Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Yên: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

26/01/2021 | 09:45

Gia đình là cái nôi của xã hội, một xã hội tốt được xây dựng trên nền tảng của những gia đình tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình".

Phú Yên: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Một tiểu phẩm xây dựng gia đình văn hóa tại Hội thi CLB Gia đình phát triển bền vững.

Thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên triển khai nhiều giải pháp hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), qua đó tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Nhiều chuyển biến tích cực

Chia sẻ về xây dựng hạnh phúc gia đình, chị Nguyễn Thị Thanh Liêm ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cho biết, để giữ không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận trong gần 10 năm chung sống, cả hai vợ chồng phải luôn đồng lòng, chia sẻ mọi việc trong cuộc sống. "Chúng tôi luôn chia sẻ công việc cho nhau trên tinh thần bình đẳng, hòa thuận. Sau những giờ làm việc, chồng tôi luôn giúp đỡ vợ việc nhà và nhường nhịn trong từng lời ăn tiếng nói, hạn chế giận hờn, xích mích với vợ để giữ hòa khí gia đình", chị Liêm nói.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa, địa phương đã cấp phát tờ rơi đến 9 xã, thị trấn và CLB Gia đình phát triển bền vững; tổ chức hội thi "Tìm hiểu về Luật Phòng, chống BLGĐ", hội thi "Tìm hiểu về kiến thức gia đình"; tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp và truyền thông Luật Phòng, chống BLGĐ bằng nhiều hình thức như: giao lưu văn nghệ giữa các CLB, tuyên truyền trên đài phát thanh... Qua đó nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới, hạn chế tình trạng BLGĐ, biết cách xử lý, can thiệp, giúp đỡ các trường hợp bị BLGĐ.

"Phần lớn các vụ BLGĐ xảy ra do mâu thuẫn vợ chồng, cha mẹ, dẫn đến bất hòa trong cuộc sống. Song các vụ BLGĐ này đã được các hội, đoàn thể địa phương hòa giải thành công, chưa có vụ nào bị xử lý hành chính, hình sự hay cấm tiếp xúc. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay xảy ra 15 vụ BLGĐ, đã hòa giải, tư vấn, giúp đỡ, góp ý tại cộng đồng dân cư thành công, giúp các gia đình ổn định cuộc sống", ông Nguyễn Thành Sơn nói.

Huyện Tây Hòa cũng là một trong những địa phương đã và đang thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống BLGĐ. Trong đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền về xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình, bình đẳng giới; phổ biến những chính sách pháp luật liên quan đến gia đình nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các tầng lớp nhân dân.

Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Hòa Huỳnh Thị Thu cho biết: Hiện nay, 25 nhóm phòng, chống BLGĐ ở các xã đã tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần phòng ngừa BLGĐ. Nhờ vậy, số vụ BLGĐ trên địa bàn huyện giảm dần. Đặc biệt, việc gắn với các mô hình khác như: xây dựng gia đình không sinh con thứ ba trở lên, 5 không 3 sạch và xây dựng 3 công trình vệ sinh: giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh... đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của nhân dân trong xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình.

Chung tay từ các gia đình

Theo Sở VHTTDL, năm 2020, công tác phòng, chống BLGĐ tuy có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ BLGĐ giảm nhưng hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí, vai trò của gia đình chưa cao. Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tảo hôn, không đăng ký kết hôn, BLGĐ... vẫn còn xảy ra; các hoạt động biểu dương, nhân rộng gương điển hình thực hiện tốt việc xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH chưa kịp thời...

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cấp huyện và cấp xã thường xuyên thay đổi; cấp xã không có cán bộ chuyên trách phụ trách công tác gia đình và thiếu đội ngũ cộng tác viên cơ sở. Đặc biệt, các mô hình phòng, chống BLGĐ được triển khai rộng khắp, phát triển về số lượng nhưng do đây là hoạt động tự nguyện, không có chế độ và kinh phí nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của phong trào.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, để giảm thiểu tình trạng bạo lực và làm tốt công tác phòng, chống BLGĐ thì hai yếu tố cơ bản là người làm công tác gia đình phải nhiệt tình, tận tâm và mỗi gia đình, mỗi người dân phải thực sự đồng hành. Chỉ khi gia đình và cộng đồng cùng chung tay tháo gỡ "nút thắt" ngay từ gốc vấn đề thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nạn BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.

"Thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể về công tác gia đình; kịp thời kiện toàn ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp và phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của thành viên ban chỉ đạo; đổi mới nội dung, phương thức trong công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, sở tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình, tăng cường phân bổ kinh phí và nguồn nhân lực... nhằm phát huy hiệu quả và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc", bà Thái cho biết thêm.

Chỉ khi gia đình và cộng đồng cùng chung tay tháo gỡ "nút thắt" ngay từ gốc vấn đề thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nạn BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ - Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên.


Theo baophuyen.com.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×