Phương án ứng phó thiên tai, bảo vệ di tích Mỹ Sơn trước mùa mưa bão
12/10/2023 | 16:08Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) trên địa bàn đơn vị quản lý nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn trong mùa mưa bão năm 2023.
.
5 khu vực trên địa bàn Ban quản lý Di sản văn hóa (BQL DSVH) Mỹ Sơn quản lý bảo vệ nằm biệt lập, khá cách xa nhau trung bình, trong đó Khu đền tháp, khu Nhà đôi nằm trong thung lũng hẹp, bao bọc xung quanh là núi, có độ dốc cao.
Mùa mưa bão, lũ từ tháng 8-12 ở khu vực này thường hay xảy ra lũ quét, lốc xoáy, sạt lỡ núi, cây ngã đổ, hư hỏng đường, mất hệ thống thông tin liên lạc và điện thắp sáng, gây ngập cục bộ tại di tích. Đây cũng là khu tập trung đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan trong ngày, lượng du khách cao điểm từ tháng 10-tháng 3 hằng năm, cũng là thời điểm mưa bão diễn ra mạnh. Nhiều trường hợp tuyến đường từ cầu Khe Thẻ đến khu vực di tích bị ngập cục bộ, sạt lở taluy dương ven đường từ cầu Khe Thẻ đến khu Nhà đôi, lũ quét thường xuyên xảy ra, đe dọa đến tính mạng và tài sản của du khách, người đi đường.
“Do đó, BQL đã xây dựng và ban hành phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn BQL nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra”, ông Phan Hộ, Giám đốc BQL DSVH Mỹ Sơn cho biết.
Cụ thể, thành lập Ban chỉ huy PCTT-TKCN gồm 15 thành viên cùng lực lượng thường trực. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng, phòng đội chuyên môn.,…Bên cạnh đó, lực lượng thường trực về phòng, chống thiên tai của BQL DSVH Mỹ Sơn có từ 38-40 người thuộc các phòng an ninh - bảo vệ, lực lượng tự vệ và đoàn thanh niên, cắt cử trực 24/24h, thành lập các đội cứu nạn, cứu hộ và chuẩn bị phương tiện, vật tư đầy đủ, sẵn sàng khi có thiên tai, bão lũ.
Đồng thời xây dựng phương án ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới, lũ như: Tổ chức trực ban 24/24 giờ và tham mưu cho BCH PCTT –TKCN; đôn đốc, chỉ đạo, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn. Thành lập các đội cứu nạn, cứu hộ và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
Trước mắt, đơn vị đang triển khai khảo sát cắt hạ độ cao cây cối có nguy cơ ngã đổ gây ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa, cây trồng ven đường giao thông. Đặc biệt là cây có nguy cơ ngã đổ đến các công trình đền tháp.
Công tác chuẩn bị vật tư để chằng chống nhà cửa, vật tư dùng để xử lý sự cố các công trình, đặc biệt là hệ thống công trình di tích và giao thông…
Triển khai bộ phận hậu cần dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần dùng phục vụ cho công tác PCLB và khắc phục sau bão; các bộ phận quản lý điện, thông tin để đảm bảo an toàn điện lưới; thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành công tác PCTT –TKCN.
Đặc biệt, chú trọng công tác huy động lực lượng từ các đội thanh niên xung kích, tự vệ, lực lượng bảo vệ. Theo đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng, phòng đội chuyên môn; phụ trách theo từng khu vực phải có trách nhiệm chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, hàng hoá trước, trong và sau khi bão lũ xảy ra. Tổ chức lực lượng tham gia khắc phục thiệt hại sau bão lũ….
Bố trí lực lượng trong trường hợp thiên tai, bão lũ xảy ra sẽ triển khai chốt chặn, chủ động cấm người và phương tiện tham gia giao thông qua các khu vực nguy hiểm; Tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và tìm kiếm người, phương tiện, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại khi có lũ. Tổ chức dọn dẹp cây cối ngã đổ, đất đá sạt lở ven đường gây ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa, các công trình đền tháp.
Chuẩn bị phương tiện, hậu cần tại chỗ để ứng phó với lũ, ngập lụt; vật tư dùng để xử lý sự cố các công trình, đặc biệt là các công trình kiến trúc đền tháp, công trình giao thông,…