Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Chú trọng nhân rộng những mô hình điểm

16/08/2021 | 14:51

Trong công tác Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, việc chú trọng nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay cũng được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy lùi những vi phạm, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Chú trọng nhân rộng những mô hình điểm - Ảnh 1.

Tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch Covid-19

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền

Bộ VHTTDL mới đây đã có báo cáo số 174/BC-BVHTTDL gửi tới Bộ Tư pháp về nội dung tổng kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017- 2021 và các đề án theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Theo đó, 5 năm qua, nhận thức tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ động bám sát kế hoạch, mục tiêu để triển khai. Nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ VHTTDL đã quán triệt việc triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tới các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, đảm bảo thống nhất trong nhận thức, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị để thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trọng tâm với các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và liên quan.

Báo cáo nhấn mạnh, những năm qua, Bộ VHTTDL đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức, trong đó đặc biệt chú trọng nhân rộng các mô hình điểm. Nhiều hình thức đã được triển khai hiệu quả như lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, qua tuyên truyền cổ động trực quan, xây dựng kịch bản sân khấu, tiểu phẩm, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật… Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật, thiết chế văn hóa-thể thao, cơ quan, liên đoàn, hiệp hội, hội, đoàn thể đã lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình, hoạt động, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể thao phù hợp với thực tế tại cơ sở; phát huy các sáng tác, biểu diễn nghệ thuật có chủ đề, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật với hình thức phong phú, hấp dẫn, phù hợp nhóm đối tượng, địa bàn; chú trọng đối tượng đặc thù, yếu thế, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; lồng ghép tuyên truyền trong các sinh hoạt văn hóa dân gian, nghi lễ, tôn trọng phong tục tập quán, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng.

Việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra được tăng cường, phát hiện những mặt hạn chế trong công tác tuyên truyền, tổ chức thi hành pháp luật và đề ra giải pháp khắc phục. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng đa dạng, lựa chọn từng nhóm đối tượng phù hợp với nội dung tuyên truyền, các quy định có liên quan trực tiếp đến đời sống văn hóa, các hoạt động thể thao, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Chú trọng nhân rộng những mô hình điểm - Ảnh 2.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh Lai Châu được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả Ảnh: NHẬT MINH

Nhân rộng những mô hình điểm

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thời gian qua còn có thời điểm mang tính hình thức, chất lượng tuyên truyền chưa cao, chậm đổi mới; chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều, thiếu gắn kết với xây dựng và thực thi pháp luật.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới, Bộ VHTTDL nhấn mạnh nội dung tăng cường xây dựng kế hoạch, chương trình theo năm, chuyên đề về phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp với lồng ghép, đa dạng hóa phương thức, thiết thực hóa nội dung, tập trung hóa đối tượng để tuyên truyền, trọng tâm là các văn bản quy phạm pháp luật của ngành, những quy định được dư luận xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, gắn kết, đồng bộ hóa, tương thích, liên thông giữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với xây dựng và thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống.

Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng và lĩnh vực, chú trọng nhân rộng, phát huy mô hình điểm, biện pháp phổ biến giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy thế mạnh của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, hướng về cơ sở, về các đối tượng là đồng bào các dân tộc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán trong phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường chuyển đổi số công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành.

Một trong những định hướng quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới là việc chú trọng nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay. Thực tế cho thấy, những mô hình điểm, cách làm sáng tạo luôn là hạt nhân quan trọng để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi những hành vi vi phạm. Đơn cử, trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu, xuất phát từ tình hình thực tiễn, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thời gian qua đã được triển khai hiệu quả, qua đó đã nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ và nhân dân về việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; rèn luyện, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tỉnh Lai Châu chú trọng lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động trực quan. Trung tâm VHNT tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật về cách ly y tế, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh, tình hình thi hành pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19, với nhiều lượt tuyên truyền bằng xe lưu động. Đặc biệt, ngành văn hóa tỉnh Lai Châu đã sản xuất các bộ phim nhằm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, với những câu chuyện thông tin, những kịch bản ngắn sát thực, gần gũi với điều kiện kinh tế, văn hóa, môi trường sống của đồng bào các dân tộc. Các hình thức đổi mới tuyên truyền cũng được thể hiện qua nội dung chuyển thể sân khấu hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo nhân dân. Bằng những hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực đã góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu như thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết…, tạo nên điểm sáng trong đời sống văn hóa nơi vùng cao phía Bắc.

Theo Báo Văn Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×