Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Nâng cao nhận thức cộng đồng
28/10/2021 | 08:54Những kết quả thực tiễn trong triển khai Đề án Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL thời gian qua cho thấy, một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, kéo giảm vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng.
Nâng cao nhận thức là yếu tố quan trọng
Ở lĩnh vực di sản văn hóa, tình trạng xâm phạm di tích diễn ra ở nhiều nơi khiến những người quan tâm đến di sản không khỏi lo lắng. Đơn cử là các vụ việc xâm phạm, làm biến dạng di tích xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Gần đây nhất, tại di tích quốc gia chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã xảy ra tình trạng vi phạm Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành của pháp luật, khi những người quản lý di tích tự ý xây dựng nhiều hạng mục công trình, không thông qua các cơ quan chức năng. Sai phạm về cả nhận thức lẫn hành động khiến cho vẻ uy nghiêm, trầm mặc của di tích có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi đã bị thay đổi khiến nhiều người ngỡ ngàng, nuối tiếc.
Tình trạng tùy tiện thay đổi diện mạo di tích cũng xảy ra ở Di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội). BQL di tích và chính quyền địa phương tự ý lắp cổng sắt mới với hoa văn và màu sắc hiện đại, khập khiễng với tổng thể di tích vốn có kiến trúc cổ kính. Cơ quan quản lý văn hóa đã vào cuộc ngay sau đó để yêu cầu trả lại nguyên trạng cho di tích. Hoặc, tại Di tích quốc gia Chùa Vàng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) xảy ra tình trạng người dân tự ý chặt cây, phá tường, lấn đất chùa để làm đường. Xa hơn về trước là tình trạng tháo dỡ, xây mới gác chuông tại chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai)… Hàng loạt vụ việc nhức nhối đã và đang đặt ra những yêu cầu phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, thực thi pháp luật tới từng cá thể trong cộng đồng.
Trong lĩnh vực bản quyền tác giả, vụ việc Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố hình sự vụ án xâm phạm quyền tác giả liên quan đến trang web phimmoi.net gần đây đã gây xôn xao dư luận. Phimmoi.net là trang web ngang nhiên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng nghìn bộ phim, có tầm ảnh hưởng bởi là trang web đứng thứ 17 về lưu lượng truy cập tại Việt Nam. Với 60-80 triệu lượt truy cập hằng tháng, những kẻ tổ chức và vận hành trang web này đã thu lợi bất chính từ quảng cáo lên đến hàng trăm tỉ đồng suốt nhiều năm tồn tại. Động thái của cơ quan chức năng cho thấy sự quyết liệt, mạnh tay trong xử lý vấn nạn xâm phạm bản quyền vốn tồn tại nhức nhối bấy lâu nay.
Tuy nhiên, không chỉ ở lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, theo thống kê của các cơ quan chức năng, tình trạng xâm phạm bản quyền cũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác như xuất bản, âm nhạc, thời trang, thiết kế, mỹ thuật, nhiếp ảnh... Theo các chuyên gia, tình trạng vi phạm bản quyền không những gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, mà còn khiến ngành công nghiệp văn hóa chưa thể phát triển mạnh.
Điểm tên những vi phạm phổ biến hiện nay ở hai lĩnh vực di sản và bản quyền tác giả để thấy, nhằm đẩy lùi những vi phạm trong từng lĩnh vực thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố đặc biệt quan trọng. Chỉ khi mỗi cá thể và cả cộng đồng đều có ý thức gìn giữ di sản, có nhận thức tôn trọng bảo vệ bản quyền… thì những giá trị thực thi pháp luật mới bền vững. Một mặt, các cơ quan quản lý ở địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát mới kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm.
Chấm dứt tiếp tay cho hành vi vi phạm
Nhằm tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về Di sản văn hóa, Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, theo đó, hầu hết các di tích được phân cấp cho các quận, huyện, thị xã quản lý. Hằng năm, Sở VHTT Hà Nội cũng như các địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích, tuy nhiên, thực tế ý thức người dân trong bảo tồn di sản nhiều nơi vẫn chưa cao. Thực trạng này tiếp tục đặt ra đòi hỏi cơ quan chức năng phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giám sát và xử lý vi phạm.
Trong lĩnh vực bản quyền, hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức công chúng, nhất là thế hệ trẻ về việc tôn trọng quyền tác giả của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa những năm gần đây được thường xuyên tăng cường. Đặc biệt, trong bối cảnh không gian mạng ngày càng phát triển, chi phối và ảnh hưởng cuộc sống con người từng giây, từng phút thì những hành vi xâm phạm bản quyền có thể dễ dàng xảy ra bất cứ khi nào. Liên quan đến vấn đề này, NSND Đặng Xuân Hải, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình đã từng phát biểu, xâm phạm bản quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan đang diễn biến phức tạp. Thực tế việc đánh cắp bản quyền tác phẩm phim điện ảnh, truyền hình đang gây tổn hại nghiêm trọng cho các tác giả, chủ sở hữu bản quyền, gây thất thoát khó đong đếm cho chủ sở hữu tác phẩm. Việc bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan vì thế ngày càng trở nên cấp thiết.
Hiện nay, chưa có điều luật nào xử lý người sử dụng nội dung vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cần hiểu rằng, hành vi sử dụng nội dung vi phạm bản quyền là tiếp tay cho tội phạm. Muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ văn hóa sẽ phải trả phí như các lĩnh vực khác, bằng không thì đó chính là một hành vi trộm cắp. Thế nhưng lâu nay, trong thói quen của nhiều người, việc tìm kiếm và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa mà không phải trả phí đã trở nên rất phổ biến. Bởi vậy, trong khi chờ đợi hoàn thiện quy định pháp luật, đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, cần kiên trì tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả thực thi.
Thực hiện Đề án Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, thời gian qua, nhiều địa phương tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức đẩy lùi vi phạm pháp luật, nhân rộng những yếu tố điển hình trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Đơn cử, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch nhằm giảm số vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL so với giai đoạn 2017-2020, nhất là các vi phạm trong hoạt kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch; kinh doanh dịch vụ văn hóa và thể thao; lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan… Theo đó, để thực hiện đạt các mục tiêu, kế hoạch đề ra 3 nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL; nâng cao nhận thức, năng lực hành động trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân hoạt động VHTTDL; Sở VHTT, Sở Du lịch, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL…