Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động
13/05/2024 | 15:28Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” được Bộ VHTTDL triển khai đồng bộ, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành. Qua đó, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức ngành VHTTDL tham gia phòng ngừa, phòng chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực VHTTDL; đặc biệt trên mạng Internet, trong gia đình, cộng đồng khu dân cư.
Theo Bộ VHTTDL, nhằm phát huy kết quả trong phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, việc ban hành chính sách pháp luật cũng như công tác tuyên truyền, chỉ đạo đã liên tục được tăng cường.
Tăng cường hành lang pháp lý
Cụ thể, Bộ đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” tiếp tục được ban hành. Cùng với đó là Đề án truyền thông về phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2023; Kế hoạch của Thanh tra Bộ VHTTDL về việc triển khai công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL năm 2023…
Với hành lang pháp lý được tăng cường, công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” được Bộ VHTTDL triển khai đồng bộ đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành, qua đó nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức tham gia phòng ngừa, phòng chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực VHTTDL; đặc biệt trên mạng Internet, trong gia đình, cộng đồng khu dân cư. Nhiều hoạt động được triển khai hiệu quả như Chương trình giữa Bộ VHTTDL và Bộ Công an về việc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thư viện trong trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng giai đoạn 2020-2025; tập huấn nghiệp vụ về phương pháp biên đạo, đạo diễn chương trình văn nghệ quần chúng cho hơn 200 học viên tại tỉnh Đắk Lắk. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra trên các lĩnh vực VHTTDL và gia đình; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ như quản lý, tổ chức lễ hội; phòng, chống vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan; quảng cáo; kinh doanh du lịch, kinh doanh dịch vụ TDTT; phòng, chống tội phạm trong quản lý di tích, di sản; tăng cường phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức chống lại những hành vi sai trái, xuyên tạc trên mạng internet, mạng xã hội, facebook… trong các lĩnh vực quản lý của ngành; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về VHTTDL được tăng cường với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thông qua Phong trào TDĐKXDĐSVH; hương ước, quy ước của cộng đồng như tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ; tổ chức hội nghị phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động VHTTDL cho tổ chức, cá nhân; xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục phổ biến văn bản pháp luật mới, hỏi - đáp pháp luật về văn hóa, gia đình, TDTT và du lịch.
Trong năm 2023, Bộ VHTTDL đã sản xuất phim tài liệu phóng sự “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch’’; xây dựng các chuyên đề, chuyên trang tuyên truyền trên báo chí, truyền thông… Hiệu ứng từ những nội dung này đã tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần hạn chế những vi phạm.
Phổ biến giáo dục pháp luật
Trong năm 2023, Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; trong đó, chỉ đạo tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật mới thông qua năm 2022 và năm 2023, các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Trong đó gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)..., Nghị định số 22/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, Nghị định số 67/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cải cách thủ tục hành chính, các Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực VHTTDL, trong đó có các quy định pháp luật về phòng ngừa tội phạm, về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong hoạt động văn hóa, kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch; phòng, chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với khách du lịch...; quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn.
Hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2023, Bộ VHTTDL tiếp tục tham gia xây dựng lập đề nghị 02 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan… Bộ VHTTDL khẳng định, trong thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL. Công tác theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời, góp phần tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm trong lĩnh vực VHTTDL. Tuy nhiên, do sự phát triển của mạng xã hội nên tình hình các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang tiềm ẩn nhiều phức tạp, việc quản lý hoạt động trên môi trường mạng rất tinh vi, rất cần sự vào cuộc của lực lượng phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ trong việc đấu tranh với các loại tội phạm, kịp thời phát hiện những thủ đoạn mới của các đối tượng để tuyên truyền cho nhân dân.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Năm 2024, trong các nhiệm vụ trọng tâm, Bộ VHTTDL nhấn mạnh nội dung tiếp tục hoàn thành Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành VHTTDL giai đoạn 2022-2026. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên tục, thường xuyên, có hiệu quả, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật. Thực hiện kiểm tra công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và một số địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật; tổng hợp nội dung, ý kiến phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về những bất cập của các quy định pháp luật và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành để nghiên cứu, kịp thời đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành để triển khai đồng bộ công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL.