Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá du lịch Xứ Lạng

04/08/2021 | 15:12

Sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến hiệu quả. Tuy nhiên, sản phẩm lưu niệm của du lịch Lạng Sơn vẫn còn nghèo về số lượng, chủng loại, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Do đó, phát triển sản phẩm lưu niệm của du lịch Xứ Lạng đã và đang là vấn đề cần được quan tâm.

Nỗ lực xây dựng sản phẩm đặc thù

Người Việt Nam hay du khách quốc tế mỗi khi đến tham quan du lịch ở một địa danh nào đó cũng đều muốn tìm hiểu về sản phẩm của địa danh đó. Sản phẩm đó vừa là trải nghiệm hấp dẫn trong chuyến đi vừa có thể mua sắm để làm kỷ niệm hay quà tặng cho bạn bè, người thân. Và khi du khách mang món quà đó đi đến những nơi khác, truyền đến tay những người khác, một cách gián tiếp đã giới thiệu về hình ảnh và văn hóa của điểm du lịch đã đến.

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá du lịch Xứ Lạng - Ảnh 1.

Đại biểu và du khách tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm lưu niệm của Lạng Sơn trong Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc năm 2021

Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Nhận thức được vai trò của các sản phẩm lưu niệm đối với việc quảng bá du lịch và kích thích tiêu dùng của du khách, những năm qua, Sở VHTTDL đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh tăng cường tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hóa, liên kết với các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, lữ hành để nghiên cứu, thiết kế, xây dựng sản phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Theo đó, ban chỉ đạo phát triển du lịch các huyện, thành phố đã quan tâm khai thác, xây dựng sản phẩm lưu niệm từ các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như: tinh dầu hồi, quế, quạt cầm tay, túi xách, quần áo, mũ in hình du lịch Lạng Sơn…

Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm 2018, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố tập trung xây dựng một số sản phẩm lưu niệm mới, làm quà tặng như: biểu tượng hoa đào Xứ Lạng mạ vàng, cài áo và biểu tượng để bàn có in lô gô thành phố Lạng Sơn… Từ đó đến nay, mỗi năm, chúng tôi tiêu thụ được khoảng 200 sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu sản xuất thêm các sản phẩm mang đặc trưng của “Thành phố hoa đào” để làm quà lưu niệm cho du khách lựa chọn, mua sắm.

Cùng với đó, một số tổ chức, cá nhân đã chủ động phát triển sản phẩm lưu niệm dựa trên các sản vật địa phương. Bà Phạm Thị Giang, Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, công ty tạo ra được khoảng 30 sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đa dạng như: tinh dầu, đèn xông tinh dầu, túi thơm, túi treo ô tô, nước hoa, gối thảo dược… với giá bán từ 20 đến 180 nghìn đồng/sản phẩm.

Theo thống kê sơ bộ của Sở VHTTDL, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 danh mục sản phẩm lưu niệm với lượng tiêu thụ khoảng 2.000 – 5.000 sản phẩm/năm. Trong đó có thể kể đến một số sản phẩm được du khách ưa chuộng như: đĩa đồng in logo tỉnh, hình thú bông em bé đào, biểu tượng pha lê in hình ảnh cánh đồng lúa Bắc Sơn…

Vẫn “khát” sản phẩm lưu niệm giàu bản sắc

Với sự quan tâm của Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, sự nỗ lực của ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, Lạng Sơn bước đầu đã có một số sản phẩm lưu niệm đặc trưng để phục vụ du khách. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Từ năm 2018 đến nay, Lạng Sơn thu hút bình quân 2 triệu lượt khách/năm với số lượng tiêu thụ tối đa 5.000 sản phẩm lưu niệm/năm; tương đương 400 khách mới mua 1 sản phẩm.

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá du lịch Xứ Lạng - Ảnh 2.

Du khách mua sắm sản phẩm lưu niệm tại Trung tâm thương mại – miễn thuế – Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc)

Cuối tháng 4/2021, theo chân du khách đến một số điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh (như: động Tam Thanh, đền Mẫu Đồng Đăng…), chúng tôi nhận thấy các gian bán đồ lưu niệm được đơn vị chức năng quy hoạch khá quy củ, thuận lợi cho việc tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, các mặt hàng được bày bán chủ yếu là quần áo, khăn, mũ, móc khóa, quạt được in các họa tiết thổ cẩm đơn điệu và phần lớn là hàng nhập khẩu, rất ít sản phẩm mang đặc trưng của đất và người Xứ Lạng. Chị Chu Thị Giang, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đến Lạng Sơn, nhiều lần tôi muốn tìm mua quà lưu niệm để tặng bạn bè, người thân nhưng chưa chọn được món đồ ưng ý. Phần lớn quần áo, mũ, khăn hay túi xách ở đây mẫu mã cũng giống như những nơi khác nên tôi chủ yếu chỉ mua một số đồ ăn đặc sản rồi về.

Không riêng chị Giang mà đó cũng là băn khoăn của nhiều du khách và doanh nghiệp lữ hành khi đưa khách đến Lạng Sơn. Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Trung cho biết: Chúng tôi thường đưa khách du lịch đến các điểm du lịch ở thành phố Lạng Sơn và các huyện: Chi Lăng, Bắc Sơn, Cao Lộc… nhưng chưa thấy ở đâu có sản phẩm lưu niệm ấn tượng. Hầu hết du khách chỉ mua được hàng tiêu dùng, ẩm thực ở các chợ như: Đông Kinh, Tân Thanh… chứ không mua được đồ lưu niệm đặc trưng như những nơi khác.

Song song với sự thiếu thốn về số lượng là sự yếu thế về mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng như công tác quảng bá. Nghệ nhân Hoàng Choóng, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng cho biết: Từ năm 2002 đến nay, tôi dành thời gian chế tác đầu sư tử mèo và gà đất biết gáy, bán cho khách vãng lai tại các điểm di tích. Từ tháng 10/2020, tôi đã bày bán các sản phẩm này tại phố đi bộ Kỳ Lừa. Thế nhưng so với hàng nghìn sản phẩm lung linh xuất xứ nước ngoài được các gian hàng khác trưng bày thì hàng hóa của tôi chưa thu hút được du khách. Vì thế, tôi rất mong được sự quan tâm hướng dẫn cụ thể về hướng sản xuất và hỗ trợ quảng bá để du khách biết đến sản phẩm truyền thống, độc đáo của địa phương.

Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL nhận định: Sản phẩm lưu niệm được bày bán tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự hạn chế về kinh phí, nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách… Tháng 6/2021, chúng tôi đã hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh và triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành du lịch hoặc các lĩnh vực liên quan đến du lịch sử dụng để xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Lạng Sơn. Đồng thời, xây dựng, đưa nội dung phát triển sản phẩm lưu niệm vào các đề án phát triển các loại hình di sản như: múa sư tử, then của các dân tộc Tày, Nùng…

Thiết nghĩ, thời gian tới, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các làng nghề, nghệ nhân sản xuất sản phẩm lưu niệm có sử dụng bộ nhận diện du lịch Lạng Sơn.

Đồng thời, tích cực tham mưu, xây dựng kế hoạch cụ thể, định hướng, hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sản phẩm lưu niệm cũng như tăng cường quảng bá, khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của các sản phẩm… Từ đó, góp phần xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm lưu niệm, tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Xứ Lạng đến du khách trong và ngoài nước, thực hiện thành công mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

"Là tỉnh miền núi biên giới địa đầu của Tổ quốc, Lạng Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm mua sắm ở các tỉnh miền núi phía Bắc với sự đa dạng về sản vật, sản phẩm đặc sản. Tuy nhiên, hiện nay, những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương, trong đó có các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vì thế, cấp ủy, chính quyền tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để hình thành một trung tâm mua sắm, chủ lực là những sản phẩm của địa phương, trong đó ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP… với phương châm "Mỗi xã một sản phẩm". Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cũng như các doanh nghiệp du lịch phát triển các sản phẩm du lịch lưu niệm về mặt bằng sản xuất, vốn, nhân lực… Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ để thường xuyên đổi mới mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng phù hợp với thị hiếu của du khách.

Mặt khác, ngành VHTTDL cần quan tâm truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, quảng bá giá trị của sản phẩm đến du khách. Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân và khuyến khích phát triển các sản phẩm nổi bật của tỉnh, đưa hình ảnh đất và người Xứ Lạng đến du khách trong nước và quốc tế".

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam

Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×