Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo cần nhân rộng
13/07/2022 | 11:13Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, tại nhiều địa phương trong cả nước đã có mô hình điểm, cách làm sáng tạo được triển khai. Tìm kiếm và nhân rộng những mô hình điểm được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy lùi vi phạm, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống
Là trung tâm đô thị lớn của cả nước, Hà Nội luôn xác định tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ quan trọng, cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống. Nhiều mô hình PBGDPL trong cộng đồng dân cư được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực. Thành phố xây dựng nhiều mô hình mới trong cộng đồng dân cư như tổ dân phố điện tử, tổ tự quản khu nhà trọ, cầu thang pháp luật, loa kéo, loa trong khu nhà chung cư, chạy chữ trên truyền hình, video clip, infographic... Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, qua cổng/trang thông tin điện tử, qua hệ thống loa, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Fanpage, tin nhắn, thư điện tử, giao lưu trực tuyến, ứng dụng trên thiết bị thông minh; đẩy mạnh tuyên truyền qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, thi qua hình thức xây dựng video, qua nền tảng mạng xã hội…
Hằng năm, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, tổchức các hoạt động sôi nổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo chủ đề. Nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật được tổ chức; tăng cường giao lưu, đối thoại... Việc tuyên truyền văn bản pháp luật mới, văn bản pháp luật liên quan đến những vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận đã góp phần quan trọng đẩy lùi vi phạm trong đời sống xã hội nói chung và trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch nói riêng.
Trên địa bàn tỉnh miền núi phía Bắc Lai Châu, trong nhiều năm, việc triển khai các nội dung, đề án giáo dục pháp luật nói chung và trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch nói riêng đã được thực hiện bằng nhiều hình thức. Nhiều đơn vị có cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Tiêu biểu có thể kể đến các hình thức tuyên truyền miệng, trợ giúp pháp lý lưu động cho đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân nghèo... Trong những năm qua, các báo cáo viên pháp luật đã thực hiện tuyên truyền tại nhiều bản làng, với tổng số hàng trăm buổi tuyên truyền cho hàng vạn lượt người tham gia.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, với đặc thù có đường biên giới dài, đông dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu, tình trạng vi phạm pháp luật còn xảy ra…, việc triển khai thực hiện đề án tuyên truyền, giáo dục pháp luật được đánh giá là rất cần thiết. Nhiều CLB pháp luật, tổ hòa giải, tổ an ninh tự quản được thành lập ở các thôn, bản, khu dân cư; các đề cương, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp được biên soạn với hình ảnh minh họa sinh động, nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên phát huy kết quả đạt được, phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Các mô hình, cách làm sáng tạo trên thực tế đã góp phần không nhỏ trong nâng cao chất lượng hoạt động PBGDPL trên các địa bàn, qua đó tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân về chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật. Đặc biệt, trong các lĩnh vực nhiều đặc thù là văn hóa, thể thao và du lịch, những mô hình tiêu biểu càng khẳng định ý nghĩa bắc cầu đưa pháp luật vào đời sống, góp phần giảm thiểu những hành vi vi phạm.
Tìm sáng kiến PBGDPL qua hoạt động văn hóa ở cơ sở
Nhằm tìm kiếm, tôn vinh, nhân rộng những sáng kiến, mô hình PBGDPL tiêu biểu, Bộ VHTTDL mới đây đã phát động Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình PBGDPL hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”. Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện kế hoạch PBGDPL và triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Với cuộc thi này, BTC mong muốn góp phần tuyên truyền, vận động mọi cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác PBGDPL; đa dạng hóa các hình thức, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở… Tác phẩm là những bài viết, khuyến khích minh họa bằng các hình ảnh, clip, tư liệu, tài liệu liên quan đến những sáng kiến, mô hình hiệu quả thông qua các hoạt động văn hóa cơ sở để PBGDPL. Đó là các sáng kiến, mô hình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chiếu phim lưu động, thư viện lưu động, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực quan, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội, quy ước dòng họ... gắn với phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu, quán triệt các chủ trương, chính sách, quy định mới của pháp luật và vận động người dân, gia đình thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Bài dự thi phải là những sáng kiến, mô hình hiệu quả đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, qua đó vận động người dân nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ mong muốn cuộc thi sẽ thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; các bài dự thi đạt chất lượng cao, khả thi, có giá trị thực tiễn và lan tỏa sâu rộng… Để đạt được kết quả này, Thứ trưởng cho rằng cần sự đồng hành, tuyên truyền mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, truyền thông, các Sở VHTT, Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các địa phương và đội ngũ làm công tác văn hóa trên cả nước. Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành sẽ phối hợp tích cực với Bộ VHTTDL để cuộc thi đạt hiệu quả cao.
Thực tế cho thấy, những sáng kiến, mô hình sáng tạo luôn là hạt nhân quan trọng để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi hành vi vi phạm. Đơn cử, trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu, nhìn lại thời điểm bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được địa phương chú trọng lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động trực quan. Trung tâm VHNT tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật về cách ly y tế, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh, tình hình thi hành pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19, với nhiều lượt tuyên truyền bằng xe lưu động.
Đặc biệt, ngành văn hóa tỉnh Lai Châu đã sản xuất các bộ phim nhằm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, với những câu chuyện thông tin, những kịch bản ngắn sát thực, gần gũi với điều kiện kinh tế, văn hóa, môi trường sống của đồng bào các dân tộc. Các hình thức đổi mới tuyên truyền cũng được thể hiện qua nội dung chuyển thể sân khấu hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng những hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực đã góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào các dân tộc, đẩy lùi hủ tục lạc hậu như thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết…, tạo điểm sáng trong đời sống văn hóa ở vùng cao phía Bắc.
Đẩy mạnh thanh, kiểm tra trong quảng cáo
Thực thi Luật Quảng cáo trong 10 năm qua, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên được tăng cường, đẩy mạnh. Theo đó, đối với nội dung quảng cáo thuốc, mỹ phẩm…, trên cơ sở quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản có liên quan, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng các quy định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo. Các đơn vị được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm.
Bộ VHTTDL cũng đã trực tiếp thực hiện công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo và tham gia các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về hoạt động quảng cáo trên báo chí và hoạt động quảng cáo xuyên biên giới. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các Đài PTTH, cơ quan báo chí và mạng xã hội…