Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Chấn chỉnh hiện tượng quảng bá làm sai lệch di sản

17/10/2023 | 09:20

Nhiều trường hợp thực hành, quảng bá di sản phi vật thể sau ghi danh thời gian qua đã khiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa lên tiếng báo động, bởi việc thực hành chưa chuẩn, không đúng nguyên tắc sẽ dẫn đến nguy cơ làm sai lệch di sản.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Chấn chỉnh hiện tượng quảng bá làm sai lệch di sản - Ảnh 1.

Đơn cử, hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục chưa đúng bản chất của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; hay việc xác lập kỷ lục “Màn biểu diễn hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam” vừa diễn ra… tiếp tục cho thấy cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp.

Quảng bá chưa đúng cách

Xôn xao dư luận những ngày gần đây là việc một địa phương xác lập kỷ lục “Màn biểu diễn hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam”. Mục đích được lý giải là nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Màn biểu diễn này có đến 1.000 người tham gia, thậm chí có cả người mặc lễ phục của thầy Then đứng trên bục làm “nhạc trưởng”. Các chuyên gia lắc đầu ngao ngán. Câu hỏi được đặt ra là, màn trình diễn hoành tráng đó đã quảng bá, phát huy giá trị di sản đúng cách hay chưa? Quan trọng hơn, cách thực hành, quảng bá di sản này có đúng với tinh thần Công ước 2003 của UNESCO?

Trước đó, cộng đồng và dư luận cũng đặt nhiều câu hỏi trước hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng thuộc di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt diễn ra tại Thừa Thiên Huế. Trong trường hợp này, các nghệ nhân đã đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản; không đúng nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ “tính thiêng”, “tập tục”, “kiêng kỵ” của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản. Cục Di sản văn hóa cũng đã yêu cầu Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Việc lập kỷ lục về trình diễn di sản phi vật thể ở Việt Nam không phải chưa từng có. Nhiều lý giải được đưa ra, trong đó, không ít ý kiến cho rằng đó là thể hiện tình yêu với di sản văn hóa phi vật thể, là cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Việc tham gia rộng rãi của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là đang thực hiện đúng tinh thần Công ước 2003 của UNESCO.

Mới đây, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh”. Nhiều thông điệp ý nghĩa đã được đưa ra: Ứng xử đúng với di sản, quảng bá di sản đúng cách; chấn chỉnh hoạt động sân khấu hóa, thực hành sai nguyên tắc làm sai lệch di sản… Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu hay Thực hành Then… đều có những nguyên tắc cần được đảm bảo khi thực hiện các hoạt động quảng bá, phát huy giá trị di sản. Thực hành sai nguyên tắc, tùy tiện, hơn thế còn để xác lập “kỷ lục” đều đi ngược lại tinh thần Công ước 2003.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Chấn chỉnh hiện tượng quảng bá làm sai lệch di sản - Ảnh 2.

Dư luận xôn xao việc xác lập kỷ lục 1.000 người biểu diễn hát Then, đàn Tính

Nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát huy giá trị di sản

Tính đến nay, UNESCO đã ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào các Danh sách. Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và nhân loại. Với nỗ lực không ngừng, tình yêu và trách nhiệm của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản và chính quyền các cấp đối với di sản; thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 và các Công ước khác của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh”, lãnh đạo Bộ VHTTDL lưu ý, việc gia tăng số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản và thực hiện Công ước. Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có tính chuyên môn đặc thù, cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh một cách bền vững.

Tuy nhiên, nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục của quốc gia hoặc quốc tế; thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập…

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến nhấn mạnh, thời gian qua có nhiều trường hợp thực hành chưa chuẩn, không đúng nguyên tắc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cần điều chỉnh cho phù hợp và đúng cam kết với UNESCO, tránh làm sai lệch di sản. NNƯT Trần Thị Huệ, thủ nhang phủ Tiên Hương (di tích Phủ Dầy, Vụ Bản, Nam Định) cho rằng, việc đem di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra khỏi không gian thiêng để trình diễn, biểu diễn gây nhiều bức xúc trong cộng đồng thực hành di sản. Bà Trần Thị Huệ mong muốn cơ quan quản lý tăng cường phổ biến cho các thanh đồng, đạo quan về thực hành tín ngưỡng tâm linh khác với sân khấu nghệ thuật.

GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cũng nêu, mỗi di sản văn hóa phi vật thể cần có một cách quảng bá khác nhau, để người xem, người nghe hiểu đúng di sản. Theo ông Bền, hiện tại, trên một số cơ quan truyền thông có đưa ra khái niệm “trình diễn di sản”, coi như biện pháp để cộng đồng, nhất là người nước ngoài hiểu rõ về di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Tuy nhiên, không có một thuật ngữ như thế, bởi các hình thức di sản văn hóa phi vật thể mà Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa thì không phải hình thức nào cũng có thể trình diễn. Các chuyên gia cũng lưu ý, trong quảng bá di sản hay tính xác thực của di sản, rất cần quan tâm đến nguyên tắc đạo đức dành cho bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Mô phỏng, tái tạo di sản văn hóa phi vật thể, nhất là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề này. Không gian thiêng và không gian thế tục của nơi thờ tự cần được chú trọng khi xem xét, đánh giá hoạt động mô phỏng, tái tạo di sản văn hóa phi vật thể.

Trước thực trạng nói trên, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Thực tế hiện nay cho thấy không ít địa phương còn rất lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản đúng cách.

Lai Châu tăng cường tuyên truyền phòng, chống vi phạm pháp luật về VHTTDL

Theo Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu, thời gian qua toàn ngành đã tập trung tuyên truyền cho nhân dân tại cơ sở nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, hoạt động tuyên truyền được triển khai lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các chương trình đưa thông tin về cơ sở; tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động; băng zôn, khẩu hiệu; khai thác, phát sóng tin, bài lồng ghép trong các chương trình thời sự địa phương, trên sóng đài huyện, thành phố, các trạm truyền thanh cơ sở; xây dựng và phát sóng chuyên mục về Phổ biến kiến thức pháp luật; xây dựng kịch bản tiểu phẩm; chiếu phim… PHƯƠNG THẢO


Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×