Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Xử phạt mạnh tay, tạo chuyển biến trong nhận thức cộng đồng

24/05/2022 | 09:14

Một trong những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL thời gian qua là việc đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý sai phạm. Những hình thức xử phạt nghiêm khắc không chỉ có ý nghĩa tăng cường phòng ngừa, giảm các vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL mà còn góp phần đảm bảo môi trường hoạt động văn hóa an toàn, tạo chuyển biến trong nhận thức cộng đồng, đặc biệt trong một số lĩnh vực “nóng” như nghệ thuật biểu diễn, bản quyền, di sản văn hóa…

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Xử phạt mạnh tay, tạo chuyển biến trong nhận thức cộng đồng - Ảnh 1.

Năm 2021, sự việc di tích quốc gia đình Đại Lâm bị xâm phạm nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận

Những bài học nhãn tiền

Liên quan đến vụ việc gây xôn xao dư luận trong thời gian qua - MV ca khúc There’s no one at all của ca sĩ Sơn Tùng M-TP có yếu tố tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH M-TP Entertainment vì đã có hành vi: Lưu hành bản ghi hình There’s no one at all trên trang mạng xã hội YouTube có hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn vi phạm Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ với hình thức xử phạt là 70 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH M-TP Entertainment có trách nhiệm tiêu hủy bản ghi hình; nộp lại số lợi thu từ MV; tháo gỡ bản ghi hình There’s no one at all dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.

Việc xử phạt đối với hành vi vi phạm nêu trên là sự cảnh báo nghiêm khắc đối với những hành vi, hoạt động có yếu tố phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, có tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống và sức khỏe cộng đồng. Chưa kể, ngoài những nội dung độc hại, Sơn Tùng M-TP còn không tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ do Bộ VHTTDL mới ban hành. Bộ Quy tắc có nêu một số quy tắc như: “Lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người và cộng đồng xã hội”; “Tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; không sáng tác, lưu hành, phổ biến, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng”…

Ở lĩnh vực khác là di sản văn hóa, tình trạng xâm phạm tại một số di tích, đặc biệt là các di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt đã và đang xảy ra đầy nhức nhối. Gần nhất là những sai phạm trong công tác tu sửa cấp thiết tại đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), với những hạng mục được tu sửa, thay đổi vị trí hoặc “cấy thêm” khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Thường trực Quận ủy Bắc Từ Liêm cũng đã có những chỉ đạo nội dung xử lý, khắc phục đối với việc tu bổ cấp thiết di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các nội dung trong việc triển khai, thực hiện dự án. Tuy nhiên, đối với tầm vóc quan trọng của một di tích quốc gia đặc biệt thì những tình huống để xảy ra “sự đã rồi” vẫn tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, tu bổ di tích tại các địa phương. Trong đó, công tác thanh kiểm tra, xử lý sai phạm cần quyết liệt, sát sao hơn.

Di sản vô giá và không của riêng ai. Đã có không ít bài học đáng tiếc trong công tác tu bổ diễn ra tại các di tích trong thời gian qua. Hồi năm ngoái, sự việc di tích quốc gia chùa Thiên Phúc và đình Đại Lâm, thuộc cụm Di tích quốc gia đình, đền, nghè, chùa Đại Lâm (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) bị xâm hại nghiêm trọng cũng gây xôn xao dư luận. Mặc dù chưa được cấp phép, người dân xã Tam Đa đã cho san đất, hạ giải các công trình trong cụm di tích, đồng thời tự ý xây dựng mới ngôi chùa từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Sự vào cuộc muộn màng của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sau đó, dẫu đã có xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan thì điều đáng tiếc nhất vẫn là di tích cổ xưa đã hoàn toàn biến mất, không cách nào lấy lại được.

Đó là những bài học nhãn tiền, cho thấy sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Xử phạt mạnh tay, tạo chuyển biến trong nhận thức cộng đồng - Ảnh 2.

Nhiều sai phạm trong công tác tu sửa cấp thiết tại đình Chèm

Nâng cao hiệu quả hành lang pháp lý

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Thanh Liêm, công tác tổ chức thi hành pháp luật trong các lĩnh vực của ngành VHTTDL thời gian qua, bên cạnh những chuyển biến vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Công văn gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhằm khắc phục những bất cập này.

“Trước yêu cầu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trong tình hình mới, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Vấn đề này đã được nêu ra trong công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đó là: Các điều kiện thi hành pháp luật như nhân lực, tài chính... còn chưa được đảm bảo; ý thức chấp hành pháp luật có lúc, có chỗ còn chưa nghiêm; xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”, ông Liêm nhấn mạnh.

Những bất cập có thể thấy rõ ở từng lĩnh vực. Đơn cử, Luật Di sản văn hóa quy định ưu tiên đầu tư ngân sách cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo vật quốc gia... hay đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, ngăn ngừa nguy cơ mai một, thất truyền; tuy nhiên việc ưu tiên đầu tư này còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Luật Thể dục, thể thao có quy định về đánh giá phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng với 6 tiêu chí cụ thể, tuy nhiên hiện nay việc tổ chức đánh giá chưa được tổ chức triển khai triệt để do thiếu nguồn lực...

Có thể nói, ý thức chấp hành pháp luật vẫn còn là vấn đề nan giải. Tình trạng xâm phạm di tích còn diễn ra khá phổ biến dù các quy định về bảo vệ và chế tài đã rõ; việc tuân thủ các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã có chuyển biến, song vẫn còn tồn tại những hạn chế ở một số nơi; việc đảm bảo các điều kiện kinh doanh trong hoạt động thể thao còn thiếu triệt để, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ...

Để tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật về VHTTDL, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh những nội dung trọng tâm: Nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong mọi hoạt động chuyên môn và hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị; Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; Tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×