Phú Yên xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2024
29/11/2024 | 14:32Toàn tỉnh Phú Yên hiện có có 602 hương ước được công nhận trên tổng số 602 thôn, buôn, khu phố, đạt tỷ lệ 100%.
Thực hiện Quyết định số 17/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch công tác quản lý về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2024, Sở VHTTDL Phú Yên đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 329/KH-SVHTTDL về thực hiện công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước năm 2024 để triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện hương ước, quy ước chủ yếu gắn với việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống nông thôn mới, đô thị văn minh"; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục thực hiện Quyết định số 1597/QĐ-UBND của UBND tỉnh về định hướng nội dung hương ước, quy ước thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Phú Yên; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế địa phương và quy định của pháp luật hiện hành.
Công tác phổ biến, tuyên truyền và tập huấn công tác quản lý, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được thực hiện lồng ghép vào các đợt tuyên truyền, tập huấn về Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và công tác gia đình.
Trong năm 2024, Sở đã tổ chức 01 hội nghị với 236 đại biểu tham dự. Qua đó, nhận thức của các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước đối với quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư ngày càng được nâng lên; sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị có liên quan chặt chẽ, hiệu quả; chính quyền các địa phương đã chủ động hơn trong việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư gắn với thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, xây dựng nông thôn mới, góp phần quản lý xã hội, gìn giữ truyền thống, phong tục, nếp sống văn hóa riêng của địa phương, từ đó tiếp tục nêu gương, nhân rộng những cách làm hay, thiết thực và phê phán những biểu hiện tiêu cực, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, kém văn minh đến cán bộ, nhân dân.
Toàn tỉnh Phú Yên hiện có có 602 hương ước được công nhận trên tổng số 602 thôn, buôn, khu phố, đạt tỷ lệ 100%, trong đó: Số hương ước được UBND cấp xã công nhận theo Nghị định 61/2023/NĐ-CP là 140 hương ước2 (tỷ lệ 23,3%). Số hương ước được UBND cấp huyện công nhận là 462 hương ước (đang thực hiện rà soát để điều chỉnh và trình công nhận theo quy định của Nghị định 61/2023/NĐ-CP).
Xác định việc xây dựng hương ước, quy ước nhằm quy định những quy tắc xử sự chung trong cộng đồng dân cư, do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân trong cộng đồng dân cư đó và được cấp có thẩm quyền công nhận. Hương ước, quy ước thôn, buôn, khu phố với mục đích phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực hỗ trợ việc quản lý nhà nước bằng pháp luật; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Việc xây dựng và công nhận hương ước, quy ước cơ bản thực hiện theo đúng quy định về trình tự, quy trình soạn thảo, thông qua, thẩm định, công nhận; đảm bảo phát huy dân chủ, được lấy ý kiến của các hộ gia đình và thảo luận của nhân dân trước khi thống nhất thông qua, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt công nhận.
Nội dung các bản hương ước, quy ước thực hiện bảo đảm kế thừa có chọn lọc theo định hướng và mục đích, nguyên tắc theo quy định của pháp luật, không trái với quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức xã hội, lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng và phù hợp với các phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương, điều chỉnh các mối quan hệ mang tính tự quản của cộng đồng và những lĩnh vực pháp luật chưa có điều chỉnh nhằm xây dựng nếp sống văn hóa mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em. Nhiều hương ước, quy ước đã thể hiện được trí tuệ, công sức của tập thể cộng đồng, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của làng, xóm, dòng họ. Bố cục của hương ước, quy ước ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với cộng đồng dân cư.
Các địa phương chú trọng việc rà soát các hương ước, quy ước, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội cộng đồng dân cư; đồng thời theo dõi, đánh giá đầy đủ tiêu chuẩn về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong công nhận các danh hiệu văn hóa.
Các hộ gia đình, cá nhân trong thôn, buôn, khu phố thực hiện nghiêm theo hương ước, quy ước được công nhận, góp phần tích cực vào kết quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nông thôn mới, phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng; xây dựng đời sống văn hóa, tình làng, nghĩa xóm; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự… hạn chế, từng bước loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội, phát huy những truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới, khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; việc cưới đã đơn giản các thủ tục đảm bảo phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình. Nhiều địa phương đã hình thành những tập tục mới tốt đẹp như vận động đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa, công trình công cộng, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.