Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Siết quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường

06/09/2023 | 21:06

Thực tế công tác quản lý karaoke, vũ trường tại nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua cho thấy, bên cạnh những chuyển biến vẫn còn bộc lộ nhiều khoảng trống pháp lý cần hoàn thiện. Hội nghị mới đây đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường tiếp tục đặt ra những vấn đề nóng trong công tác quản lý lĩnh vực này.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Siết quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường - Ảnh 1.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 54, quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã dần đi vào nề nếp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Nghị định đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, trách nhiệm của các Bộ, ngành được phân công cụ thể, là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Hành lang pháp lý đồng bộ

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, Bộ VHTTDL đã tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường: Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang thông tin điện tử của ngành, tại các hội nghị triển khai nhiệm vụ, các lớp tập huấn nghiệp vụ ở các cấp, tập trung cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở tổ chức Hội nghị toàn quốc hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát công tác quản lý nhà nước; phối hợp với Bộ, ngành, các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 38 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 01 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường; Bộ Công an ban hành Thông tư số 147 quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường và các văn bản khác liên quan. Tại các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện.

Trong các năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, loại hình dịch vụ này dừng hoạt động. Bước sang năm 2022, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết các địa phương đã xây dựng phương án cho phép dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được hoạt động trở lại. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; tạm đình chỉ, dừng hoạt động đối với các cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC và an ninh trật tự, một số địa phương 100% cơ sở kinh doanh karaoke phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn về PCCC.

Thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke được thực hiện và quản lý rõ ràng, cải cách đơn giản, thuận tiện, đúng quy trình, đúng thời hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh. Các địa phương đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định thực hiện phân cấp, ủy quyền việc cấp, điều chỉnh Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn.

Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, đặc biệt là các đô thị lớn. Hầu hết các địa phương đã tham mưu UBND các tỉnh, thành phố thành lập, củng cố, kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành. Một số địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và quy chế hoạt động karaoke, vũ trường và các hoạt động văn hóa công cộng.

Lấp những “khoảng trống”

Quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là những lĩnh vực nóng, đòi hỏi công tác quản lý phải sát sao, chặt chẽ, đặc biệt phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và tăng cường trách nhiệm của các địa phương.

Mặc dù hành lang pháp lý đã dần hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập, điển hình là những vụ việc đau lòng do thiếu an toàn phòng cháy, chữa cháy tại một số địa chỉ kinh doanh dịch vụ karaoke. “Đó là những bài học đau xót, những khoảng trống lớn đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước của ngành văn hóa tại các địa phương”, theo Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh. Sau những vụ việc đáng tiếc xảy ra, công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn Hà Nội đang là vấn đề nóng trong công tác quản lý nhà nước.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, khi xảy ra những vụ việc, nguyên nhân chủ yếu về an toàn phòng chống cháy nổ, thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Vậy phải đặt vấn đề, ngành văn hóa các cấp cần quan tâm tập trung các biện pháp nhằm sửa đổi, hoàn thiện hàng lang pháp lý, siết chặt quản lý lĩnh vực kinh doanh này như thế nào. Liên tục trong thời gian qua, các đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã được cơ quan chức năng thuộc Bộ tổ chức, triển khai công tác kiểm tra tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong những cuộc kiểm tra này, cơ quan chức năng thuộc Bộ đã nghe báo cáo, nắm bắt thực trạng và cùng địa phương bàn bạc, đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Phòng Công tác Phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC &CHCN cho biết, với nhu cầu lớn, trong những năm qua các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường đã gia tăng đáng kể về số lượng, quy mô. Đa số cơ sở này được xen cài trong khu dân cư; nhà xây nhiều tầng, diện tích mặt bằng nhỏ và ngăn chia thành nhiều phòng hát. Đáng chú ý là tình trạng sử dụng nhiều vật dụng, chất cháy; thường xuyên tập trung đông người đã sử dụng rượu, bia, hạn chế khả năng tự thoát nạn. Đây là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ cháy cao, gây mất an toàn tính mạng và khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Thực trạng nhiều bất cập nói trên đã và đang đặt ra yêu cầu sớm có giải pháp khắc phục, trong đó, các cơ quan quản lý nhấn mạnh phải tăng cường phối hợp liên ngành. Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Hà Văn Lâu kiến nghị, đối với Bộ Công an, Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cho phù hợp thực tiễn. Các Sở VHTTDL, Sở VHTT cần tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Thường xuyên tập huấn, phổ biến pháp luật đối với công chức làm công tác quản lý; tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.

Đại diện Phòng Công tác Phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC &CHCN cho rằng, để tăng cường công tác quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, trong đó có kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, các Bộ, ngành có liên quan cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành phù hợp tình hình mới. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó có kinh doanh karaoke, vũ trường.

Mặt khác, cần thiết tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, đưa công tác quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự ngày càng đi vào nề nếp…

Lai Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL, thời gian qua, Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu đã chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những nội dung liên quan dưới nhiều hình thức, thông qua các hoạt động như: Tuyên truyền về cơ sở, hoạt động văn hóa, văn nghệ, câu chuyện thông tin, triển lãm, băng rôn, tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động tổng hợp, chiếu phim phóng sự, tài liệu, phát thanh, truyền hình; phát huy vai trò của hệthống thiết chế văn hóa ở cơ sở; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình...

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực VHTTDL; kịp thời chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm pháp luật.

THẢO PHƯƠNG


Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×