Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Tạo “đề kháng” từ những chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa
29/05/2023 | 20:41Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” năm 2023.
Theo đó, nâng cao nhận thức, năng lực hành động về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… là những mục tiêu chính được đặt ra.
9 mục tiêu cụ thể
Kế hoạch được ban hành nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kết luận của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm.
Mục đích chung nhằm nâng cao nhận thức, năng lực hành động về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… Tăng cường phòng ngừa, kéo giảm các loại tội phạm, giảm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL; đảm bảo môi trường hoạt động văn hóa an toàn, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch, lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; di tích lịch sử; hoạt động văn hóa kinh doanh, dịch vụ văn hóa công cộng như vũ trường, karaoke…
Theo đó, 9 mục tiêu cụ thể gồm: Giảm số vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023; đảm bảo 100% quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành. 85% người đứng đầu đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được truyền thông thay đổi hành vi về phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa. 85% người đứng đầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch và dịch vụ du lịch khác được truyền thông thay đổi hành vi về phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch và phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch.
85% người đứng đầu các liên đoàn, hiệp hội thể thao, 100% CLB thể thao chuyên nghiệp, 100% người đứng đầu trung tâm huấn luyện thể thao các tỉnh, thành phố được tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động thể thao.
85% người phụ trách nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao, đoàn nghệ thuật, nhà hát, thư viện, trường học được truyền thông về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao. 100% cơ quan, đơn vị xây dựng nếp sống văn hóa công sở. 100% thanh tra viên và công chức thanh tra VHTTDL được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
80% đối tượng được triển khai thực hiện và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về VHTTDL. 100% các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành VHTTDL cần được rà soát, hệ thống hóa và xây dựng, hoàn thiện.
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Bộ VHTTDL yêu cầu tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Xây dựng nội dung và thực hiện các công việc theo đúng thời gian quy định, đảm bảo định hướng thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023.
Trong thời gian qua, nhằm tạo chuyển biến rõ nét, Bộ VHTTDL đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực VHTTDL. Trong đó, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp với Báo Văn Hóa, Trung tâm Điện ảnh, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức sản xuất các phim, phóng sự và chuỗi chuyên đề về nội dung “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL”, thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động.
Nhằm hạn chế, đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng, các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL trong thời gian qua đã tập trung tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là tuyên truyền về các giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phòng, chống bạo lực gia đình.
Các báo, tạp chí, trung tâm thông tin của Bộ; các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thường xuyên đăng các tin, bài phản ánh về các hoạt động văn hóa, lễ hội; đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên tham gia; đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục, tạo sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng đã được Bộ VHTTDL đẩy mạnh, góp phần mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thông qua Phong trào TDĐKXDĐSVH; hương ước, quy ước của cộng đồng; tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng để xây dựng ý thức tập thể trong con người, góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết; chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh và ổn định…
Cùng với đó, công tác thanh, kiểm tra được thường xuyên được đẩy mạnh; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động văn hóa, lễ hội. Trong 2 năm 2021-2022, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều hoạt động thanh, kiểm tra các lĩnh vực này. Năm 2022, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, công tác xử lý vi phạm hành chính, phổ biến quy định pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cho lực lượng Thanh tra ngành VHTTDL tại tỉnh Quảng Nam. Thanh tra Bộ VHTTDL đã thành lập 20 đoàn thanh tra đối với 63 tổ chức, cá nhân. Kết quả, Thanh tra Bộ VHTTDL đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt 340.000.000 đồng. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động văn hóa, lễ hội đã được Bộ VHTTDL thực hiện và chỉ đạo Thanh tra các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch triển khai thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
Kế hoạch triển khai công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023 vừa được Thanh tra Bộ VHTTDL ban hành. Kế hoạch nhằm tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; góp phần phòng ngừa tội phạm và giảm các hành vi vi phạm.
Các nội dung triển khai gồm: Tập huấn nâng cao nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Hội nghị phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cho tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh văn hóa, thể thao và du lịch; Xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục phổ biến văn bản pháp luật mới; Hỏi - đáp pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch trên Trang thông tin điện tử và bản tin của Thanh tra Bộ.