Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Cầu nối đưa những hành lang pháp lý vào đời sống
24/06/2022 | 15:36Thực tiễn cho thấy, bất cứ một hành lang pháp lý nào khi ra đời và đi vào đời sống đều cần yếu tố tiên quyết là sự chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ thực thi pháp luật và cộng đồng, nhằm nâng cao hiệu quả, tăng cường phòng, chống những hành vi vi phạm. Cầu nối đưa những hành lang pháp lý trên các lĩnh vực vào đời sống ngày càng đa dạng, thiết thực. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm những sáng kiến, mô hình hiệu quả được xây dựng từ những hoạt động ở cơ sở.
Cốt lõi là vấn đề con người thực thi pháp luật
Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ vừa được Quốc hội thông qua đã mang tới nhiều kỳ vọng về những thay đổi bước ngoặt trong bức tranh phát triển chung của điện ảnh Việt Nam cũng như trong công cuộc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan trên các lĩnh vực, ngành nghề.
Tuy nhiên, thực tế ngày càng nảy sinh những bất cập, hành vi vi phạm trong các lĩnh vực đề cập trên đây, cho thấy việc ban hành các hành lang pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa còn là việc triển khai, thực thi như thế nào. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua có nhiều điểm tiến bộ, mới mẻ và phù hợp nhu cầu cũng như xu hướng phát triển ngành điện ảnh vừa là một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế. Trong Luật có những vấn đề hoàn toàn mới như quản lý phim trên không gian mạng với phương thức kết hợp “tiền kiểm” và “hậu kiểm”, trong đó “hậu kiểm” là chính, đồng thời có những quy định về “tiền kiểm” để đảm bảo sự chặt chẽ của việc kiểm soát phim trên không gian mạng. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ về số lượng phim trên không gian mạng, việc triển khai những quy định về tiền kiểm, hậu kiểm như thế nào để đảm bảo an toàn cũng là một thách thức đối với các nhà quản lý. Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, khối lượng công việc sau khi Luật được ban hành còn vô cùng lớn. Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL sẽ khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời xây dựng 6 Thông tư kèm theo.
GS.TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện cho rằng, Luật Điện ảnh (sửa đổi) sau khi triển khai chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, đi vào một số quy định cụ thể như việc thẩm định, phân loại phim được phân cấp về các địa phương, ông Hiệp nhấn mạnh, thách thức lớn nhất là làm sao tạo ra được mặt bằng chung, tiêu chí chung để không dẫn đến tình trạng cánh cửa này rộng hơn, cửa kia hẹp hơn khi thực thi từng quy định. “Những quy định hướng dẫn để thực hiện Luật sẽ rất quan trọng. Người thực hiện Luật hiểu và thực thi thế nào cũng quan trọng không kém. Suy đến cùng, muốn thực hiện tốt thì vẫn là vấn đề con người thực thi pháp luật, đồng thời không là rào cản đối với sự phát triển…”, GS.TS Trần Thanh Hiệp nói.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ, soi chiếu vào tính chất phức tạp của lĩnh vực này trong đời sống, không chỉ các đại biểu Quốc hội mà nhiều chuyên gia cũng lưu ý về việc thực thi Luật sau khi được ban hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, chú trọng công tác tổ chức thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật đi vào cuộc sống.
Cần những sáng kiến từ cơ sở
Nhằm triển khai hiệu quả những bộ luật, quy định pháp lý được ban hành, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu. Xuất phát từ yêu cầu này, mới đây, Bộ VHTTDL đã tổ chức phát động cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”. Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật và triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm, tôn vinh, nhân rộng những sáng kiến, mô hình tiêu biểu đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng rộng rãi, hiệu quả vào thực tiễn thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở. Từ đây, BTC mong muốn góp phần tuyên truyền, vận động mọi cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật; đa dạng hóa các hình thức, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Đó là các sáng kiến, mô hình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chiếu phim lưu động, thư viện lưu động, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực quan, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội, quy ước dòng họ... gắn với phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu, quán triệt các chủ trương, chính sách, quy định mới của pháp luật và vận động người dân, gia đình thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong tổ chức thi hành pháp luật; phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL, trên thực tế trong thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Điều kiện thực thi pháp luật chưa được đảm bảo, ý thức chấp hành pháp luật có lúc, có chỗ còn chưa nghiêm, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe…
Vì vậy, trong một văn bản mới đây, Bộ VHTTDL đã yêu cầu tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Bộ VHTTDL nêu rõ, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở VHTT, Sở Du lịch nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong mọi hoạt động chuyên môn và hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về VHTTDL, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, tuân thủ pháp luật; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là khâu đầu trong tổ chức thi hành pháp luật.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, những mô hình, sáng kiến, cách làm nhằm bắc cầu kết nối những quy định pháp luật vào thực tiễn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, qua đó vận động người dân nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, việc thực thi pháp luật và phòng, chống những hành vi vi phạm cần được triển khai đồng bộ, cùng với sự chủ động, kịp thời rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về VHTTDL để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, trái pháp luật, gây cản trở sự phát triển.