Phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết 54
21/07/2022 | 16:47Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều có chung nhận xét: Văn hóa, con người xứ Huế đã góp phần làm nên đặc trưng thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc con người Huế là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả và thuận lợi có được, nhiều vấn đề cấp bách cũng được đặt ra nhằm cân bằng một cách hiệu quả giữa bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn bản sắc riêng và hội nhập sâu rộng.
Tại Hội thảo khoa học “Phát triển Văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức tại TP Huế, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên - Huế đã không ngừng nỗ lực, vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực mới trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành “đô thị di sản” đặc sắc của khu vực và cả nước.
Các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được tiếp tục bảo tồn và phát huy, góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên - Huế đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng xanh và bền vững. Đặc biệt, việc tổ chức thành công 10 kỳ Festival Huế với quy mô quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ở khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, từ các yếu tố thiên nhiên và xã hội rất riêng, rất đặc trưng đã hình thành nên con người Huế: Luôn coi trọng văn hóa, lễ giáo, hiếu học; tôn sư trọng đạo trong mỗi gia đình; sống khoan dung, hòa thuận; mẫu mực, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên. Những đức tính, truyền thống tốt đẹp của con người Huế tiếp tục được phát huy trong thực tiễn cuộc sống.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khác cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển của Thừa Thiên-Huế cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và bộc lộ nhiều hạn chế. Một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay đó chính là chưa khai thác hết giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế xứng với tiềm năng. Văn hóa chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển của Thừa Thiên - Huế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, mô hình và cách làm của Thừa Thiên - Huế là thực tiễn mới hết sức sinh động về việc triển khai những quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm đột phá chiến lược thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II, với tinh thần nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa, sực mạnh con người Huế trong sự phát triển của Thừa Thiên - Huế, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò về giá trị văn hóa, sức mạnh của con người trong phát triển Thừa Thiên- Huế trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng thời, Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của văn hóa, con người cũng như khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người xứ Huế - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất để hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu khác cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đề ra, việc khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, sức mạnh con người Huế có nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của Thừa Thiên-Huế trong hiện tại và tương lai.
Đồng thời, các đại biểu đã tập trung làm nổi bật những vấn đề trọng tâm như: Sự quan tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với sự phát triển của Thừa Thiên-Huế. Khẳng định vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa quan trọng của Thừa Thiên-Huế đối với sự phát triển, ổn định của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng như sự phát triển chung của cả nước. Khẳng định những giá trị độc đáo, riêng biệt, hấp dẫn của văn hóa, con người Huế. Những thành tựu trong phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế đối với quá trình phát triển của Thừa Thiên-Huế trong hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt là trong gần 3 năm triển khai Nghị quyết 54, từ 2019 đến nay. Đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa, con người Huế thời gian qua.
Bên cạnh đó, các các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng văn hóa và sức sáng tạo của con người Huế trong bối cảnh, tình hình hiện nay nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên-Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên-Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.