Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quản lý lễ hội truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ - qua các văn bản quản lý từ năm 1945 đến 1986

11/02/2011 | 14:10

Việc quản lý lễ hội không đơn thuần là những vấn đề của thời hiện tại mà nó còn liên quan đến những vấn đề trong quá khứ, hay nói cách khác, một hiện tượng là kết quả của một quá trình.

Không phải đến nay việc quản lý lễ hội mới trở thành những vấn đề cần quan tâm. Việc tổ chức lễ hội luôn đặt ra những câu hỏi cho công tác quản lý trong mọi bối cảnh không gian và thời gian, hay nói cách khác, mỗi bối cảnh xã hội, mỗi thời đoạn lịch sử, việc tổ chức và quản lý lễ hội có những vấn đề riêng bên cạnh những vấn đề tương đối chung khác. Ngụ ý trong lý thuyết của chúng tôi là, đối với việc quản lý lễ hội, ở trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, chúng ta gặp những vấn đề khác nhau và có những cách thức khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề quản lý lễ hội  mà chúng ta đã phải đối mặt từ trước tới nay, không thay đổi qua thời gian, đồng thời cũng có những vấn đề quản lý mới phát sinh từ những bất cập do các biện pháp quản lý cũ để lại.

Do đặc điểm bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội và văn hóa ở mỗi thời kỳ khác nhau nên nhận thức về xã hội, vai trò lễ hối đối với xã hội cũng khác nhau, chính vì lẽ đó, các cách thức quản lý lễ hội truyền thống cũng có sự khác biệt nhất định. Trong thời kỳ dân tộc ta dồn sức chống Pháp - Nhật, rồi sau đó đến đế quốc Mỹ, bên cạnh những văn kiện hướng đến mục tiêu cao cả của cả dân tộc là giành lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã có những văn kiện liên quan đến công tác quản lý văn hóa.

Một trong những văn bản đầu tiên liên quan và có ảnh hưởng sâu sắc đến công tác quản lý văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng chính là Đề cương Văn hóa Việt nam năm 1943. Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh đất nước ta chưa được độc lập, Đảng ta đang tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. “Đây là cuộc cách mạng có nhiệm vụ đánh đổ bọn đế quốc, giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ phong kiến, giành quyền làm chủ cho nhân dân lao động.” Văn hóa trong bối cảnh đó được xem như một mặt trận trong ba mặt trận: kinh tế, chính trị và văn hóa. Ba nguyên tắc cơ bản trong Đề cương Văn hóa Việt nam (dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa) đã là kim chỉ Nam cho các công tác xây dựng, phát triển và quản lý văn hóa của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm. Dù rằng lễ hội truyền thống không được trực tiếp bàn đến trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, song rõ ràng là, lễ hội truyền thống của người Việt ở châu thổ Bắc bộ cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đường lối của Đảng, đặc biệt trong lúc “cách mạng đang cần phát huy truyền thống anh hùng và yêu nước của dân tộc Việt Nam” [3, tr.27]. Như vậy, xét trên quan điểm của Đảng tại thời điểm này, việc tổ chức lễ hội truyền thống phải đảm bảo mục đích củng cố sự đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần đấu tranh anh hùng của tổ tiên để nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của nhân dân.

Trong Thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng đất nước, đồng chí Trường Chinh đã cụ thể hóa một trong những giai đoạn này là “Phát triển những cái hay, cái đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc; đồng thời bài trừ những cái xấu xa hủ bại” [4, tr. 145]. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, họp vào tháng 11/1946 ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiệm vụ của nền văn hóa mới là:

Phải lấy hạnh phúc của đồng bào, lấy sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải biết tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của nền văn hóa Việt Nam mới với ba tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng. Người chỉ rõ: văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ

Tư tưởng của Bác Hồ về biết tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của nền văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới với ba tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng một lần nữa được làm rõ trong tác phẩm Đời sống mới (1947). Trong đó, Bác viết:

Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì xấu thì ta phải bỏ (...) Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. (...) Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm (...) Cái gì mới và hay, thì ta phải làm. (...) Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới [7, tr. 94-95].

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh đã có một bản báo cáo về Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Báo cáo này được xem như sự “nhấn mạnh” đường lối chỉ đạo hoạt động văn hóa, văn nghệ của Đảng trong thời kỳ bấy giờ. Trong báo cáo có đoạn ghi rõ:

Chống tính chất lạc hậu, hủ bại, phong kiến còn lại rất nhiều trong văn hóa Việt Nam cũ, văn hóa dân chủ m ới Việt Nam phải có tính chất khoa học. Nó tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng phản đối mê tín, dị đoan: chống tư tưởng duy tâm, thần bí, chống tất cả những lề thói lôi thôi, luộm thuộm, không hợp lý hoặc phản tiến bộ; đẩy mạnh cuộc vận động đời sống mới. Một đặc điểm lớn của văn hóa dân chủ mới là chuộng thực tế và làm cho lý luận với thực tiễn kết hợp với nhau. Nó đề xướng tiến bộ và đả phá những gì ngăn cản bước tiến của dân tộc. Nhưng tiến bộ mà không ly dị với dĩ vãng của dân tộc, không lai căng, mất gốc, không a dua, không máy móc, không theo thuyết “khoa học độc tôn”... [2, tr. 140].

Tư tưởng trên một lần nữa được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trong Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương về nhiệm vụ văn hóa, ngày 26/ 05/1950, qua việc nhấn mạnh nhiệm vụ của cấp ủy là: “Muốn xây dựng văn hóa nhân dân cần học hỏi những kinh nghiệm nước ngoài nhưng đồng thời phải biết duy trì những di sản quý báu và phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc” [5, tr. 335] và “... nhiều nơi không dung hòa mọi xu hướng văn hóa, không phê bình, đả kích những xu hướng văn hóa hủ bại, tàn tích của chế độ cũ.” [5, tr. 335].

Tư tưởng xuyên suốt về phát triển văn hóa trên cơ sở giữ gìn những mặt tích cực của văn hóa truyền thống, loại bỏ những mặt tiêu cực và sửa đổi những mặt chưa phù hợp, kết hợp với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, một lần nữa được thể hiện trong Thư gửi Hội nghị cán bộ văn hóa ngày 28/02/1957 của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Về mặt tổ chức và lãnh đạo, còn thiếu chặt chẽ, chưa dựa hẳn vào lực lượng của nhân dân, chưa dùng hết khả năng của các nhà trí thức. Việc phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc (nhưng tránh “phục cổ một cách máy móc”) và học tập văn hóa tiên tiến của các nước (trước hết là các nước bạn) cũng chưa làm được nhiều [8, tr. 326].

Không những được thể hiện ở đường lối của Đảng, trong các văn bản luật pháp, Nhà nước ta cũng đã quan tâm đến các vấn đề văn hóa, trong đó có các vấn đề trực tiếp liên quan đến lễ hội. Trong Điều 10, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 quy định: công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng. Trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960, ngoài việc vẫn khẳng đinh quyền tự do tín ngưỡng của người dân (Điều 26), Điều 3, Hiến pháp còn quy định: Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán, dùng tiếng nói chữ viết, phong tục tập quán của mình. Đến Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, quyền tự do tín ngưỡng được quy định tại Điều 68. Bên cạnh đó, còn có các điều luật ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của lễ hội như tại Điều 37, Hiến pháp khẳng định: Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân; hay điều 46 quy định: Các di tích lịch sử và văn hóa, các công trình mỹ thuật công cộng, các danh lam, thắng cảnh được tu bổ và bảo vệ. Công tác bảo tồn, bảo tàng được chú trọng.

Điều đó chứng tỏ rằng, trên phương diện quản lý các lễ hội truyền thống, Đảng và Nhà nước giữ chủ trương nhất quán là: gìn giữ trên cơ sở phát huy những mặt tích cực, sửa đổi những mặt phiền phức, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong các lễ hội truyền thống. Những chủ trương trên cũng là tinh thần cơ bản của các văn bản của ngành Văn hóa trong giai đoạn này.

Ngành Văn hóa là cơ quan chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức lễ hội ở các địa phương. Rất khó có thể nói đến một vài vấn đề nảy sinh trong việc tổ chức lễ hội truyền thống trong khoảng một thời gian dài đến 40 năm, tuy nhiên, các văn bản pháp quy của ngành Văn hóa cũng cho chúng ta thấy những vấn đề liên quan đế quản lý lễ hội.

Một trong những nhiệm vụ của ngành Văn hóa trong thời kỳ này là “biến những thiết chế văn hóa của xã hội cũ thành những thiết chế văn hóa xã hội chủ nghĩa” [12, tr. 64], cũng có nghĩa là biến các cơ sở đình, chùa thành những nơi phổ biến giá trị văn hóa truyền thống và của thời đại mới. Để làm được như vậy, ngành Văn hóa cần:

Lưu ý giữ gìn và nâng cao những sinh hoạt văn hóa truyền thống có ý nghĩa tích cực, phù hợp với giá trị văn hóa xã hội chủ nghĩa, như những hoạt động văn nghệ dân gian, có ý nghĩa nhân đạo và tiến bộ, có tác dụng tạo nên tâm lý tập thể, những hoạt động nghi thức có ý nghĩa nhớ ơn tổ tiên, yêu nước, yêu quê hương, yêu lao động. Đồng thời, phải tước bỏ những yếu tố lạc hậu, mê tín dị đoan.

Để làm được điều đó, ngành Văn hóa đã cho ra đời nhiều văn bản liên quan đến quản lý, tổ chức lễ hội cũng như giữ gìn các di sản do cha ông để lại.

Trên thực tế, các văn bản trên cho phép chúng ta khẳng định có sự thay đổi nhất định trong việc tạo điều kiện, cho phép phục hồi các lễ hội truyền thống theo chiều hướng ngày càng có thêm những quy định điều chỉnh việc hội hè hơn. Một trong những văn bản có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến bản thân việc mở hội ở các địa phương cũng như nhận thức của cán bộ trong thời kỳ này chính là Thông tư số 1845 VH/TT. Khi ban hành văn bản đầu tiên có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này, ngành Văn hóa đã không tính toán hết được những phát triển lệch lạc của lễ hội sau này. Quan điểm chính của văn bản này cho thấy, ngành Văn hóa đã tạo điều kiện tối đa và hầu như không hề can thiệp vào công việc tổ chức lễ hội của người dân, chủ yếu đưa ra những hướng dẫn để người dân tổ chức lễ hội sau ngày sản xuất, để không ảnh hưởng đến công việc đồng áng, tránh đóng góp quá nhiệu, chú ý bảo vệ an toàn cho những ngày hội. Văn bản này đề cao tính tự nguyện, tự giác của người dân trong việc tổ chức lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan và lấy tuyên truyền, giáo dục nhân dân là biện pháp chủ yếu của ngành Văn hóa.

Về mặt lý thuyết, các văn bản luôn xuát phát từ những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Năm 1956 là mốc thời gian tương đối đặc biệt. Đảng và Nhà nước ta có chủ trương xóa bỏ không khí nặng nề sau cải cách ruộng đất bằng nhiều hoạt động văn hóa, trong đó có chủ trương phục hồi các lễ hội truyền thống để tạo điều kiện cho người dân vui chơi và trên thực tế, ngành văn hóa cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý các hoạt động hội hè, chính vì lý do đó, nội dung Thông tư số 1845 VH/TT rất “mở”.

Hệ quả là, đến năm 1957, nhiều lễ hội đã được tổ chức và gây ra những vấn đề cần phải quản lý. Ngày 21/4/1957, báo Nhân dân đã đăng một xã luận nhan đề: Cần sửa chữa tình trạng phát triển lễ hội chệch hướng. Và, ngay trong năm 1957, Bộ Văn hóa đã có rất nhiều Thông tư về việc chỉ đạo hội hè. Điều này chứng tỏ rằng, vấn đề phục hồi và tổ chức lễ hội truyền thống được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này, bắt đầu bằng Thông tư số 1845 VH/TT năm 1956.

Sau Thông tư số 1845 VH/TT, thực tế phát triển lễ hội đã đặt ra một số vấn đề. Nhận xét về thực trạng này, trong Thông tư 131 VH/TT ngày 01/03/1957, Bộ Văn hóa đã nêu rõ:

Trong dịp đầu xuân, nhiều nơi, việc hội hè, đình đám kéo dài và làm quá rầm rộ, phải huy động nhiều sức người, sức của và thì giờ của nhân dân; ảnh hưởng đến việc làm ăn, đến sức khỏe của nhân dân, có hại cho phong trào sản xuất và tiết kiệm. Nhân dịp đó, những tệ nạn xã hội cũ, như nạn cờ bạc, rượu chè, trai gái, và những hủ tục cũng được dịp hồi lại và phát triển, gây nên tình trạng xã hội không tốt, ảnh hưởng nhiều đến sự làm ăn, đời sống và tư tưởng của nhân dân.

So với Thông tư số 1845 VH/TT, ngành Văn hóa đã có những chỉ đạo quản lý cụ thể hơn đối với việc tổ chức lễ hội bằng những biện pháp như:

Tránh kéo dài nhiều ngày (chỉ nên thu gọn vào những ngày chính: miền xuôi 2, 3 ngày, miền núi 3, 4 ngày); tránh huy động nhân dân quá đông; tránh tốn kém tiền của vào các việc đình đám, ăn uống, sắm sửa những thứ không cần thiết, hại cho phong trào sản xuất và trái với chính sách tiết kiệm của Đảng, Chính phủ; phải đặt nhiệm vụ sản xuất cao hơn, cấp thiết hơn yêu cầu mở hội để quyết định các trường hợp cần cho mở hội (Thông tư 131 VH/TT).

Đề cao biện pháp giáo dục trong các tổ chức đoàn thể như thanh niên, nông hội, phụ nữ; coi việc tổ chức ngày hội của dân là trách nhiệm của chính quyền và đoàn thể ở mỗi địa phương (Thông tư số 785 VH/TT).

Việc lãnh đạo hộ hè, chính quyền và cấp ủy địa phương phải coi là trách nhiệm của mình, đôn đốc phân công các ngành, các giới phối hợp chặt chẽ; phân cấp quản lý theo xã – huyện – tỉnh; đả thông cho chi ủy và Ủy ban thấm nhuần chủ trương chính sách, phải làm cho thực thông suốt; chú ý quan tâm lãnh đạo những hội nhỏ (Một số kinh nghiệm về lãnh đạo hội hè năm nay, kèm theo Thông tư số 1387 VH/TT).

Quản lý dựa trên phân loại hội hè; giáo dục quần chúng; có những biện pháp cụ thể đối với những vấn đề như những người làm nghề  mê tín dị đoan, việc xóc thẻ, người ăn mày, với những phần tử xấu như lưu manh, cao bồi, gái điếm, đối với nạn cờ bạc (Thông tư số 28 VH/TT).

Xóa bỏ tệ nạn mê tín bằng cách, ở mỗi địa phương có hội, cần vạch ra quy ước tạm thời của ngày hội để làm cơ sở vận động quần chúng thực hiện; giáo dục và quản lý “ông đồng, bà cốt, ông thống, thầy bói...” ngay ở cơ sở hợp tác xã hoặc khối phố; công khai giải thích cho quần chúng về việc trừ bỏ mê tín (dựa và quy ước tạm thời của ngày hội do địa phương ban hành; thành lập ban tổ chức đảm bảo trật tự an ninh, vệ sinh phòng bệnh... cho những người đi lễ; rút ngắn thời gian của ngày hội; tạo giúp cho các địa phương giáo dục những quần chúng còn mê tín được sâu hơn, do đó dần dần đi đến xóa bỏ hẳn tệ nạn mê tín trong các ngày hội (Chỉ thị số 10 VH/TP).

Nội dung các văn bản trên cho thấy, công tác quản lý ngành Văn hóa đối với lễ hội truyền thống trong giai đoạn này quan tâm tới việc điều chỉnh những vấn đề chính sau:

Thứ nhất: liên quan đến việc phục hồi và mở hội: Trong thời gian đất nước hòa bình đến trước năm 1956 (trước khi có Thông tư 1845 VH/TT về việc tổ chức những ngày hội hè của nhân dân), các chính quyền địa phương ít đặt ra vấn đề liên quan đến việc tổ chức lễ hội. Một phần vì việc xây dựng một xã hội mới có rất nhiều công việc phải làm, tuy nhiên, phần quan trọng hơn là do Chính phủ chưa có chính sách rõ ràng trng vấn đề này (dù Đảng và Nhà nước đã có những tư tưởng chị đạo nhất định, thông qua các chỉ thị và các văn bản pháp quy, cao nhất là Hiến pháp). Trên thực tế cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975, nhiệm vụ bao trùm của toàn dân tộc là kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (từ năm 1954 đến năm 1985, dân tộc ta chỉ có 10 năm thực sự được hưởng hòa bình ở miền Bắc (từ 1954 đến 1964). Sdau đó là đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc). Cả dân tộc ta dồn sức cho tiền tuyến. Những nhu cầu khác tạm gác lại, ưu tiên hco mục tiêu giải phóng dân tộc. Trong Thông tư số 1845 VH/TT ngày 20/10/1956 về việc tổ chức những ngày hội hè của nhân dân, Bộ Văn hóa đã thẳng thắn thừa nhận về việc chưa có chính sách rõ ràng, thiếu hướng dẫn cụ thể đối với việc tổ chức lễ hội truyền thống cho người dân, vì vậy, chính quyền các địa phương chưa dám để người dân phục hồi lại các lễ hội cũ. Thậm chí ở nhiều nơi, các chính quyền huyện xã còn hạn chế việc mở hội của dân vì cho rằng, việc mở hội không phù hợp với điều kiện hiện tại và do chưa nhận thức đầy đủ, cho rằng, mở hội là mê tín, phục hồi hủ tục.

Như vậy, Thông tư số 1845 VH/TT khá “thông thoáng” trong việc phục hồi lễ hội truyền thống của các địa phương, không quy định rõ lễ hội nào không được phép mở lại và lấy giáo dục, tuyên truyền là những biện pháp tổ chức cơ bản. Phương châm căn bản như đã được đề cập trong văn bản này là: “không hạn chế, ngăn cản ý muốn mở hội của nhân dân”, “tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn trọng phong tục tập quán, mọi hình thức vui chơi cũ của nhân dân, nhưng phải có hướng dẫn, lãnh đạo khéo léo và kết hợp các hình thức mới để làm cho nội dung ngày hội thêm phong phú, lành mạnh, tránh được những lệch lạc có hại” và “Mọi hoạt động trong ngày hội đều nhằm vui chơi, giải trí, có tác dụng động viên, giáo dục nhân dân, phải tránh trở thành những hoạt động chính trị nặng nề, gò bó, mất tính vui chơi thoải mái”.

Tuy nhiên,những bất cập do sự “thông thoáng” này tạo ra, đã giúp phát sinh, phục hồi những thói quen xấu cũ vốn vẫn tồn tại trong các lễ hội, dẫn đến việc ngành Văn hóa phải phân loại các lễ hội, xác định những tệ nạn xảy ra trong lễ hội để có những cách thức quản lý nhất định. Thông tư 785 VH/TT ngày 08/07/1957 về việc lãnh đạo ngày hội của nhân dân nhấn mạnh đến việc phụ hồi lễ hội như:

Trong trường hợp mà số đông quần chúng còn muốn tổ chức thì phải tích cực hướng dẫn quần chúng biến nội dung lạc hậu (như xôi thịt, lệ làng, ngôi thứ, đồi phong bại tục, mê tín dị đoan) thành nội dung lành mạnh như: thi gia súc, rút kinh nghiệm về sản xuất, ăn cơm đoàn kết, diễn vưn nghệ (chèo, kịch...) và các trò chơi dân tộc: đánh vật, bơi chải v.v.

Ngoài ra, cũng ở nửa sau của giai đoạn này, với Thông tư số 26-VHQC ngày 10/4/1975 của Bộ Văn hóa, khi chúng ta chủ trương:

Không mở hội và bằng mọi hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, phải làm cho toàn dân thấm nhuần chủ trương đó, để từng người tự nguyện không đi trảy hội. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, mỗi cơ quan, đoàn thể, mỗi cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm tuyên truyền vận động thuyết phục người trong gia đình mình, cơ quan mình, đoàn thể mình, địa phương mình không đi trảy hội.

Và Quyết định số 56V/CP ngày 18/03/1975 của Hội đồng Chính phủ chủ trương không phục hồi những lễ hội từ lâu đã không tổ chức, cộng với những khó khăn trong điều kiện kinh tế, xã hội của nhân dân ta sau chiến tranh, nên việc tổ chức lễ hội ở các địa phương vì thế tạm thời lắng xuống.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, trong giai đoạn này, liên quan đến việc phục hồi và tổ chức các lễ hội, về mặt văn bản pháp quy, ngành Văn hóa đã có những quy định từ đơn giản đến ngày càng chi tiết hơn đối với tất cả lễ hội nói chung và từng loại lễ hội nói riêng, cũng như đối với những hiện tượng cụ thể xảy ra trong lễ hội.

Thứ hai: hạn chế người dân tham gia lễ hội, hạn chế các lễ hội kéo dài nhiều ngày.

Trong hầu hết các thông tư, thông tri hướng dẫn tổ chức lễ hội từ năm 1956 đến năm 1975 đều chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương hạn chế người dân tham gia lễ hội, hạn chế người ở địa phương khác đến tham gia các lễ hội ở địa phương mình, cũng như hạn chế số ngày tổ chức lễ hội. Trên thực tế cho thấy, vào thời gian đầu (1956 - 1957), số lượng người đến với các lễ hội rất đông, đã gây nên những vấn đề cho công tác quản lý. Nhận định về thực trạng này, Chỉ thị số 10/VH- VP ngày 15/01/1971 nêu rõ:

Từ sau khi đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại trên miền Bắc, trong 2 năm 1969 - 1970 vừa qua, người đi lễ từ các tỉnh và thành phố kéo về các nơi có lễ hội lên đến hàng vạn người, đông nhất là thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Tình hình đó không những ảnh hưởng xấu đến tinh thần, tư tưởng quần chúng mà còn gây nên lãng phí về lao động sản xuất, khó khăn về giao thông vận tải, tiếp phẩm, trật tự an ninh.

Rõ ràng là, trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vì nhiều lý do ngành Văn hóa muốn hạn chế số người đi hội (như trong Thông tư số 131 VH/TT (năm 1957), Thông tri số 1387 VH/TT (năm 1957), Thông tư số 27 TT/NC (năm 1958), Chỉ thị số 10 VH-VP (năm 1971),... ), việc tổ chức lễ hội truyền thống không được khuyến khích phát triển. Trong Thông tri số 24 VH/TT về vấn đề hội hè, Bộ Văn hóa đã nêu rõ:

 

Ngay sau khi nhận được thông tri này, các sở, ty văn hóa hãy phối hợp với các đoàn thể quần chúng trong địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy được, trong điều kiện đất nước ta hiện nay đang có chiến tranh, nhân dân ta đang phải dồn nhiều sức lực vào sản xuất và chiến đấu khẩn trương - Tất cả mọi sinh hoạt của nhân dân ta đều phải chú ý làm thế nào đừng ảnh hưởng đến hai nhiệm vụ trung tâm đó. Trên cơ sở tự nguyện, tự giác và có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, quần chúng sẽ tích cực ủng hộ chúng ta trong vấn đề hạn chế số người đi trảy hội và số ngày giờ mở hội

Qua các văn bản pháp quy của ngành Văn hóa trong thời gian này, chúng ta có thể thấy một vài biện pháp đáng lưu ý nhằm hạn chế số lượng người tham gia và số ngày tổ chức lễ hội như sau:

Các đoàn thể quần chúng, các ngành, các giới dùng biện pháp tuyên truyền giáo dục vận động quần chúng để làm giảm bớt số lượng người đi trảy hội (cần thực hiện trước khi tổ chức lễ hội 1 - 2 tháng); không khuyến khích tổ chức lễ hội to, không tuyên truyền rộng rãi; khuyến khích người dân đi trùng vào thời gian có hội hoặc ít nhất cũng vào thời kỳ cao điểm của lễ hội; thu gọn việc tổ chức lễ hội vào các ngày chính: miền xuôi 2,3 ngày; miền núi 3, 4 ngày.

Thứ ba: bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu trong lễ hội.

Người dân đến lễ hội để cầu tài, cầu lộc, cầu an, xin sự che chở của các vị thánh của cộng đồng. Lễ hội là một loại hình sinh hoạt sinh hoạt tâm linh nên có thể nói, mê tín dị đoan là một bộ phận hữu cơ luôn đi kèm với lễ hội. Không chỉ trong giai đoạn hiện nay, mê tín dị đoan mới trở thành vấn đề gây ra những khó khăn trong công việc quản lý lễ hội. Ngay trong thời kỳ đầu, ngành Văn hóa đã lưu ý đến sự phục hồi đáng lo ngại của mê tín dị đoan đi kèm với việc phục hồi lễ hội, vì vậy, trong Thông tư 785 VH/TT ngày 08/07/1957, Bộ Văn hóa đã nêu rõ:

Nên nhận thức rõ rằng, hội hè hiện nay, nếu không có sự lãnh đạo chặt chẽ, thường là cơ hội thuận tiện cho những hủ tục, tệ lậu xã hội cũ được dịp phát triển. Đây là một vấn đề xã hội cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều tổ chức đễ giải quyết chung. Căn bản là giải quyết bằng giáo dục nhân nhân, gây phong trào đời sống mới; một mặt, phải nâng cao kiến thức phổ thông, kiến thức khoa học của quần chúng, mặt khác, phải đem đến cho quần chúng những hình thức sinh hoạt văn nghệ, văn hóa lành mạnh vui tươi, chú trọng xây dựng nhà văn hóa nông thôn, câu lạc bộ xí nghiệp, cơ quan, v.v...

Sau đó, ý thức về ảnh hưởng tiêu cực của tệ nạn mê tín dị đoan trong lễ hội, trong thể lệ về tổ chức việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội ban hành kèm theo Quyết định số 56-CP ngày 18/03/1975 của Hội đồng Chính phủ đã quy định về việc phân biệt tự do tín ngưỡng với mê tín dị đoan, chỉ rõ hành vi nào là tín ngưỡng và hành vi nào là mê tín dị đoan; nhấn mạnh việc pháp luật tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân và yêu cầu các địa phương có biện pháp giáo dục những người làm mê tín dị đoan, và đặc biệt “cần xóa bỏ những hội hè mang tính chất mê tín dị đoan”.

Đề cập đến việc bài trừ mê tín dị đoan, một số văn bản của ngành Văn hóa-Thông tin đã đưa ra một số giải pháp đáng lưu ý như sau:

Đối với các hiện tượng mê tín dị đoan như: đồng bóng, bói quẻ, xem thẻ, tàn hương nước thải v.v... không nên dùng mệnh lệnh hạn chế, cấm đoán mà phải phát triển việc truyền bá khoa học phổ thông cho nhân dân, để cho đồng bào tự giải quyết trên cơ sở tự giác của từng người (Thông tư 1845 VH/TT).

Đối với việc xóc thẻ: đối với những hội có tính chất mê tín, hết sức hạn chế: giảm bớt việc xóc thẻ, hạn chế in thẻ, bỏ bớt ống thẻ, tiến đến thủ tiêu bói thẻ. Đối với những hội thuộc về loại danh lam thắng cảnh hay kỷ niệm lịch sử thì cương quyết bỏ hẳn (Thông tư 28 TT/NC).

Đối với những người làm nghề mê tín dị đoan: Giáo dục họ thông qua việc điều tra kỹ những tác hại mà họ gây ra trong các năm qua, phân tích phê phán nghề của họ là bịp bợm, là không hợp với thời đại hiện nay, mục đích là làm cho họ thấy rõ, nghề của họ không lương thiện mà tự giác bỏ. Cần chú ý đến hoàn cảnh từng người để giải quyết cho thích hợp; Những người có lao động cần thuyết phục họ quay về sản xuất, nếu gia đình họ có làm ăn buôn bán, nên trao về cho gia đình họ giúp đỡ, đồng thời có kế hoạch hướng dẫn cho thích hợp với khả năng của từng người; Đối với những người tàn tật, không còn sức lao động, nhưng gia đình họ có khả năng bao dưỡng, thì cũng giao về cho gia đình và có kế hoạch giúp đỡ. Những người thuộc loại này không có chỗ nương tựa, nếu địa phương không có biện pháp nào giải quyết, thì lập danh sách báo cáo lên tỉnh, để Ủy ban nghiên cứu kế hoạch giải quyết (trợ cấp xã hội). Những người làm nghề mê tín dị đoan ở nơi khác đến hội để làm tiền, qua việc trình báo hộ khẩu, địa phương nên tập trung họ lại, thuyết phục giáo dục họ trở về (Thông tư 28 TT/NC).

Thứ tư: những vấn đề tài chính của lễ hội. Văn bản đáng lưu ý nhất liên quan đến vấn đề tài chính của lễ hội là Thông tri số 580 VH/TT về việc sử dụng và quản lý tiền thu trong các vỉa hè. Việc quản lý số tiền thu - chi trong lễ hội nhằm đề phòng những thắc mắc trong nhân dân, nơi tổ chức các lễ hội, cũng như thỏa mãn ý muốn của những người hảo tâm đóng góp. Tinh thần chính của văn bản này (vẫn còn ảnh hổng tới cách thức quản lý tài chính trong lễ hội hiện nay chính là việc “tiền thu được trong hội nào được chi cho hội ấy” và “nhất thiết không được bỏ những số tiền thu trong các hội hè vào công quỹ, vì những số tiền này không thuộc quyền thu của quốc gia”.

Ngoài ra, trong lễ hội cũng thành lâp nên một ban quản lý có nhiệm vụ ghi chép sổ sách giấy tờ, cử người giữ tiền, lập kế hoạch, hay gửi số tiền vào ngân hàng nếu chưa sử dụng ngay.

Có thể nói, đây là những nền tảng cơ bản cho việc thu - chi trong các lễ hội truyền thống sau này. Đây là văn bản đầu tiên và duy nhất trong giai đoạn này có liên quan đến việc quản lý tài chính của lễ hội. Điều đó chứng tỏ sự phù hợp của văn bản với thực tiễn qua rất nhiều năm đi vào thực hiện.

Thứ năm: quản lý lễ hội dựa trên phân loại lễ hội.

Qua thực tê các văn bản, chúng ta có thể thấy được rằng, ngành Văn hóa-Thông tin đã cố gắng phân loại các lễ hội truyền thống để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý. Ngay từ văn bản đầu tiên, ngành Văn hóa đã ý thức được về việc phải tiến hành phân loại các lễ hội thành ba loại: 1/ ngày hội có tính chất kỷ niệm lịch sử; 2/ ngày hội tôn giáo; 3/ những ngày hội có tính chất vui chơi như hội mùa. Tuy nhiên sau đó, thực trạng cho thấy nhiều lễ hội phát triển tràn lan, thiếu sự lãnh đạo, hướng dẫn của ngành văn hóa, mà một trong những nguyên nhân đã được ngành Văn hóa tự chỉ ra trong Thông tư 785 VH/TT ngày 08/07/1957 là do “Bộ Văn hóa đã nêu lên vấn đề khôi phục hội hè nói chung mà thiếu phân biệt các thứ hội hè để có những chủ trương cụ thể cho thích hợp”. Chính vì lẽ đó, lần đầu tiên, trong văn bản này, ngành Văn hóa đã xác định các loại hội như sau: 1/ Các ngày hội có tính chất kỷ niệm các anh hùng dân tộc, kỷ niệm lịch sử; 2/ Các ngày hội có tính chất hội mùa vui chơi sau ngày sản xuất hay trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa các địa phương; 3/ Các ngày hội nặng về tính chất tôn giáo; 4/ Các loại đình đám ở thôn, xã nặng về mặt hủ tục; 5/ Các hội của đồng bào thiểu số.

Đến Thông tư số 28 TT/NC ngày 03/09/1958, Bộ Văn hóa phân loại các lễ hội thành: hội có tính chất đến vãng cảnh, danh lam thắng địa, di tích lịch sử; hội có tính chất kỷ niệm anh hùng lịch sử; hội có tính chất mê tín dị đoan; hội mùa; 5/ hội hè miền núi; hội hè đình đám nhỏ ở nông thôn; các lễ ở các phủ, lầu, miếu, điện.

Trong Thông tri 24 VH/TT ngày 12/2/1972, Bộ Văn hóa đã lưu ý các địa phương tiến hành điều tra, nghiên cứu, lập danh sách và phân loại các lễ hội truyền thống, trên cơ sở đó đề ra chủ trương, biện pháp quản lý phù hợp. Bộ Văn hóa đã đã gợi ý phân loại thành một số loại lễ hội như: loại hội mang tính chất lịch sử như hội đền Hùng, hội đền Kiếp Bạc; loại hội mang tính chất tham quan, thắng cảnh và một phần tín ngưỡng như hội chùa Hương; loại hội đơn thuần mang tính chất mê tín dị đoan...

Chính nhờ có sự phân loại lễ hội, công tác quản lý của ngành Văn hóa-Thông tin đối với từng loại lễ hội đã có cụ thể hóa rõ ràng hơn. Chẳng hạn, tại Chỉ thị số 54/VH-QC ngày 05/04/1977 về việc chỉ đạo các ngày hội, Bộ Văn hóa đã có những hướng dẫn cụ thể đối với việc tổ chức từng loại lễ hội này như: Kiên quyết xóa bỏ những hội mang tính chất mê tín dị đoan; sử dụng các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền phổ biến rộng rãi chủ trương không mở hội chùa Hương, giải thích mục đích và ý nghĩa của việc thăm cảnh chùa Hương như việc thăm quan một thắng cảnh, để mọi người có thể đi thăm quan vào các tháng trong năm, không tập trung vào ngày lễ hội như trước kia; với những lễ hội kỷ niệm như hội đền Hùng, đền Kiếp Bạc..., chính quyền địa phương cần tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, thể dục thể thao lành mạnh trong ngày đó.

Thứ sáu: quản lý lễ hội dựa trên việc tuyên truyền, giáo dục trong quần chúng.

Trên thực tế, các văn bản, ngành Văn hóa - Thông tin luôn mong muốn tác động đến việc tổ chức lễ hội của quần chung thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục chứ không bằng những mệnh lệnh hành chính. Ngay trong văn bản đầu tiên của ngành Văn hóa - Thông tin liên quan trực tiếp đến việc tổ chức lễ hội, chúng ta đã thấy ý tưởng này, đó là: chủ trương phục hồi lễ hội dựa trên chính sách khôi phục những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng tự do tín ngưỡng, quan taam đến việc nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần củng cố miền Bắc, có tác dụng tranh thủ miền Nam, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với đời sống tinh thần nhân dân.

Hoặc trong Chỉ thị 54 VH-QC ngày 05/04/1977 cũng nêu rõ: “Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong quần chúng về chủ trương không mở hội, tiếp tục nâng cao nhận thức trong quần chúng về tự do tín ngưỡng và bài trừ mê tín dị đoan”.

Thứ bảy: quản lý lễ hội dựa trên sự tôn trọng tự do tín ngưỡng.

Đây là tinh thần nhất quán trong các văn bản từ những ngày đầu của ngành Văn hóa - Thông tin với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân, đã được nêu trong Hiến pháp qua các thời kỳ.

Trong Thông tư 1845 VH/TT ngày 20/10/1956, Bộ Văn hóa đã nhấn mạnh mục đích tổ chức lễ hội: “Đáp ứng yêu cầu về tín ngưỡng của nhân dân, làm cho nhân dân thêm tin tưởng vào chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Chính phủ” và: “Chủ trương khôi phục lại những ngày hội hè của nhân dân là dựa trên chính sách phục hồi những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng tự do tín ngưỡng, quan tâm đến việc nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân”. Trong Chỉ thị số 54 VH/QC ngày 05/04/1977, dù chủ trương không mở hội, nhưng Bộ Văn hóa nhấn mạnh thêm một lần nữa về việc nâng cao nhận thức trong nhân dân đối với vấn đề tự do tín ngưỡng.

Như vậy, không phải do lễ hội truyền thống hầu như không được tổ chức thường xuyên và nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã bao trùm hết mọi quan tâm của xã hội, mà cả một thời kỳ dài (30 năm) và cả hơn một thập kỷ sau đó, chúng ta không gặp vấn đề gì về việc tổ chức lễ hội. So sánh những vấn đề đã được đề cập trong các văn bản và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, các vấn đề đó có thể khái quát lại như sau:

Tổ chức hội “chui”: các lễ hội mở không công khai.

Về mặt văn bản quản lý, Đảng và Nhà nước ta chưa bao giờ cấm việc tổ chức mở hội của người dân (trừ hai lễ hội phủ Giầy và đền Đồng Bằng có văn bản chính thức theo Quyết định số 56-CP ngày 18/03/1975 của Hội đồng Chính phủ). Tuy nhiên, trong một thời gian dài, việc mở hội truyền thống không nằm trong các ưu tiên của chính quyền các địa phương trong việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa cho người dân, thậm chí một số nơi, có địa phương cấm việc tổ chức lễ hội.

Đánh giá về thời kỳ này, trong Báo cáo sơ kết ba năm thực hiện Quy chế mở hội truyền thống, tác giả Trương Thìn nhắc đến nguyện vọng của người dân trong việc mở lại các sinh hoạt lễ hội sau những năm dài chiến tranh trong bối cảnh dù Nhà nước không cấm đoán nhưng lại cũng không có chủ trương cho phép mở hội: “Vì thế, mà không có hướng dẫn cho nhân dân, nên nơi nào “phá rào” là tự phát, nơi nào giữ “cấm đoán” thì nhân dân đến hội không công khai”.

Thực ra không phải trong toàn bộ giai đoạn này 1945 - 1986, việc tổ chức các lễ hội ở châu thổ Bắc Bộ đều ở trong tình trạng “ngưng trệ”. Trong khoảng những năm 1956 - 1957, các lễ hội truyền thống ở vùng này được phục hồi và tổ chức tương đối rầm rộ, thậm chí quá mức dẫn đến việc Bộ Văn hóa phải ra những thông tư chỉ  đạo hạn chế. Lý do của tình trạng bùng nổ việc phục hồi các lễ hội trong gia đoạn này là: giai đoạn sửa sai cải cách ruộng đất, vì vậy, Nhà nước muốn dấy lên bầu không khí vui vẻ trong nhân dân (sau cải cách ruộng đất), chính vì vậy, Thông tư 1845 về việc tổ chức hội hè cho nhân dân ra đời là “cú huých” cho các địa phương phục hồi lễ hội; trên thực tế, trải qua nhiều năm tháng kháng chiến, rồi cải cách ruộng đất, một số sai lầm cũng chưa dược giải quyết một cách thỏa đáng, tình hình nông thôn chưa thật ổn định nên tinh thần nhân dân bị căng thẳng, họ thực sự có nhu cầu giải tỏa tâm lý; trong mấy năm liên tiếp, nhân dân được mùa.

Tuy nhiên, sau đó, đặc biệt từ 1975 trở về sau (kể từ Thông tư số 26-VHQC ngày 10/04/1975 của Bộ Văn hóa), khi chúng ta chủ trương không mở hội nên trong một thời gian dài, nhiều địa phương trên cả nước nói chung, vùng châu thổ Bắc Bộ nói riêng không tổ chức các lễ hội. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều địa phương tổ chức các lễ hội “chui” vì trên thực tế, lễ hội vẫn diễn ra. Tuy nhiên, không có văn bản pháp quy chế tài nào, không có báo cáo về công tác tổ chức, vì vậy, việc tổ chức lễ hội “chui” không tồn tại trên văn bản.

Các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể trong lễ hội bị mai một.

Cũng bắt nguồn từ thực trạng quy chế về lễ hội truyền thống chưa cụ thể, cũng như chưa có những hướng dẫn khác trong việc phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể trong lễ hội, nên trong nhiều năm, các lễ hội được tổ chức một cách tự phát, chủ yếu quan tâm đến phần tế lễ, ít quan tâm đến việc bảo lưu các giá trị văn hóa khác. Chính vì vậy, xảy ra tình trạng là các công trình vật thể gắn liền với lễ hội bị xuống cấp, các diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian bị mai một, các di tích (môi trường diễn xướng của các lễ hội) bị xâm hại. Trong Chỉ thị số 91 VH/CT ngày 04/10/1973 của Bộ Văn hóa đã chỉ ra một vài thực trạng như: di tích Cổ loa (Đông Anh, Hà Nội) bị mười cơ quan, xí nghiệp xây dựng nhà làm việc, kho tàng và nhà ở ngay tại khu vực bảo vệ di tích; tại di tích Văn Miếu, cơ quan Văn hóa - Thông tin của Hà Nội và bốn cơ quan kinh tế của Đống Đa đã xây dựng nhà ở, làm kho tàng, đặt cửa hàng trong khu vực bảo vệ, gây mất trật tự, vệ sinh và trở ngại công tác phát huy tác dụng di tích; tại Hải Phòng, cơ quan Thông tin thành phố đã dùng đình Hàng Kênh làm kho dụng cụ và để nhiều gia đình tư nhân làm nhà ở trái phép trong khu bảo vệ; tại Hà Tây, Ủy ban hành chính huyện Ứng Hòa đã cho phép Nhà máy cao su Sao Vàng mượn đình Vân Đình để chứa bột than hun, làm đen đình; tại Đình Bảng, đình Đồng Kỵ, chùa Dâu (Hà Bắc) bị biến thành kho lương thực trong thời chiến, đến thời điểm báo cáo, các cơ quan lương thực vẫn còn dây dưa, không chịu trả lại cho cơ quan văn hóa; tại Nam Hà, chính quyền huyện Nam Ninh đã cho phá một lúc ba đình chùa để mở đường và xây trụ sở mới của Ủy ban.

Tác giả Đinh Gia Khánh và Lê Hữu Tầng nhận xét về thời kỳ này như sau:

Từ những năm 40 đến những năm 70 của thế kỷ này, tức là trong hai cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài, phần lớn các hội lễ dân gian truyền thống không thể tổ chức được. Và, nếu đôi khi một vài hội lễ nào đó đã được tổ chức thì quy mô cũng bị thu hẹp lại rất nhiều. [9, tr. 26].

Một học giả khác nhận định rằng, trong những năm 1960, tế lễ được xem là mê tín, và là tàn dư níu kéo thời kỳ phong kiến [14, tr. 314]. Nhiều di tích đình, chùa, đền miếu bị tàn phá qua chiến tranh mà hầu như không được tu bổ hoặc bị thay đổi chức năng, không còn là nơi tiến hành các lễ hội truyền thống mà trở thành lớp học, kho lương thực... Tác giả Tô Ngọc Thanh đã nhận xét rằng, thời kỳ đó đình làng chỉ được xem như tàn tích của một hệ thống văn hóa đã đi vào quá khứ, bị biến thành trường học, trụ sở ủy ban... và ít ai để ý nếu nó bị hư hại

Tác giả Nguyễn Thanh nêu lên một thực trạng tương tự tại Thái Bình và cho rằng, sự mất mát, hư hại của các di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể bắt nguồn từ những nhận thức bất cập về văn hóa và di sản văn hóa của thời kỳ đó. Ông kết luận: Khó tính đếm được bao nhiêu công trình đền, chùa, miếu, am, phủ, văn từ, văn chỉ, từ đường, lăng, tẩm bị tháo rỡ chỉ vì nó bị kết tội là di sản của thời phong kiến. Có biết bao nhiêu lễ hội, lễ tục trong các cộng đồng bị cấm đoán vì quan niệm hòn nhiên cho là lạc hậu, là mê tín dị đoan.

Ông Vĩnh Cát nhận xét: sau ngày giải phóng Thủ đô (10 - 1954), cùng với diễn biến của cải cách ruộng đất với nhận thức ấu trĩ, đơn giản của mọi người nên hầu hết tất cả các lễ hội dân gian truyền thống đều bị coi là “di sản phong kiến, lạc hậu” là “hủ tục”... Các di tích văn hóa, lịch sử như đình, đền, chùa, miếu... phải chịu số phận “hương lạnh khói tàn”. Trong khí thế của phong trào “tập thể hóa”, những cơ sở vật chất của lễ hội đều bị chuyển thành nhà kho, sân phơi, trụ sở, trường học v.v... Nhiều đồ thờ cúng đã bị đem ra sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Do vậy, lễ hội truyền thống gần như mất hết cơ sở vật chất để tồn tại, thế nhưng, nó vẫn tồn tại trong ý thức mọi người.

Như vậy, rõ ràng đi kèm với sự xuống cấp của các di tích là sự mai một của các hình thái văn hóa phi vật thể đi kèm với nó và lễ hội là một trường hợp tiêu biểu. Quan hệ giữa di tích và lễ hội là mối quan hệ song song: nếu các di tích được tu bổ, tôn tạo tốt thì lễ hội có khả năng phát triển và ngược lại... Đây là xu hướng mà chúng ta có thể thấy được trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức không đồng đều của các cán bộ trong các cấp, các ngành liên quan đến việc quản lý lễ hội đã dẫn đến việc có nơi lễ hội truyền thống được phục hồi và tổ chức một cách thái quá, có nơi lễ hội truyền thống bị ngăn cấm không cho tổ chức.

Cuối năm 1956 đầu năm 1957, ngay sau Thông tư số 1845 VH/TT, hàng loạt lễ hội truyền thống ở miền Bắc được khôi phục (sau một thời kỳ dài, vì nhiều lý do, không được tổ chức). Việc bùng nổ lễ hội trong thời kỳ này đã dẫn đến nhiều vấn đề trong quản lý, chẳng hạn như, các ngày hội được mở ra kéo dài liên miên ảnh hưởng không nhỏ đến lao động sản xuất của nhân dân; các đội văn nghệ nghiệp dư phát triển ở khắp nơi, biểu diễn ở khắp nơi, trong nhiều ngày, tụ họp quá nhiều người như ở Hà Đông có xã mấy chục đội, có đội văn nghệ gần 100 người;... đặc biệt là các tệ nạn xã hội cũng phục hồi cùng với lễ hội. Do nhận thức khác nhau về vai trò của lễ hội cũng như cách thức quản lý lễ hội, nhiều nơi lúc khôi phục thì khôi phục máy móc, ồ ạt, cái gì cũng khôi phục đã dẫn đến phục hồi cả các tệ nạn xã hội cũ như cờ bạc, mê tín... Lúc cấm đoán thì lại cấm luôn cả tổ chức lễ hội. Các vấn đề như mê tín dị đoan, các hủ tục thì mỗi nơi hiểu một cách, hoặc mỗi thời kỳ hiểu một cách. Có thời kỳ chúng ta cho rằng, rước kiệu cũng là mê tín. Nhận xét về thời kỳ này, Thông tư số 785 ngày 08/07/1957 của Bộ Văn hóa đã viết: Nhưng tình hình phổ biến là phong trào hội hè trong thời gian vừa qua đã phát triển tràn lan, thiếu lãnh đạo, thiếu hướng dẫn, đã ngăn trở một phần các công tác, sản xuất tiết kiệm, sửa sai v.v... đồng thời, tạo cơ hội thuận lợi cho một số phần tử cơ hội làm sống lại những hủ tục, tệ nạn xã hội cũ như cờ bạc, xôi thịt, ngôi thứ, nhất là mê tín dị đoan; có nơi lệ tục đã phát triển đến mức nghiêm trọng.

Lễ hội bị biến dạng thành các cuộc mít tinh.

Dù ngay trong thông tư đầu tiên về quản lý và tổ chức lễ hội cho nhân dân năm 1956, ngành Văn hóa đã nhấn mạnh đến việc: “Mọi hoạt động trong ngày hội đều nhằm vui chơi, giải trí, có tác dụng động viên, giáo dục nhân dân, phải tránh trở thành những hoạt động chính trị nặng nề, gò bó, mất tính vui chơi thoải mái”, song, do nhiều địa phương quá nhấn mạnh đến ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hóa trong thông tư sau đó (Thông tư 785 VH/TT ngày 08/07/1957) về:

Đối với các ngày hội có tính chất kỷ niệm các anh hùng dân tộc, kỷ niệm lịch sử, như hội đền Hùng, hội đền Kiếp Bạc, hội đền Bà Triệu, ngày giỗ trận Đống Đa v.v... thì chúng ta cần nêu cao ý nghĩa của ngày kỷ niệm, nêu gương của các anh hùng dân tộc để giáo dục cho quần chúng tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, vì thế, nhiều lễ hội, về sau này, đã bị biến dạng thành các cuộc mít tinh. Ông Vĩnh Cát đã nhận xét về thời kỳ này như sau: một số lễ hội lớn có tiếng như: Cổ Loa, Phù Đổng, Đồng Nhân, Chèm v.v... tuy còn được mở, đã biến dạng đi rất nhiều. Trình tự lễ hội thường thấy là, lãnh đạo chính quyền đọc diễn văn ca ngợi sự tích và sự kiện của người anh hùng được tôn thờ, có kết hợp với “tình hình nhiệm vụ cách mạng hiện nay”, làm lễ dâng hương tưởng niệm, tổ chức để nhân dân địa phương và khách thập phương đến thăm quan chiêm ngưỡng và kết thúc là một buổi biểu diễn văn nghệ.

Như vậy, trong giai đoạn lịch sử đầy biến động trước năm 1975, khi mục tiêu cao cả nhất của cả dân tộc là giành độc lập cho dân tộc, thực thế hoạt động lễ hội và việc quản lý lễ hội thông qua các văn bản có những vấn đề đang lưu tâm. Các văn bản quản lý lễ hội có tác dụng điều chỉnh lễ hội theo những hướng nhất định, cho những hoàn cảnh nhất định và phục vụ những mục đích nhất định. Lễ hội truyền thống chịu sự chi phối ấy, nhưng có những thay đổi phù hợp với hoàn cảnh qua những cách thích nghi trên cơ sở vừa cố gắng tuân thủ các văn bản, sự chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc tổ chức lễ hội, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ. Sự thích nghi này vừa có tác dụng tích cực, vừa có tác dụng tiêu cực đối với sự phát triển lễ hội thời ấy cũng như sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển các lễ hội về sau này. Lễ hội lúc này là sự tích hợp của cả các yếu tố truyền thống và những thay đổi, yêu cầu của thời đại. Lễ hội lúc này là sự tích hợp của cả các yếu tố truyền thống và những thay đổi, yêu cầu của thời đại. Lễ hội vừa là chính nó, vừa mang những yếu tố mới (tất nhiên, không phải mọi lễ hội đều có chung một cách biến đổi). Và, nó mang tất cả các yếu tố đó chuyển giao cho một giai đoạn mới: giai đoạn cả xã hội thay đổi cùng với trào lưu đổi mới.

Kết luận: Qua việc trình bày sự hình thành các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý lễ hội truyền thống và những vấn đề thực tiễn phát sinh, chúng tôi nhận thấy rằng, những thay đổi do bối cảnh xã hội và giai đoạn lịch sử khác nhau trong việc tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống. Bản thân lễ hội truyền thống đã là một hiện tượng xã hội, có đời sống riêng của nó, phát sinh, tồn tại và biến đổi qua thời gian. Tuy nhiên, không thể tách riêng sự vận hành của lễ hội truyền thống ra khỏi những tác động khác của các lĩnh vực thuộc đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, luật pháp... Chính vì lẽ đó, khi chúng ta xem xét sự thay đổi của việc tổ chức và quản lý lễ hội, chúng ta luôn phải đặt công việc này trong một tọa độ không gian và thời gian cụ thể và xem xét chúng trong mối quan hệ qua lại với các hiện tượng xã hội khác. Loại bỏ những yếu tố này, đối tượng nghiên cứu của chúng ta - việc quản lý lễ hội truyền thống - sẽ bị rơi vào những lý luận thuần túy, không có cơ sở thực tiễn, khó có thể áp dụng trong những hoàn cảnh cụ thể.

Qua việc trình bày những vấn đề đặt ra đối với quản lý lễ hội truyền thống của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ, chúng ta có thể thấy sự vận động của các văn bản một phần dựa vào sự thay đổi, sự phù hợp đối với thực tiễn mà văn bản này, hay những văn bản trước đó tạo ra. Mong muốn của những nhà quản lý và những người soạn thảo văn bản thể hiện trên những văn bản được ban hành không phải lúc nào, khi nào cũng đạt được, không những thế, văn bản này có thể là nguyên nhân dẫn đến việc ban hành những văn bản tiếp theo để bổ sung. Đánh giá một cách khách quan, chúng tôi cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là lý do kỹ thuật của khâu soạn thảo văn bản mà là logic tất yếu của bất kỳ việc ban hành văn bản nào. Mọi văn bản không thể nào bao quát hết được tất cả diễn biến trong đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của mình vì một điều đơn giản rằng, mọi hiện tượng xã hội rất đa dạng,và luôn trong trạng thái thay đổi và phát triển. Dưới những cách tiếp cận khác nhau, chúng ta sẽ có những cách lý giải và quản lý khác nhau.


(Theo Tạp chí Di sản Văn hóa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×