Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Đặc sắc lễ hội đầu Xuân

10/02/2023 | 17:29

Phú Thọ - vùng đất phát tích, nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam có hàng trăm lễ hội truyền thống đặc sắc mà ít nơi nào có được. Hầu hết các lễ hội này thường được tổ chức vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, vì thế, lễ hội đầu Xuân đã trở thành nét văn hóa truyền thống đáng quý của dân tộc Việt Nam, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Lưu giữ nét văn hóa độc đáo

Với đặc thù về lịch sử, văn hóa, tỉnh Phú Thọ hiện có 315 lễ hội, trong đó có 311 lễ hội truyền thống, bốn lễ hội văn hoá. Các lễ hội dân gian truyền thống vùng Đất Tổ thường được gắn với không gian tâm linh và thực hiện các nghi lễ mang đặc trưng riêng. Trong các lễ hội truyền thống đã có nhiều lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia như: Lễ hội Đền Lăng Sương, Lễ hội Đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy), Lễ hội Đền Chu Hưng (huyện Hạ Hòa), Lễ hội Trò Trám (huyện Lâm Thao), Lễ hội Đền Tam Giang (thành phố Việt Trì)...

Cùng với đó, còn rất nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa vùng Đất Tổ như: Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng tại Đàn Tịch Điền, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì gắn với văn hóa thời kỳ Hùng Vương, khởi thủy nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam; Lễ hội mở cửa rừng dân tộc Mường, huyện Yên Lập; hội vật đuổi giải Vĩnh Mộ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao; Lễ hội Đình Gia Dụ, xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông; Lễ hội Đình Thổ Khối, xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê…

Năm nay, trên địa bàn tỉnh có hai lễ hội đang được lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2023 là Lễ hội rước Chúa Gái làng Vi - làng Trẹo, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao và Lễ hội Đền Du Yến xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba.

Lễ hội rước Chúa Gái làng Vi - làng Trẹo hay còn gọi là Lễ hội làng He ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao được tổ chức vào ngày mùng tám tháng Giêng gắn với truyền thuyết Vua Hùng thứ 18 kén rể cho Công chúa Ngọc Hoa. Đây là lễ hội phản ánh phong tục hôn nhân thời Hùng Vương, tôn trọng nghi lễ dựng vợ gả chồng của cha mẹ. Lễ hội rước Chúa Gái là hình thức nguyên sơ của Lễ hội Đền Hùng trước Cách mạng tháng Tám.

Ông Nguyễn Trọng Quốc - cao niên người làng Trẹo chia sẻ: Lễ hội rước Chúa Gái đã tái hiện câu chuyện tình sử giữa Công chúa Ngọc Hoa và Tản Viên Sơn Thánh. Người được chọn làm Chúa Gái trong lễ hội có độ tuổi từ 12-15, khỏe mạnh, xinh đẹp, học giỏi, chưa có chồng, gia đình phong quang, được chọn luân phiên ở hai làng Vi, Trẹo. Năm nay, Lễ hội được tổ chức đầy đủ cả phần lễ và phần hội. Trong đám rước có nhiều trò như câu cá, múa, bách nghệ khôi hài, tùng dí… Tất cả các trò vui được diễn trong hội làng He nhằm mục đích giúp Chúa Gái vui tươi vì theo quan niệm của dân làng, nếu Chúa Gái vui cười thật nhiều thì năm ấy cả làng sẽ làm ăn thuận lợi hơn.

Lễ hội Đền Du Yến xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm để ghi nhớ công lao của bà Nguyễn Thị Hạnh (Hạnh Nương), nữ tướng thời Hai Bà Trưng, có công đánh đuổi giặc Đông Hán. Lễ hội năm nay được tổ chức cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức gồm các bước: Lễ Rước nư­ớc, lễ Mộc dục, lễ Cáo yết, lễ Rư­ớc kiệu, lễ Dâng hương và Tế thần. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Hội thi giã bánh giầy, thi đấu bóng chuyền hơi nữ, bóng chuyền nam, cờ tướng... Trong đó, nét độc đáo nhất trong Lễ hội là múa tiên. Đội múa tiên gồm những cô gái dưới 16 tuổi, gia đình phong quang, đầu đội vương miện, mặc váy dài màu trắng hồng, tay lụa cánh tiên, khi khép tay lại thì thướt tha yểu điệu, khi giơ tay lên thì dập dìu mềm mại như một chiếc cánh tuyệt đẹp, đây là điệu múa độc đáo, mang tính nghệ thuật ít nơi có.

Trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Ban tổ chức các lễ hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh, về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống để người dân, du khách hiểu thêm về bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ thông qua các lễ hội.

Phú Thọ: Đặc sắc lễ hội đầu Xuân - Ảnh 1.

Người dân xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông tham gia kéo lửa thổi cơm trong Lễ hội Đình Gia Dụ.

Bảo đảm an toàn, văn minh trong lễ hội

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, năm nay, đa phần các lễ hội đã tổ chức đầy đủ cả phần lễ và phần hội, nhiều lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, thu hút rất đông người dân, du khách thập phương tham gia. Cùng với việc giữ gìn các giá trị văn hóa, di sản truyền thống, công tác tổ chức tại các lễ hội đã có nhiều đổi mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy cho biết: Để tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội năm 2023 đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, Sở đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành, thị đề nghị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của tỉnh về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó có Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Quý Mão và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; không tổ chức các lễ hội mang yếu tố phản cảm, bạo lực, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự…

Là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trong tháng Giêng, huyện Lâm Thao đã ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ hội; tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các vi phạm pháp luật khác; thực hiện các quy định về phòng, chống dịch; đảm bảo ANTT, ATGT trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023 để đảm bảo các lễ hội đầu Xuân trên địa bàn huyện được tổ chức vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đảm bảo an toàn, trang trọng, văn minh.

Một trong những lễ hội nhận được sự quan tâm của người dân trong và ngoài tỉnh là Lễ hội Phết Hiền Quan, huyện Tam Nông được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao của nữ tướng Thiều Hoa Công chúa, người đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Để đảm bảo an toàn, năm nay địa phương chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức đánh Phết. Ban tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan cũng đã quán triệt rõ tinh thần tổ chức Lễ hội đảm bảo trang nghiêm, an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời bảo đảm các quy định trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội. Đây là năm thứ tư liên tiếp địa phương không tổ chức đánh Phết tại lễ hội. Hiện nay, xã Hiền Quan và huyện Tam Nông đang phối hợp với cơ quan chuyên môn hoàn thiện kế hoạch, xây dựng phương án tổ chức lễ hội có phần đánh Phết. Khi nào có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân tham gia, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức phần đánh Phết tại lễ hội.

Theo Báo Phú Thọ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×