Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu
22/09/2021 | 16:50Tăng cường thực thi pháp luật trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, Bộ VHTTDL đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với các chủ đề thiết thực, phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Bộ cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; mô hình hay, hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đấu tranh, đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn xã hội…
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Trong thời gian qua, vấn đề nhận thức và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Ngày Pháp luật Việt Nam (9.11 hằng năm) có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Nhằm tiếp tục tăng cường, nâng cao nhận thức của toàn ngành về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ VHTTDL yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện này với nhiều nội dung, hình thức đổi mới, sáng tạo. Thông qua đó, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, tập trung các văn bản mới được Quốc hội thông qua trong năm 2021 và các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của từng đối tượng trong ngành.
Với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, ngành VHTTDL yêu cầu đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; khắc phục khó khăn, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6.8.2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Để việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2021 bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không phô trương, hình thức, Bộ VHTTDL nhấn mạnh yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức phù hợp với điều kiện đặc thù; bám sát các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của ngành, địa phương. Tăng cường trách nhiệm tập thể gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, bảo đảm yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất, tuân thủ các quy định, thực hiện nghiêm thông điệp 5K trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động lựa chọn chủ đề phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp. Giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ và chấp hành pháp luật; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với các chương trình, cuộc vận động, phong trào. Kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông “điểm nghẽn”, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đẩy mạnh tuyên truyền việc ứng xử trên mạng xã hội; chấn chỉnh tình trạng đăng tải, chia sẻ thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm pháp luật; chủ động phát hiện, xử lý, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên các phương tiện, không gian mạng.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm và tập trung trong tháng cao điểm, từ ngày 15.10 đến 15.11.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Tại các địa phương, nhiều hình thức tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 đã được triển khai. Tại Kon Tum, các cơ quan, đơn vị, địa phương được yêu cầu tập trung phổ biến những vấn đề dư luận, xã hội quan tâm; định hướng dư luận xã hội, trọng tâm là các lĩnh vực: Phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính, bảo vệ môi trường; đất đai; biên giới; hải đảo; xử lý vi phạm hành chính; phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh Covid-19... Kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội… Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực, bao gồm văn hóa, thể thao và du lịch được tăng cường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tổ chức đối thoại chính sách; tư vấn pháp luật trực tiếp; thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm... Thực hiện các hoạt động tuyên truyền về Ngày Pháp luật Việt Nam qua hệ thống áp phích, băng rôn, cờ phướn trên các tuyến đường chính, các tổ dân phố, cụm dân cư và các hình thức khác phù hợp. Bên cạnh đó, địa phương lồng ghép các hoạt động hưởng ứng với việc thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” và phong trào TDĐKXDĐSVH…
Với nhiều hình thức sáng tạo và sinh động, UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tạo sức lan tỏa, tác động tích cực đến đời sống nhân dân trên địa bàn, với các điểm nhấn như cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2021; tổ chức các hoạt động truyền thông như xây dựng và phát sóng chuyên mục Khách mời trường quay để trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến Ngày Pháp luật Việt Nam, thực trạng và giải pháp thi hành pháp luật hiện nay trên địa bàn; phổ biến, tuyên truyền pháp luật qua ứng dụng công nghệ thông tin và Fanpage; biên soạn sổ tay điện tử về tìm hiểu một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19…
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng chú trọng nội dung phát huy các nhân tố tiêu biểu, nêu gương người tốt, việc tốt; lên án, phê phán, đấu tranh xóa bỏ các hành vi phạm pháp, lệch chuẩn. Các hoạt động hưởng ứng được xác định bằng hành động, việc làm cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, thiết thực và an toàn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
Tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6.2021; Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 20.8.2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8.2021 và tại Chỉ thị số 43/CT-TTg, Bộ VHTTDL đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc địa bàn quản lý.
Bộ VHTTDL yêu cầu các đơn vị, các Sở có kế hoạch cụ thể để tổ chức thi hành các Luật, Nghị định, Thông tư ngay sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành, trên cơ sở đó đánh giá việc triển khai hằng năm. Chủ động tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trực tiếp của các cá nhân, tổ chức hoặc qua dư luận, báo chí đối với việc thực thi pháp luật; giải đáp các quy định của pháp luật trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Vụ Pháp chế làm đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai các hoạt động Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Ngày Pháp luật và công tác tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL và gia đình.