Phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc, Bộ VHTTDL với tác phẩm "Trưởng Thứ" được chọn dịch sang tiếng Đức
11/06/2018 | 16:30Tác phẩm “Trưởng Thứ” của nhà báo Nguyễn Thu Hiền – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL vừa được Viện Geothe chọn là một trong số các tác phẩm văn học Việt dịch sang tiếng Đức.
Năm 2017, Viện Goethe đã tổ chức cuộc thi sáng tác văn học “Viết cho độc giả Đức” với chủ đề “Viết về muôn mặt đời sống của Việt Nam hiện nay”. Cuộc thi dành cho các tác giả sinh sau 1969 đang sống tại Việt Nam nhằm tìm kiếm giới thiệu những tác phẩm (truyện ngắn, thơ) chưa từng được xuất bản và dự kiến sẽ dịch sang tiếng Đức và xuất bản những tác phẩm này bằng tiếng Đức.
9 trong 10 tác giả có tác phẩm được Viện Goethe lựa chọn dịch sang tiếng Đức. Nguồn: BTC
Sau khi chính thức được phát động, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều tác phẩm, câu chuyện từ cuộc sống hàng ngày, về cuộc sống trong thành phố, ở nông thôn, cùng với gia đình, với bạn bè, trong thiên nhiên và với động vật.
Ban tổ chức cho biết, những tác phẩm được gửi đến và chuyển cho các giám khảo đã được mã hóa, không có tên tác giả nhằm lựa chọn, đánh giá một cách công bằng nhất. Hội đồng giám khảo gồm các nhà phê bình văn học người Việt, học giả nghiên cứu về Việt Nam, dịch giả dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức và một số nhà văn người Việt sống ở nước ngoài đã tiến hành chọn lọc những tác phẩm tham dự. Kết quả, Ban tổ chức đã lựa chọn tác phẩm của 10 tác giả đến từ mọi miền của đất nước, trong đó, có 05 tác giả thuộc thế hệ 9x, 02 tác giả 8x và 03 tác giả 7x. Đặc biêt, 1 trong 2 tác giả thế hệ 8x có tác phẩm được chọn dịch sang tiếng Đức là phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc, Bộ VHTTDL - nhà báo Nguyễn Thu Hiền với tác phẩm "Trưởng Thứ".
Viện Goethe Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đã trở thành một địa điểm du lịch ưa thích, nhưng những rào cản ngôn ngữ hạn chế người Đức tiếp cận sâu sắc và hiểu biết rõ hơn về Việt Nam ngày nay. Thị trường sách tiếng Đức hiện còn thiếu vắng thông tin và hiểu biết về những tác giả Việt Nam sinh sau 1969. Viện Goethe cố gắng thu hẹp khoảng trống về hiểu biết cũng như về cảm thụ văn chương này./.