Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
16/04/2012 | 15:33(VP)- Ngày 12/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh thay thế Nghị định số 88/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002.
Nghị định về quản lý xuất khẩu nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh được thực hiện theo các quan điểm chỉ đạo và nguyên tắc sau:
a) Phải đảm bảo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật, các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
b) Việc đưa ra các nội dung của Nghị định mới phải dựa trên cơ sở nội dung đang khả thi của Nghị định số 88/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (sau đây gọi là Nghị định 88) và thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung để thay thế Nghị định số 88 qua các ý kiến đóng góp tại Hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động việc thực hiện Nghị định 88 của Bộ giai đoạn 2002-2011.
c) Nghị định thay thế phải được sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế bộ máy hành chính Nhà nước và nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các nước đồng thời phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, có hiệu quả trong việc ngăn chặn các văn hóa phẩm độc hại xâm nhập vào nước ta.
d) Đảm bảo sự tham gia thống nhất ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia về nội dung của Nghị định.
e) Xây dựng Nghị định phải đảm bảo yêu cầu về nội dung, các bước tiến hành và tiến độ thời gian thực hiện.
Trên cơ sở nguyên tắc chỉ đạo Nghị định gồm 4 chương 18 điều với những nội dung cơ bản sau:
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG: Chương này gồm 06 điều, từ Điều 1 đến Điều 6, quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, bao gồm: phạm vi điều chỉnh của Nghị định; Đối tượng áp dụng, thuế, phí, lệ phí, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
Chương II. THỦ TỤC XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM: Chương này gồm 07 điều, từ Điều 7 đến Điều 17, quy định về thủ tục, thẩm quyền cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
Chương III. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM: Chương này gồm 4 điều, từ Điều 14 đến Điều 17, quy định về cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH: Chương này gồm 02 điều (Điều 17 và Điều 18) quy định về Hiệu lực và trách nhiệm thi hành Nghị định.
Về xuất khẩu văn hóa phẩm, Nghị định quy định cụ thể như sau: Cá nhân, tổ chức có văn hóa phẩm xuất khẩu đã được sản xuất, công bố, phổ biến và lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam khi xuất khẩu không cần giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch, chỉ làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong trường hợp cần giám định nội dung văn hóa phẩm thì cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu tiến hành trưng cầu giám định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có văn hóa phẩm xuất khẩu.
Các loại phim của các cơ quan, tổ chức hoặc phim hợp tác cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài chưa công bố, phổ biến; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải được cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch giám định trước khi xuất khẩu. Biên bản giám định là căn cứ để cơ quan hải quan làm thủ tục xuất khẩu.
Nghị định quy định giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch có thẩm quyền là căn cứ để cơ quan Hải quan làm thủ tục nhập khẩu.
Một số trường hợp không cần giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch gồm: Văn hóa phẩm là tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép tổ chức tại Việt Nam; văn hóa phẩm là tài sản di chuyển của cá nhân, tổ chức; văn hóa phẩm thuộc hành ký mang theo người của người nhập cảnh...
Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 01/6/2012.
Nội dung Nghị định mới về cơ bản vẫn bám sát các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu văn hóa phẩm có sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết những bất cập trong quá trình quản lý. Nghị định sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý về xuất khẩu nhập khẩu văn hóa phẩm, đồng thời cũng quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn trong việc giải quyết thủ tục nhập khẩu văn hóa phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Căn cứ thay đổi Nghị định 88/2002/NĐ-CP:
Thứ nhất: Về căn cứ pháp luật đã có nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung như Luật Di sản văn hóa, Luật Xuất bản, Luật Điện ảnh...do đó các quy định dẫn chiếu tại Nghị định 88 cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với văn bản pháp luật hiện hành. Thứ hai: Từ tháng 8 năm 2007 cơ cấu tổ chức Chính phủ đã thay đổi, Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thông tin và Truyền thông ở các tỉnh/thành được thành lập. Cụ thể là công tác quản lý xuất khẩu, nhập khẩu xuất bản phẩm, báo, tạp chí thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, các loại văn hóa phẩm khác thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch. Do Nghị định 88 chưa sửa đổi, bổ sung về tên gọi của các cơ quan quản lý cũng như thẩm quyền giải quyết, theo đó một lô hàng nhập khẩu phải có giấy phép của hai Bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép nhập khẩu sách, báo, tạp chí; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép các sản phẩm băng đĩa, nghe nhìn, tranh, tượng, di vật, cổ vật...), dẫn đến quá trình thực hiện Nghị định phát sinh vướng mắc, khó khăn tại các cửa khẩu cho cơ quan Hải quan và các cá nhân và tổ chức có văn hóa phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. Thứ ba: Nghị định 88 được xây dựng năm 2002 khi Luật Thương mại 2005 chưa được ban hành, nên chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có văn hóa phẩm nhập khẩu là hàng hóa có hợp đồng mua bán theo Điều 3 Luật Thương mại (Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này), do vậy cần phải có quy định bổ sung cho phù hợp. |
HCTC