Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Nội dung tuyên truyền phong phú, hình thức đa dạng

26/06/2023 | 12:06

Thực hiện định hướng nâng cao hiệu quả truyền thông về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng góp phần mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Nội dung tuyên truyền phong phú, hình thức đa dạng - Ảnh 1.

Vi phạm ở di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm (Hà Nội) là vụ việc được chú ý trong lĩnh vực quản lý di tích trong năm 2022. Ảnh minh họa

Báo cáo tình hình công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực VHTTDL 6 tháng đầu năm 2023, Cục Văn hóa cơ sở cho biết, công tác tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện đã được triển khai mạnh mẽ.

Chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động

Bộ VHTTDL đã ban hành Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” năm 2023; Đề án truyền thông về phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2023; Kế hoạch số 12/KH-TTr của Thanh tra Bộ VHTTDL về việc triển khai thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL năm 2023; Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ VHTTDL; Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ VHTTDL năm 2023.

Việc triển khai đồng bộ Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL”, Đề án truyền thông về phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn ngành. Trong đó, rõ nét nhất là việc nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức toàn ngành tham gia phòng ngừa, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet trong gia đình, cộng đồng khu dân cư; nâng cao năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ để phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng. Bộ đã triển khai hiệu quả chương trình phối hợp với Bộ Công an về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thư viện trong tập huấn tại trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng giai đoạn 2020-2025.

Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý, trọng tâm là công tác quản lý, tổ chức lễ hội; phòng, chống vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan; hoạt động quảng cáo; hoạt động kinh doanh du lịch, hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao; phòng, chống tội phạm trong quản lý di tích, di sản; tăng cường phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức chống lại những hành vi sai trái, xuyên tạc trên mạng Internet, mạng xã hội, facebook… trong các lĩnh vực quản lý của ngành. Xử lý nghiêm vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về VHTTDL được tăng cường với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, góp phần mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thông qua Phong trào TDĐKXDĐSVH; hương ước, quy ước của cộng đồng như: tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ; tổ chức hội nghị phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động VHTTDL; xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục phổ biến văn bản pháp luật mới, hỏi - đáp pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; phối hợp với Báo Văn Hóa và các đơn vị truyền thông xây dựng các chuyên đề, sản phẩm tuyên truyền…

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Cục Văn hóa cơ sở đã ban hành công văn gửi các Sở VHTTDL; Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở dịch vụ karaoke, vũ trường; tổ chức Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở…

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Nội dung tuyên truyền phong phú, hình thức đa dạng - Ảnh 2.

Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền - Ảnh minh họa

Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hành lang pháp lý

6 tháng đầu năm 2023, Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản gửi các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 theo Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ngành VHTTDL năm 2023, trong đó chỉ đạo tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật mới thông qua năm 2022 và năm 2023, các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)..., Nghị định số 22/2022/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, Nghị định số 67/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ- CP của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cải cách thủ tục hành chính, các Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; các quy định pháp luật về phòng ngừa tội phạm, về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong hoạt động văn hóa, kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch; phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với khách du lịch...; quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn.

Công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản pháp luật được chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ VHTTDL tiếp tục tham gia xây dựng lập đề nghị 02 dự án Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và phối hợp với Cục Bản quyền tác giả xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Đồng thời, Bộ VHTTDL đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó làm đầu mối tổng hợp xây dựng Báo cáo số 30/BC-BVHTTDL rà soát văn bản quy phạm pháp luật, các lĩnh vực dễ phát sinh hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực VHTTDL; ban hành Báo cáo về kết quả rà soát văn bản triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030; Báo cáo số 53/BC-BVHTTDL về việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa.

6 tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm được Bộ VHTTDL tập trung thực hiện là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03.01.2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và kết quả thực hiện phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong xây dựng gia đình, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa…

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Thời gian tới, Bộ VHTTDL tiếp tục xây dựng chuyên trang, chuyên mục về phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL; các văn bản quy phạm pháp luật về VHTTDL được rà soát, hệ thống hóa; các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm, quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL được chú trọng triển khai.

Phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền, phản ánh các nội dung của Phong trào TDĐKXDĐSVH. Tiếp tục hoàn thành Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành VHTTDL giai đoạn 2022-2026. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật; thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên tục, thường xuyên, có hiệu quả…

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×