Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển Thể thao Việt Nam (Bài 1): Sự kế thừa chiến lược

19/11/2024 | 14:31

Cùng với những thành tựu đã đạt được từ Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, ngành TDTT đã kế thừa và xây dựng Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thành công từ Chiến lược cũ

Ngày 3/2/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, Chiến lược đã đề ra những chỉ tiêu phát triển cụ thể cho TDTT Việt Nam đến năm 2020 về cả lĩnh vực TDTT quần chúng (nay là thể thao cho mọi người) và thể thao thành tích cao. Sau 10 năm triển khai, các chỉ tiêu lớn của Chiến lược đã cơ bản hoàn thành, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển VHTTDL.

Phát triển Thể thao Việt Nam (Bài 1): Sự kế thừa chiến lược - Ảnh 1.

Chức vô địch AFF Cup 2018 là một trong những thành tựu nổi bật từ Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020.

Theo báo cáo của Cục TDTT (trước là Tổng cục TDTT), đến hết năm 2023 vừa qua, phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng, nhiều hoạt động TDTT ở cơ sở đã được tổ chức sôi nổi rộng khắp cả nước, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, nhiều sự kiện thể thao phong trào được tổ chức với quy mô lớn, như chạy việt dã, chạy địa hình, đua xe đạp, 3 môn phối hợp, bơi, yoga....Cùng với đó, các hình thức tập luyện TDTT đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị như: chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá mini, bóng chuyền hơi… phát triển mạnh ở các địa phương.

Số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc đạt 36,7%; số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 27,7% tổng số hộ. Bên cạnh đó, ngành TDTT cũng đã tập trung triển khai thành công nhiều chương trình phối hợp các địa phương, đơn vị triển khai các chương trình quản lý, chỉ đạo hoạt động TDTT. Thông qua việc triển khai thực hiện cuộc vận động và tổ chức các hoạt động TDTT, phong trào TDTT quần chúng đã có những bước tiến rõ nét, các chỉ tiêu cơ bản về TDTT quần chúng cơ bản hoàn thành.

Không những vậy, TDTT quần chúng còn cho thấy sự thích ứng, khả năng ứng phó với các trường hợp xảy ra. Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Cục TDTT và Vụ Thể thao quần chúng (nay là phòng Thể thao cho mọi người) đã nhanh chóng triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn các bài tập tại nhà thông qua các trang mạng xã hội, truyền thông... giúp người dân nâng cao sức khỏe giai đoạn giãn cách, phòng, chống dịch.

Phát triển Thể thao Việt Nam (Bài 1): Sự kế thừa chiến lược - Ảnh 1.

Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã mang lại những kết quả tích cực, giúp Thể thao Việt Nam có được chỗ đứng trên trường quốc tế

Đối với thể thao thành tích cao, có thể nói hiệu quả của Chiến lược đến gần như ngay lập tức khi từ SEA Games 2011 đến 2019, đoàn Thể thao Việt Nam luôn nằm trong top 3 toàn đoàn. Tỷ lệ các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic đoạt huy chương càng lúc càng tăng lên.

Trên đấu trường ASIAD các 2014, 2018, thể thao Việt Nam đoạt tổng cộng 75 huy chương, trong đó có 6 huy chương vàng. Đặc biệt, tại đấu trường Olympic, lần đầu tiên, Thể thao Việt Nam chính thức có tên ở bảng vàng của Olympic khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio de Janeiro 2016, tạo nên dấu ấn lịch sử cho Thể thao Việt Nam, tính đến thời điểm này.

Giữ vững thành công từ Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, trong giai đoạn từ 2021 đến nay, thể thao Việt Nam liên tục duy trì vị thế tại SEA Games, tiếp tục mang về các thành tích, hoàn thành chỉ tiêu tại ASIAD.

Dù vậy, bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn 2021- 2030 đã và đang có nhiều thay đổi. Song hành cùng những thời cơ, cơ hội mới, thể thao Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhìn thực tế, ở một số kỳ đại hội thế giới gần đây, kết quả chúng ta dành được đều không được như ý.

Sự kế thừa và phát triển của Chiến lược mới

Đứng trước những yêu cầu trong thời đại mới, ngành thể thao cần xây dựng, triển khai một Chiến lược mới nhằm định hướng phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn tới. Dựa trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 và Công văn số 5498/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam trong giai đoạn tới, Bộ VHTTDL được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển Thể thao Việt Nam (Bài 1): Sự kế thừa chiến lược - Ảnh 3.

Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kỳ vọng sẽ mang lại những bước tiến vững chắc tiếp theo

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc về hoàn thiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra hồi tháng 1 đầu năm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, dự thảo Chiến lược cần đề xuất được các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển thể thao. Trong đó, thể thao quần chúng là yếu tố đầu tiên. Từ việc phát triển thể thao quần chúng để lựa chọn được những VĐV có tiềm năng nhằm bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao cho thể thao thành tích cao.

Bổ trợ cho hai yếu tố trên là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ HLV, VĐV và các thành tố khác có tính chất bổ trợ như hội nhập, hợp tác quốc tế về TDTT, thi đấu quốc tế, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ…

Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua. Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Dự thảo Chiến lược đã nhanh chóng được hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đến ngày 15/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

So với Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, điểm khác biệt của Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tập trung nêu các quan điểm phát triển ngành, đề cập đến những mục tiêu lớn, đồng thời điều chỉnh, sắp xếp lại phần nhiệm vụ và giải pháp theo các lĩnh vực như Phát triển phong trào TDTT cho mọi người; Phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Mở rộng hợp tác quốc tế về TDTT; Đổi mới nhận thức, tăng cường hoạt động truyền thông về TDTT; Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về TDTT; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, y học trong lĩnh vực TDTT; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển sự nghiệp TDTT; Phát triển kinh tế thể thao và Tăng cường chuyển đổi số, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý trong lĩnh vực TDTT….

Trong đó, ba vấn đề gồm hệ thống đào tạo VĐV nhằm hướng tới các mục tiêu cụ thể, nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất và xã hội hóa đều được đặt trọng tâm, đưa ra những phương hướng, giải pháp thực hiện.

Bạch Dương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×