Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Nâng cao nhận thức bảo vệ, tôn trọng tác quyền
05/09/2023 | 09:50Vấn nạn xâm phạm bản quyền lâu nay vẫn là câu chuyện nói hoài, nói mãi và dù có nhiều giải pháp đã được đưa ra thì những vụ việc xâm phạm cụ thể, ở từng lĩnh vực trong đời sống văn học nghệ thuật vẫn nhiều như… cơm bữa. Nhiều tác giả than phiền khi họ phải tốn nhiều thời gian, công sức để đòi lại lợi ích, bảo vệ tác quyền cho bản thân. Tuy nhiên, một nguyên nhân phổ biến của thực trạng này chính là việc các tác giả còn thờ ơ đăng ký tác quyền cho chính đứa con tinh thần của mình.
Thông tư số 08/2023/ TT-BVHTTDL được Bộ VHTTDL ban hành mới đây, quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và công tác đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan nhằm góp phần tháo gỡ những bất cập này.
Khi tác giả thờ ơ trong đăng ký tác quyền
Thống kê của Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho thấy, trong một thời gian dài, số lượng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả còn rất khiêm tốn so với thực trạng phát triển của đời sống văn học, nghệ thuật. Chính bản thân các nghệ sĩ, tác giả không mặn mà đăng ký bản quyền là nguyên nhân khiến cho công cuộc đấu tranh, đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Hệ quả của thực tế trên là việc những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao vẫn hằng ngày, hằng giờ đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm tác quyền. Ở các lĩnh vực như mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, xuất bản, điện ảnh, truyền hình… đều đã xuất hiện những tình huống dở khóc, dở cười. Theo các chuyên gia bản quyền, việc đổ lỗi cho ai cũng đều vướng, bởi chính người trong cuộc lại là đối tượng thờ ơ với việc đăng ký tác quyền cho những tác phẩm của mình, không ít tình huống “mỡ để miệng mèo”, nan giải khi nhận thức về tôn trọng tác quyền vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Đơn cử, ngay tại trung tâm là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…, nơi đời sống văn hoá nghệ thuật diễn ra sôi động thì hoạt động đăng ký cấp giấy chứng nhận bản quyền cho tác phẩm văn học nghệ thuật trong một thời gian dài cũng còn có nhiều vướng mắc. Thực trạng này càng khó khăn hơn ở những tỉnh, thành khác, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo nhiều cơ quan quản lý văn hóa ở các địa phương cho biết, thường xuyên diễn ra tình trạng các tổ chức, cá nhân không quan tâm gửi hồ sơ để đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Chỉ khi xảy ra tranh chấp bản quyền mọi chuyện mới trở nên ầm ĩ.
Một ví dụ điển hình, ca khúc Gánh mẹ là tác phẩm thu hút sự chú ý của dư luận và báo chí bởi tranh chấp bản quyền phần lời bài hát giữa nhà thơ Trương Minh Nhật và ca sĩ Quách Beem. Sau gần 5 năm theo đuổi vụ tranh chấp, cuối cùng nhà thơ Trương Minh Nhật mới chính thức được công nhận là tác giả, chủ sở hữu bài thơ, lời bài hát Gánh mẹ. Việc trả lại tác quyền trong trường hợp này tốn khá nhiều công sức bởi nguyên nhân là nhà thơ Trương Minh Nhật trước đó đã không đăng ký bản quyền cho tác phẩm. Tuy thế, kết quả của vụ kiện cũng là bài học để các tác giả chú ý hơn việc đăng ký bản quyền sáng tác, để tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp nêu trên không phải hiếm hoi. Việc lên án, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức tôn trọng tác quyền đối với đội ngũ sáng tác và đông đảo công chúng cũng đã được các cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên triển khai dưới nhiều hình thức. Cục Bản quyền tác giả và các đơn vị liên quan hằng năm đều tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn về vấn đề bảo vệ, nâng cao ý thức tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên tình trạng vẫn chậm cải thiện, tiếp tục đặt ra yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực bản quyền.
Hành lang pháp lý tháo gỡ bất cập
Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ngày 26.4.2023, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện mang đến kỳ vọng góp phần hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền tác giả, đặc biệt trong việc tác động, nâng cao ý thức bảo vệ, tôn trọng tác quyền cả từ phía người sáng tác và công chúng.
Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã dành một chương riêng về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Nội dung này được quy định cụ thể hơn về bảo vệ bản quyền, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và các bên có nhu cầu. Theo đó, Nghị định quy định cụ thể về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm tác phẩm văn học, khoa học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian… Đáng chú ý, Nghị định 17 quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền. Lần đầu tiên, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet được quy định cụ thể, bao gồm cả quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mới đây, Cục Bản quyền tác giả cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Thông tư số 08/2023/ TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Sự hỗ trợ từ việc đơn giản hóa thủ tục, sự thay đổi về nhận thức của chủ thể sở hữu đang được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền tác giả. Đặc biệt, cùng với việc nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về quyền tác giả, quyền liên quan thì những quy định mới này cũng là sự đánh động ý thức tự tôn trọng tác quyền của mỗi tác giả.
Việc tuyên truyền, phổ biến các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL và các nội dung khác có liên quan đến các nhóm đối tượng là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực này nhằm mục đích nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền từ chính các tác giả và công chúng. Theo Cục Bản quyền tác giả, trong những Nghị định, Thông tư mới có nhiều quy định cụ thể liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt tập trung vào quy định bảo vệ bản quyền ở môi trường số. Những hành vi xâm phạm bản quyền cũng sẽ bị xử phạt với các quy định cụ thể. Những hành vi gian dối trong đăng ký bản quyền sẽ bị phạt nặng.
Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL vì vậy được nhận định là những nội dung sẽ góp phần lấp khoảng trống về nhận thức, kiến thức bảo vệ bản quyền nói chung, đăng ký quyền tác giả nói riêng. Hành lang pháp lý mới này đem đến kỳ vọng sẽ tăng cường hiệu quả việc phòng chống vấn nạn xâm phạm bản quyền, đặc biệt trong bối cảnh đời sống văn hoá nghệ thuật ngày càng phát triển sôi động cả trong đời thực lẫn trên môi trường số.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực
Những tháng đầu năm 2023, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực, nhiều Bộ, ngành đã tăng cường triển khai các hoạt động, đề án về nội dung này. Theo đó, Bộ TT&TT chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm cho học sinh, sinh viên; phê duyệt Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”. Bộ VHTTDL chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch”; Đề án truyền thông về phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH; phối hợp với Bộ Công an tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thư viện trong trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng giai đoạn 2020-2025…
PHƯƠNG THẢO