã xây dựng website nhiều ngôn ngữ, tạo nên lợi thế thu hút khách DL nước ngoài.

Để cung cấp đầy đủ thông tin cho khách DL khi đến với Quảng Bình, Sở DL đã xây dựng ứng dụng di động “QuangBinh Tourism”. Cuối năm 2022, DL Quảng Bình cũng chính thức ra mắt kênh tiktok quảng bá DL mang tên “Visit Quảng Bình”. So với nhiều địa phương, việc ra mắt kênh quảng bá trên nền tảng này của DL Quảng Bình là khá chậm. Tuy nhiên, đây cũng được coi là nỗ lực nhằm đáp ứng những đòi hỏi bắt buộc của dòng chảy phát triển DL nói chung.

Theo Giám đốc Sở DL Nguyễn Ngọc Quý, những năm trở lại đây, ngành DL Quảng Bình đứng trước nhiều thách thức buộc phải thay đổi để bắt kịp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Quảng bá trên các nền tảng số trở thành vấn đề mang tính sống còn mà không bất cứ một DN nào đứng ngoài cuộc. Việc CĐS và đẩy mạnh quảng bá DL qua các nền tảng số là yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động quảng bá điểm đến DL, giữ kết nối với các thị trường trọng điểm để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và giới thiệu rộng rãi các sản phẩm DL, dịch vụ.

Quảng Bình chuyển đổi số trong du lịch: Không nhanh, sẽ tụt hậu - Ảnh 1.

Một số website tích hợp đầy đủ các tính năng mà một website du lịch cần có

Lợi đủ đường

Trở lại đường đua sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, Công ty TNHH DL Thám hiểm Phong Nha (Phong Nha Explorer) nhanh chóng bắt tay thực hiện một quá trình CĐS mạnh mẽ. Ngoài việc quảng bá phủ sóng trên tất cả các nền tảng số, Phong Nha Explorer thực hiện các giao dịch không giấy tờ thông qua các cổng giao dịch trực tuyến.

Anh Từ Thanh Hải, Giám đốc công ty khẳng định, sau đại dịch Covid-19, lượng khách DL sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ công nghệ và sự chuyển đổi của kỹ thuật số, năm 2022 lượt khách nội địa tăng mạnh, đủ để cho thấy việc thay đổi công nghệ số trong quảng bá, phát triển sản phẩm đã mang lại hiệu quả rất lớn cho DN.

“Triển khai quảng bá trên các nền tảng số đã giúp chúng tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Ứng dụng kỹ thuật số cũng rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực đặc biệt hiệu quả. Với hệ thống được đồng bộ để quản lý dữ liệu khách hàng, thiết kế chương trình và gửi tự động, các hóa đơn chứng từ cũng được xử lý cực kỳ nhanh chóng”, anh Hải chia sẻ.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã mang đến hiệu quả sâu rộng, đặc biệt với ngành DL. Chính sự tiện ích của các dịch vụ trên internet mà giúp cho DN và du khách rút ngắn được khoảng cách địa lý, tiết kiệm được thời gian, tiền của. Bởi thế, các đơn vị kinh doanh DL đều coi các nền tảng số là kênh quảng bá thông tin quan trọng giúp họ tiếp cận nhanh nhất với nhu cầu của du khách. Booking, Agoda, Traveloka… cũng là những đại lý dịch vụ DL trực tuyến được hầu hết đơn vị kinh doanh lưu trú khai thác hiệu quả. Với nhiều DN, lượng khách đặt phòng trên các ứng dụng này chiếm hơn 90%.

Nhận thấy lợi ích quảng bá mạnh mẽ trên các nền tảng số, một gói hợp tác quảng bá DL Quảng Bình giữa Sở DL và Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing News) do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất tài trợ vừa được khởi động.

Theo đó, Zing News sẽ duy trì một chuyên trang về tập hợp toàn bộ các bài viết quảng bá về DL Quảng Bình. Là một trong 5 tờ báo điện tử có lượng người đọc lớn nhất Việt Nam với khoảng hơn 10 tỷ lượt xem trang và hơn 350 triệu người truy cập trong năm 2022, Zing News được hứa hẹn sẽ là kênh tiếp cận, quảng bá hiệu quả cho DL Quảng Bình trong thời gian tới. Đây cũng là tiền đề để Sở DL tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa phương thức, nội dung quảng bá trên các nền tảng số tại thị trường trong nước và quốc tế.

“Muốn đi xa, phải đi cùng nhau”

Manh mún, rời rạc, “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”… đó là những điểm dễ dàng nhận ra khi nhìn lại bức tranh CĐS của DL Quảng Bình. Bởi các DN chỉ mới tập trung xây dựng quảng bá cho sản phẩm của mình trên các nền tảng số mà thiếu đi sự liên kết. Điều đó dẫn đến việc DL Quảng Bình thiếu một cơ sở dữ liệu dùng chung để tối ưu hóa các tiện ích cho du khách, bao gồm: Lưu trú, lữ hành, điểm đến…

Thay vì chỉ cần một thao tác nhỏ là đã có đủ thông tin cần thiết cho chuyến trải nghiệm DL Quảng Bình thì du khách buộc lòng phải tự khai thác ở nhiều kênh khác nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước vì thế mà khó nắm bắt tốt thông tin về du khách khi đến với Quảng Bình để có những dự báo về chính sách, các chương trình quảng bá DL trọng tâm.

Anh Từ Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH DL Thám hiểm Phong Nha thẳng thắn nhìn nhận, nhiều đơn vị kinh doanh nhận ra được hiệu quả của CĐS trong DL tuy nhiên, nhiều nguyên nhân dẫn đến việc họ chưa sẵn sàng hoặc triển khai rời rạc, manh mún. Ngoài câu chuyện kinh phí còn là vấn đề nhân sự, thiếu kỹ năng công nghệ… “Mùa cao điểm, DN tập trung quảng bá trên các nền tảng số rầm rộ nhưng đến mùa thấp điểm, lại bỏ bê. Lý do vì không đủ nhân lực để duy trì khi mà hoạt động kinh doanh bị cầm chừng”, anh Hải chia sẻ thêm.

Đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số, số hóa các điểm đến DL Quảng Bình hay nâng cấp hệ thống quản lý và vận hành hệ sinh thái DL thông minh… Đó là những việc cần phải làm ngay để Quảng Bình thực sự ứng dụng mạnh mẽ CĐS trong phát triển ngành công nghiệp không khói. “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình nhưng muốn đi xa, phải đi cùng nhau”.

Một khi CĐS là vấn đề sống còn của DL thì các DN cần sẵn sàng cho phép bản thân thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới. Trên hành trình đó, nếu muốn cán đích, cần thiết phải xây dựng được khối liên kết bền vững, gắn kết các chủ thể chính trong ngành DL trên môi trường số, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, DN, điểm đến và khách DL.

Theo Báo Quảng Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×