Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quản lý văn hoá phải thể chế hoá được chính sách của ngành và đầu tư vào cán bộ ngành

28/08/2023 | 08:19

Chúng ta phải thực hiện định hướng như Bác Hồ đã nói: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi" và trong Nghị quyết các kỳ Đại hội đề cập văn hoá là mục tiêu, động lực để phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần thể chế hoá những định hướng, mục tiêu đó hoá thành chính sách.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được thành lập. Với ý nghĩa đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 28/8 hằng năm là ngày truyền thống của ngành để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin.

Nhân 78 năm kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2023), Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch về những đóng góp của ngành vào sự phát triển của đất nước.

Quản lý văn hoá phải thể chế hoá được chính sách của ngành và đầu tư vào cán bộ ngành - Ảnh 1.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

Thưa PGS.TS Trần Hữu Sơn, với nhiều năm quản lý và nghiên cứu về ngành VHTTDL, ông đánh giá như thế nào về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay?

- Bác Hồ đã nói: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Và trong Nghị quyết các kỳ Đại hội, Đảng ta đều xác định vai trò quan trọng của văn hóa. Trong Nghị quyết Trung ương 5 ( Khóa VIII), Đảng ta khẳng định: Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước…, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển bởi lẽ, văn hóa do con người sáng tạo ra, chi phối toàn bộ hoạt động của con người, là hoạt động sản xuất nhằm cung cấp năng lượng tinh thần cho con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện, xa rời trạng thái nguyên sơ ban đầu khi từ con vật phát triển thành con người. Con người tồn tại, không chỉ cần những sản phẩm vật chất mà còn có nhu cầu hưởng thụ sản phẩm văn hóa tinh thần, con người và xã hội loài người càng phát triển thì nhu cầu văn hóa tinh thần đòi hỏi ngày càng cao. Đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần đó chính là đảm bảo sự phát triển ngày càng nhiều của cải vật chất cho con người và xã hội.

Từ ý nghĩa đó, Đảng ta đã xác định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển.

Gần đây nhất, trong 2 năm 2021, 2022, liên tiếp 3 Hội nghị/Hội thảo về văn hóa được tổ chức ở quy mô quốc gia gồm: Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021; Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" và Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" cho thấy văn hóa ngày càng được quan tâm, đầu tư, đặc biệt là sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò của văn hóa ở các cấp cơ sở. Từ đó đầu tư cho văn hóa tăng lên.

Quản lý văn hoá phải thể chế hoá được chính sách của ngành và đầu tư vào cán bộ ngành - Ảnh 2.

Hội thảo văn hóa 2022 bàn về thể chế, chính sách và nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa

Ông rất trăn trở về đầu tư cho văn hóa. Ông có thể cho biết, mức đầu tư cho văn hóa hiện nay đã tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống?

- Vấn đề đầu tư cho văn hóa đã được đề cập trong các văn kiện ở nhiều kỳ đại hội, trở thành nghị quyết của các hội nghị ban chấp hành Trung ương. Trong đó nổi bật là Hội nghị Lần thứ X của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Kết luận 30 - KL/TW ngày 20 tháng 7 năm 2004 về đầu tư văn hóa: "Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách văn hóa nhà nước".

Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng ghi rõ tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Tìm hiểu vấn đề này, cần căn cứ vào thực tế chi ngân sách ở các địa phương cho sự nghiệp văn hóa thông tin, để từ đó phân tích, đồng thời so sánh mức chi cho kinh tế nhằm tìm hiểu sự quan tâm đến văn hóa của các địa phương. Chỉ tiêu đầu tư cho văn hóa không chỉ phản ánh chỉ số phát triển văn hóa mà còn nêu bật thực trạng thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa. Vì vậy xem xét mức đầu tư cho văn hóa là minh chứng quan trọng. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho con người ở các địa phương.

Khảo sát và dựa vào niên giám thống kê ở một số tỉnh từ năm 2015 - 2020 đều nhận thấy tình trạng chung là đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn rất thấp. Mười năm sau Kết luận số 30 - KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, chưa một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa. Thủ đô Hà Nội - Trung tâm văn hóa của cả nước nhưng trong 5 năm từ 2015 - 2020, mức chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin chưa bao giờ đạt 0,8% tổng chi ngân sách địa phương. Cụ thể năm 2015, Hà Nội chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin là 812 tỉ đồng, chiếm 0,72% tổng chi ngân sách, nhưng đến 2018, mức chi chỉ có 127 tỉ đồng chiếm 0,095% tổng chi ngân sách. Năm 2020, Hà Nội mới chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin với tỉ lệ cao nhất là 0,767% tổng chi ngân sách.

Như vậy, năm 2004, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy thực trạng các địa phương chi ngân sách cho văn hóa thông tin rất thấp nên đã có kết luận: Phấn đấu đến năm 2010, ít nhất đạt được 1,8% trong tổng chi ngân sách. Nhưng thực tế thì mãi đến năm 2020, hầu hết các tỉnh chỉ đạt được từ 50-60% định mức tỉ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin. Mức chi cho ngành văn hóa thông tin thấp, khiến cho hoạt động của lĩnh vực này chậm phát triển, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi xét đến chức năng của nó. Đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, các giá trị nhân văn bị bào mòn, văn hóa không trở thành động lực cho phát triển. Mức đầu tư cho văn hóa thấp, nhiều địa phương không phát huy được lợi thế xây dựng một bộ phận văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa quan trọng giúp tăng nhanh nguồn thu cho ngân sách. Vì thế, ở nhiều địa phương luôn rơi vào tình trạng bất cập, tạo thành một vòng luẩn quẩn trong đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa. Đầu tư cho văn hóa thấp nên chậm phát triển, vì chậm phát triển nên tỉ lệ dành cho đầu tư văn hóa lại càng thấp.

Quản lý văn hoá phải thể chế hoá được chính sách của ngành và đầu tư vào cán bộ ngành - Ảnh 3.

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người

Vậy theo ông, làm sao để tăng đầu tư cho văn hóa?

- Nhằm khắc phục tình trạng này, cần có các giải pháp hiệu quả. Vấn đề cấp bách hiện nay là các địa phương cần đổi mới nhận thức cụ thể, đúng đắn và thiết thực về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước".

Giải pháp thứ hai là cần nhanh chóng thể chế hóa, đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư cho văn hóa, xóa bỏ cơ chế xin cho hoặc định mức đầu tư chỉ do một số người ở Sở Tài chính quyết định.

Giải pháp thứ ba là cần chú trọng thay đổi nhận thức cố hữu rằng văn hóa chỉ là "ngành tiêu tiền", ngành không sản xuất, nên "khi thu được thì cho", khi khó khăn thì cắt bỏ nhiều nguồn lực đầu tư cho văn hóa.

Quản lý văn hoá phải thể chế hoá được chính sách của ngành và đầu tư vào cán bộ ngành - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Hữu Sơn

Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ với quốc tế, ngoài tinh hoa văn hóa nhân loại, nền văn hóa Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ bị "xâm lược". Theo ông, có những giải pháp gì để nâng cao "sức đề kháng" của văn hóa?

- Trong nền kinh tế thị trường, một mặt văn hóa dựa vào chuẩn mực của nó là chân, thiện, mỹ (cái đúng, cái tốt, cái đẹp) để hướng dẫn và thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, sản xuất hàng hóa với số lượng ngày càng nhiều với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên của xã hội; mặt khác, văn hóa sử dụng sức mạnh của các giá trị truyền thống, của đạo lý, dân tộc để hạn chế xu hướng sùng bái hàng hóa, sùng bái đồng tiền, nghĩa là hạn chế xu hướng tiêu cực của hàng hóa và đồng tiền "xuất hiện với tính cách là lực lượng có khả năng xuyên tạc bản chất con người, cũng như những mối liên hệ khác". Hạn chế những tiêu cực này chỉ có thể là văn hóa và chủ yếu bằng văn hóa.

Theo tôi, chúng ta phải thực hiện định hướng như Bác Hồ đã nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" và trong Nghị quyết các kỳ Đại hội đề cập văn hóa là mục tiêu, động lực để phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần thể chế hóa những định hướng, mục tiêu đó hóa thành chính sách.

Bên cạnh chính sách, chúng ta còn thiếu nhiều Luật khác về văn hóa như: Luật về quyền văn hóa của người dân, Luật về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Luật công nghiệp văn hoá, Luật về nghệ thuật biểu diễn.... Theo tôi, tất cả những điều đó cần được thể chế hoá.

Quản lý văn hoá phải thể chế hoá được chính sách của ngành và đầu tư vào cán bộ ngành - Ảnh 5.

Ngành Văn hóa cần nâng cao công tác đào tạo cán bộ

Mặt khác, tôi cho rằng bản thân ngành Văn hóa cần nâng cao công tác đào tạo cán bộ. Ví dụ như lĩnh vực thể thao, vận động viên Ánh Viên mới hơn 20 tuổi đã xin nghỉ là thiệt thòi cho đất nước, cần phải xem xét nghiêm túc. Bởi, chúng ta đào tạo được những người như vậy không dễ dàng. Hoặc như hiện nay, công tác đào tạo ở các trường múa, nghệ thuật rất khó tuyển học sinh, sinh viên. Tôi cho rằng, nếu khó khăn như vậy thì phải đầu tư lớn hơn. Bởi, đầu tư cho những ngành khác đã tốn kém nhưng đầu tư cho văn hoá, nghệ thuật còn tốn kém hơn.

Bên cạnh đó, để văn hóa phát triển, chúng ta phải xây dựng được một nền công nghiệp văn hoá. Nghĩa là, văn hóa phải là nguồn lực về kinh tế. Hiện nay, văn hoá, nghệ thuật ở lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, biểu diễn đã phát triển nhưng công nghiệp văn hóa còn nhiều lĩnh vực khác cần phải có định hướng.

Muốn bảo vệ, phát triển văn hóa dân gian cần tôn trọng môi trường sản sinh ra văn hóa dân gian. Từ việc tôn trọng văn hóa dân gian, cần tiếp tục kế thừa truyền thống để áp dụng có chọn lọc vào văn hóa dân gian của thời đại.

Tôi nghĩ, chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận về văn hoá, vì nếu đến giờ vẫn nhìn nhận văn hóa như thế kỷ XX chưa đúng. Đảng đã xác định văn hóa là động lực phát triển. Nhưng cán bộ cấp cơ sở lại chưa nhận thức được như vậy. Do đó, người quản lý văn hóa phải thể chế hóa được chính sách của ngành và đầu tư vào cán bộ ngành.

Vấn đề thể chế rất quan trọng, có thể nói quản lý thì trọng tâm là thể chế. Thước đo của người tư lệnh ngành là nghĩ ra thể chế và quản lý bằng thể chế.

Qua theo dõi, tôi nhận thấy điều đáng mừng cho Ngành là Bộ trưởng hiện nay rất quan tâm vấn đề thể chế, xác định trọng tâm là thể chế để quản lý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hà (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×